Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khu chợ dưới lòng đất ở TP.HCM ảm đạm khi mở lại

Chỉ vài ba gian hàng mở cửa, không khí ảm đạm khiến giới trẻ không còn mặn mà khi ghé qua khu ẩm thực dưới lòng đất.

Hơn 19h, Huỳnh Đức Toàn (chủ shop quần áo) xuống mua đồ ăn tối tại gian hàng món Thái của Central Market, khu chợ dưới lòng đất nổi tiếng giữa trung tâm TP.HCM.

Mới mở chi nhánh kinh doanh thời trang tại trung tâm thương mại cách đây ít ngày, Toàn bất ngờ khi khu ẩm thực vắng khách trong những ngày đầu hoạt động lại.

“Trước dịch, chỗ này rất đông đúc, chuyên phục vụ khách du lịch nước ngoài, các bạn trẻ và nhiều gia đình thường đưa nhau đến đây ăn chơi, trải nghiệm. Hồi trước, thỉnh thoảng mình cũng xuống đây cùng bạn bè, nhưng tình hình bây giờ có vẻ ảm đạm. Hai khung cảnh đúng là trái ngược hoàn toàn”.

Theo Toàn, giới trẻ thích tới khu ẩm thực dưới lòng đất vì nó lạ, nhộn nhịp và có nhiều gian hàng ăn uống, vui chơi. “Sau dịch các gian hàng đều đóng nên ở đây không đáp ứng được nhu cầu đó nữa, có xuống cũng không biết ăn gì, chơi gì”.

Sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh, Central Market hoạt động trở lại từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, khu chợ hiện khá vắng vẻ. Nhiều gian hàng vẫn đóng cửa trong khi một số nơi đã trả lại mặt bằng.

khu cho duoi long dat tphcm anh 1

Khu ẩm thực tại Central Market vắng khách ngày mở lại.

Đìu hiu

Nghe tin khu ẩm thực dưới lòng đất tại Central Market mở cửa qua bài chia sẻ trên mạng, tối 20/11, Hạ rủ bạn của mình tới đây trải nghiệm. Hai năm ở TP.HCM, đây là lần đầu tiên cô được tới đây nên trước lúc đi tâm trạng khá háo hức.

Khu ẩm thực nằm ngay dưới hầm để xe, trước khi bước qua cửa, mọi người đều phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và trình thẻ xanh đã tiêm 2 mũi vaccine.

“Vừa bước vào, mình hơi sốc vì quá vắng. Đêm thứ 7 nhưng không hề có khách nào ngồi ăn. Các hàng ăn đa phần đóng cửa, tắt đèn, hai đứa mình tưởng đi nhầm chỗ nên còn dạo quanh một vòng để xem có đúng là khu ẩm thực muốn đến không”, Hạ kể.

Tại nhiều gian hàng, Hạ để ý đồ đạc đã được chủ quầy dọn đi. Một số gian vẫn để lại bếp ga, bát đũa nhưng bụi bặm, mạng nhện phủ kín không gian.

“Xem ảnh trên mạng và nhìn khung cảnh ngoài đời thực mình không thể nhận ra đây là khu ẩm thực hot một thời. Dịch bệnh đúng là có sức ảnh hưởng khủng khiếp”.

Dù có một số gian hàng còn sáng đèn đón khách nhưng Hạ và bạn của cô ái ngại ngồi ăn vì không có khách nào khác. Suốt hơn 30 phút, có nhiều nhóm khách trẻ cũng đi xuống khu ẩm thực, nhưng sau một lúc dạo quanh cũng không có ai ngồi lại.

“Chúng mình đi dạo ở những sạp hàng quần áo, đồ lưu niệm và chụp ít ảnh check-in rồi dắt xe ra đi ăn ở chỗ khác”.

Cầm cự

Chị Nguyễn Thị Nghi (nhân viên quán bingsu, kem cuộn ở Central Market) cho biết trong 1-2 ngày đầu mở cửa trở lại, quán chị có khoảng 10 khách/ngày, doanh thu 1-2 triệu đồng.

Tuy nhiên, sang đến ngày thứ 3, khách vắng dần. Đến hiện tại, chị chỉ bán được khoảng vài chục nghìn đồng/ngày, có những hôm còn không có khách nào ghé.

"Những ngày đầu còn có khách quen hay tin nên ghé đến. Nhưng giờ mới mở được vài quầy, người ta không có nhiều sự lựa chọn nên không quay lại nữa", chị Nghi cho hay.

Theo nhân viên này, trước dịch, khu ẩm thực dưới lòng đất hoạt động rất sôi nổi, đông đúc cả khách lẫn người bán.

"Vào những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, khách ngồi kín bàn, không còn chỗ trống. Thời điểm đó, chúng tôi bán được 2-3 triệu đồng/ngày".

khu cho duoi long dat tphcm anh 6

Chị Nghi hy vọng các quầy hàng sớm trở lại để khu ẩm thực trở nên đa dạng, hút khách hơn.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm ngoái, lượng khách giảm dần, kéo theo đó là sự sụt giảm số lượng quầy thức ăn trong khu ẩm thực.

"Ban đầu khu này có đến hơn 50 quầy hàng. Sau đợt dịch 1-2 giảm còn khoảng 20 quầy. Đến đợt dịch thứ 3, bớt đi một nửa. Đến hiện tại, còn đúng 3 quầy trụ lại".

Vì vắng khách nên nhân sự các quán ăn cũng phải cắt giảm nhiều, từ 3-4 người xuống còn 1-2 nhân viên. Nguyên liệu chỉ nhập đủ bán trong ngày, dùng hết mới dám mua thêm.

Dù đã được giảm tiền thuê mặt bằng so với trước dịch, với tình hình kinh doanh ế ẩm như hiện tại, nhiều chủ cửa hàng vẫn lo lắng doanh thu không đủ lo các khoản chi phí: thuê mặt bằng, lương cho nhân viên, mua nguyên liệu...

"Theo tôi, nguyên nhân vắng khách chủ yếu là do các quầy hàng ít mở lại khiến mọi người không có nhiều sự lựa chọn để ăn uống, vui chơi. Trong thời gian tới, hy vọng các tiểu thương, chủ cũ sẽ trở lại kinh doanh để giúp nơi này hồi sinh", chị Nghi nói.

Nhân viên quán karaoke ở TP.HCM thành bốc vác khi thất nghiệp

Trong hơn nửa năm karaoke đóng cửa, anh Trương Văn Sương (31 tuổi) xin làm thời vụ ở một kho hàng. Công việc, thu nhập bấp bênh khiến anh không dám nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết.

Đào Phương - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm