Không thể tìm được phòng trọ, phải chọn nhà nghỉ bình dân để tá túc với mức giá 300.000 đồng/ngày là tình cảnh của Nguyễn Hồng - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - trong những ngày đầu năm học mới.
Hồng cho biết ngày 30/9 em kết thúc hợp đồng với nhà trọ cũ. Tuy nhiên, đến ngày 29/9, cô sinh viên vẫn chưa thể tìm được phòng mới. Công việc tìm kiếm đã diễn ra cả tháng trời vẫn không có tín hiệu tốt.
Tìm mọi cách để có chỗ ở
"Cứ tan học, em lại đi tìm phòng. Em còn theo dõi các nhóm cho thuê phòng trên mạng xã hội, có phòng trống gần trường, gọi chậm vài phút đã hết phòng. Thậm chí có những nơi 10 phút trước báo qua xem phòng, nhưng tới nơi gọi lại, đã có người thuê”, Nguyễn Hồng thở dài ngao ngán.
Bất lực, Hồng tìm đến một bên môi giới với lời hứa “cọc 300.000 đồng sẽ được hỗ trợ tìm phòng”. Bán tín bán nghi về sự uy tín nhưng nữ sinh vẫn chấp nhận trả số tiền này với hy vọng mỏng manh tìm được phòng trọ ưng ý. Hôm nay, không liên lạc được với bên môi giới, Nguyễn Hồng mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.
Đã đến hạn cuối chuyển đi nhưng vẫn chưa tìm được phòng, nữ sinh quyết định thuê nhà nghỉ gần trường ở đến khi tìm được phòng trọ sẽ lập tức chuyển đi.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Nguyễn Minh Phương - sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic - bất lực: "Em đã tìm chỗ trọ trong vô vọng".
Minh Phương mong muốn tìm một phòng trọ gần trường cho tiện việc học tập. Em phải lên Hà Nội trước thời gian nhập học cả tuần để thuê phòng nhưng không có. Thậm chí, Phương đã mở rộng phạm vi tìm kiếm đến 7 km nhưng vẫn không có hy vọng.
"Hết cách, em buộc phải chuyển vào một homestay cách trường 5 km. Một căn phòng vỏn vẹn 15 m2 nhưng có tận 4 người ở với giá 1,6 triệu đồng/tháng/người. Điều bất tiện là bếp nấu ăn và nhà vệ sinh chung với các phòng khác. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, em không thể kén chọn bởi có phòng để ở là tốt lắm rồi”, Minh Phương tâm sự.
Căn homestay 4 người ở rộng 15m2. Ảnh: NVCC. |
Mua nhà cho con học đại học
Cùng nỗi lo như nhiều gia đình có con lần đầu lên Hà Nội học tập, anh Nguyễn Thế Anh (Nghệ An) - phụ huynh của tân sinh viên Học viện Tài chính - cho biết bên cạnh niềm vui con đỗ đại học là sự băn khoăn con sẽ ở đâu, ăn uống, học hành, đi lại thế nào.
Do gia đình ở quê không tiện đi xem nhà trọ, anh Thế Anh nhờ một số người quen đi tìm. Tuy nhiên, phòng giá gần 2 triệu đồng/tháng thì chật chội, sinh hoạt bất tiện mà đi bộ xa trường. Phòng gần lại là dãy nhà trọ phức tạp nên gia đình không yên tâm gửi gắm.
Phương án khác của anh Thế Anh là tìm cho con căn hộ chung cư riêng biệt, nhưng gần trường thì khó tìm và lúc nào cũng trong tình trạng hết chỗ. Suy đi tính lại, anh quyết định lấy tiền tiết kiệm để mua nhà cho con.
Không tìm được nhà trọ ưng ý, nhiều phụ huynh quyết định mua nhà cho con. Ảnh minh họa: Lao Động. |
"Theo tôi tính toán, để con có được chỗ ở thuận tiện đi lại, ăn ở, học hành, mỗi tháng, gia đình sẽ phải chi cho con 6-8 triệu đồng tiền thuê nhà, một số tiền quá lãng phí. Nếu mua chung cư khoảng 2 tỷ đồng/căn nhưng 4 năm sau sợ con sẽ về quê, nhà chung cư mất giá. Vì vậy, tôi quyết định chi 4 tỷ đồng mua nhà đất cho con ở, sau này bán nhà vẫn có giá", anh Thế Anh chia sẻ.
Không chỉ anh Thế Anh, rất nhiều phụ huynh khác có điều kiện cũng tính đến chuyện mua nhà cho con. Anh Hà Xuân Hùng (Thanh Hóa) - phụ huynh sinh viên Học viện Ngân hàng - cũng đang tìm căn hộ cho con với tài chính dưới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm vẫn chưa thành công vì chưa tìm được căn hộ ưng ý.