Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khu vườn của chàng trai liệt hai chân

Nhiều năm nay, gia đình Vũ Minh ít khi phải đi chợ mua rau củ, trái cây nhờ nguồn thực phẩm sạch được anh tự tay trồng và chăm sóc trong vườn nhà.

Mỗi ngày, Phan Vũ Minh (31 tuổi, Vĩnh Long) lại đi xe lăn ra vườn thu hoạch rau củ, trái cây về cho gia đình thưởng thức.

Chia sẻ với Zing, Minh cho hay trên mảnh đất 800 m2, anh dành 60 m2 để trồng các loại rau, quả như muống, cải, bắp cải, súp lơ, dền, cà tím, mướp đắng, bầu, cà chua. Còn lại, anh có nhiều cây ăn trái gồm mít, dừa, chuối, me ngọt, roi, mãng cầu, đu đủ, thanh long, quách, lý, táo, sơ ri, vú sữa.

“Khu vườn của mình có 11 năm nay rồi. Từ lúc trồng, gia đình mình ít phải ra ngoài mua rau, trái và nhiều khi cũng mang biếu hàng xóm. Trong dịch, mình không khi nào sợ thiếu thực phẩm sạch”, anh nói.

Khu vuon cua chang trai liet hai chan anh 1

Khu vườn tươi tốt quanh năm nhờ bàn tay chăm sóc của anh Minh.

Tự tay làm vườn

11 tuổi, Minh mắc bệnh dị dạng tủy sống và được bố mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi. 9 năm sau, trải qua lần phẫu thuật không thành công, cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn.

Sau biến cố đó, Minh quyết định rời TP.HCM về quê Vĩnh Long sinh sống để thay đổi không khí. Mẹ anh nghỉ việc, đi theo chăm sóc con trai.

Tốt nghiệp ngành Tài chính kế toán nhưng Minh không cố kiếm việc theo đúng chuyên môn mà quyết định khởi nghiệp kinh doanh. Với số vốn 7 triệu đồng, anh nhập giống hồng leo Thái Lan về trồng và bán.

Vốn thích trồng trọt và chăm sóc cây cối, Minh tận dụng số chậu nhập về còn thừa để trồng rau. Anh tự tay đổ đất, trộn với xơ dừa và mua các giống phổ biến như rau cải, muống.

Từ những chậu rau đặt dọc lối đi bên hông nhà, một năm sau, Minh xin mẹ cải tạo mảnh vườn bên cạnh để trồng thêm.

“Lúc đó, Internet chưa phát triển như bây giờ, mình vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm và hỏi người lớn xung quanh. Mình thấy trồng rau ở quê còn khó hơn thành phố vì nơi đây nhiều sâu bọ, côn trùng, cây dễ bệnh. Vì trồng hoàn toàn hữu cơ, không phun thuốc, mình phải bắt sâu, canh nắng, lượng nước, theo dõi phân bón, cách trộn phân mỗi loại lại khác nhau để cây sinh trưởng tốt”, anh kể.

Với Minh, việc khó khăn nhất là di chuyển ra vườn. Trong khi 2 tay điều khiển xe lăn, anh phải đặt mọi thứ lên người, từ chậu, bao đất đến dụng cụ làm vườn.

Bên cạnh đó, khi cúi người xuống trồng rau, phần mắt cá, đầu gối tì mạnh vào xe khiến Minh bị trầy da. Anh cũng bị xây xẩm, chóng mặt, có khi ngã nhào vì cố rướn người về phía trước.

“Từ khi gắn với chiếc xe lăn này, mình phải sống chậm lại, làm gì cũng tốn nhiều thời gian hơn”, anh cười nói.

Khu vuon cua chang trai liet hai chan anh 4

Anh Minh trồng mùa nào thức nấy để hạn chế sâu bệnh.

Vất vả nhưng xứng đáng

Để khu vườn tươi tốt quanh năm, Minh trồng cải ngọt, cải xanh, rau muống và mùa nào thức nấy. Nhiều khi, anh thử trồng rau củ trái mùa nhưng tốc độ phát triển rất chậm và èo uột. Ví như cà rốt, bí ngòi trồng vụ cuối năm có ra quả nhưng không tốt.

Ngoài ra, Minh trộn xơ dừa, trấu, phân bò hoặc mua phân hữu cơ về bón cho cây nhiều dinh dưỡng.

Bên cạnh trồng rau trên luống và trong chậu, anh tận dụng khay nhựa cứng được đục lỗ dưới đáy để tạo độ thoáng cho đất rồi làm giàn inox đặt lên tiết kiệm diện tích.

“Phun thuốc thì dễ, còn trồng rau hữu cơ 100% rất cực. Mỗi tối, mình phải mang đèn ra vườn vạch từng lá rau để bắt sâu, có khi hơn một tiếng/lần mới tạm ổn. Để bớt tốn thời gian, mình mua lưới về phủ kín vườn nhằm hạn chế sâu bệnh. Trồng vất vả thật nhưng đổi lại, mình thấy rau, trái vị ngon hơn ngoài chợ nhiều và không bao giờ lo hóa chất”, anh nói.

Mỗi lần thu hoạch được nhiều, Minh lại mang biếu hàng xóm khiến mọi người rất vui.

Bên cạnh các giống nội địa, Minh còn thử với cây trái nhập ngoại như phúc bồn tử, mâm xôi, việt quất.

“Phúc bồn tử, mâm xôi vẫn phát triển, ra hoa nhưng không đậu trái. Biết là các loại cây xứ lạnh không trồng được nhưng mình thích nên vẫn muốn thử”.

Từ ngày làm vườn, Minh cảm thấy cuộc sống vui vẻ, bớt áp lực. Anh coi việc chăm sóc cây cối là cơ hội để rèn luyện sức khỏe.

“Trong mùa dịch, nếu có nơi có thể trồng rau và cây cối thì mọi người nên thử. Với mình, việc ngắm hạt giống từ khi nảy mầm đến lúc cho thành quả rất thoải mái, vui vẻ, thậm chí nhiều khi không nỡ ăn. Thời gian cách ly xã hội, không thể ra ngoài, mình thường xuyên ra vườn chăm sóc cây cối, hít thở không khí trong lành, thư giãn”.

“Trong thời gian tới, mình dự định cải tạo vườn, trồng thêm nhiều loại rau, củ, quả mới để mọi người cùng thưởng thức”, anh nói thêm.

Bỏ việc lương nghìn USD ở TP.HCM về quê kinh doanh kiểng lá

Với một người quen với guồng quay đô thị, cuộc sống ở quê không dễ dàng như Hải Hân từng tưởng tượng. Để có thu nhập, chị học cách thay đổi từng chút, "như thanh niên mới vào đời".

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm