Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, cho biết sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước.
"Những thành tựu đó đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc gia, quốc tế uy tín và hơn hết là sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng du khách ghé thăm, doanh thu du lịch và hệ thống hạ tầng lưu trú của thành phố", ông Minh chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” diễn ra sáng 27/6.
Thiếu chỗ cho giới nhà giàu tiêu tiền
Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng thẳng thắn thừa nhận ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến ngành du lịch thành phố đối mặt với những khó khăn chưa từng có, với những thiệt hại nặng nề, hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại gần như tê liệt.
PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Tuy nhiên, đại dịch cũng là khoảng lặng lớn để thành phố nhìn nhận lại kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, du lịch, cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng.
"Lãnh đạo thành phố cũng suy nghĩ những bước đi, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, ông Minh nêu.
Vị phó chủ tịch cho biết thêm bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2022 vừa được công bố mới đây đã gọi tên các thành phố như Vienna (Áo), Copenhagen (Đan Mạch), Zurich (Thụy Sĩ), Melbourne (Australia), Osaka (Nhật Bản)... nhưng không có tên Đà Nẵng.
Theo ông Minh, thật khó để đặt Đà Nẵng lên bàn cân, so sánh với các thành phố danh tiếng trên. "Nhìn vào những tiêu chí đánh giá của Economist như chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận không gian xanh…, thành phố cần có những trăn trở và định hướng chiến lược bài bản để hướng tới mục tiêu thành phố đáng sống”, ông Minh trăn trở.
Đà Nẵng vốn nổi tiếng có Bà Nà, Cầu Vàng. Vài năm nữa, Cầu Vàng tất nhiên vẫn “hot”. Nhưng dăm năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ ở Bà Nà, thì người ta còn không muốn lên nữa. Người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế.
PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng từ lâu Đà Nẵng được biết đến là một thành phố đáng đến, đáng trải nghiệm, đáng đầu tư. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nếu không có sự đầu tư hơn nữa thì danh xưng trên sẽ tụt hậu.
"Đà Nẵng vốn nổi tiếng có Bà Nà, Cầu Vàng. Vài năm nữa, Cầu Vàng tất nhiên vẫn 'hot'. Nhưng dăm năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ ở Bà Nà, thì người ta còn không muốn lên nữa. Người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế", ông Thiên nói.
Nói thêm về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng, chỉ ra rằng thành phố có 3 mặt giáp biển nhưng chưa có sản phẩm vươn ra biển, vịnh. Ngành du lịch chưa khai thác được hệ sinh thái bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng, bãi Nam Hòn Sụp.
Đặc biệt, Đà Nẵng chưa có tour ra biển, chưa có du thuyền để ngắm sông Hàn và cảnh quan vùng vịnh. "Đà Nẵng còn thiếu nơi vui chơi, giải trí về đêm, những chỗ để cho giới siêu giàu tiêu tiền", ông Dũng nêu.
Trao đổi thêm, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cho rằng cần làm rõ Đà Nẵng đáng đến với đối tượng nào? "Vì đối tượng bình dân và siêu giàu khác nhau rất nhiều", ông Nam nói và nêu thực trạng Việt Nam chưa có hệ sinh thái du lịch cho giới nhà giàu.
"Hiện nay cả nước không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế, trong khi một khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường. Chúng tôi đã kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu, và Đà Nẵng cũng nên hướng tới đối tượng siêu giàu", ông Nam nêu quan điểm.
Kêu gọi "đại bàng" về làm tổ
Câu hỏi đặt ra là Đà Nẵng sẽ tự làm mới mình như thế nào để tiếp tục bứt phá, tăng tốc, xứng danh là nơi đáng đến và đáng sống nhất Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, TS Lương Hoài Nam cho rằng Việt Nam nên có đề án hình thành hệ sinh thái du lịch cho đối tượng siêu giàu và Đà Nẵng cũng nên hướng tới điều này.
Ông Nam cũng chia sẻ rằng đã từng có lúc thấy "quá vô duyên" khi cứ đi du lịch biển ở Phuket (Thái Lan) hay một số nơi khác, trong khi ngay ở nước mình đã có Đà Nẵng - địa phương nhiều tiềm năng để trở thành "Singapore của Việt Nam".
"Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu du lịch cả nước đóng góp 9% vào GDP thì Đà Nẵng phải tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để đóng góp vào tăng trưởng cao hơn, khoảng 15% mới xứng đáng với tiềm năng", ông Nam nói.
Các chuyên gia hiến kế Đà Nẵng nên thu hút "đại bàng" về đầu tư những khu vui chơi, nghỉ dưỡng đẳng cấp. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Vị chuyên gia này tin du lịch Đà Nẵng còn rất nhiều cơ hội phát triển. "Đà Nẵng có diện tích gấp rưỡi Singapore. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách quốc tế đến đây rất ít so với Singapore", ông Nam nói và khuyên lãnh đạo thành phố cần “làm mới” để đón cơ hội, tăng tốc phát triển bứt phá, không để tụt lại phía sau.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng với những lợi thế đang có, Đà Nẵng phải mạnh dạn hướng tới "điểm đến hàng đầu, với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt. Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các đại bàng, nhà đầu tư của những dự án đẳng cấp.
"Phải lựa chọn 'đại bàng' trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính… Nhiều năm liền Đà Nẵng không có dự án nào mới. Đại bàng mới gần như chưa có, đại bàng đã hút được không trân trọng rất dễ rời đi kiếm tổ mới", ông Thiên nói và cho rằng kế sách duy nhất để hấp dẫn "đại bàng" là Đà Nẵng phải xây dựng cơ chế cởi mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, nhiều khi phải hy sinh cái lợi nhỏ để hướng đến cái lợi lớn.