Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến tình trạng béo phì gia tăng ở các nước châu Á. Giữa đại dịch, người béo phì cũng là nhóm dễ tổn thương và có nguy cơ bị tác động nhiều hơn.
Khi sự chú ý của cả thế giới hướng về đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm nay, béo phì - vốn được coi là vấn đề đáng lưu tâm những năm gần đây - tạm thời bị gác lại.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng béo phì và các triệu chứng liên quan khiến tình trạng bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 trầm trọng hơn. Vì vậy, cộng đồng chăm sóc sức khỏe toàn cầu nhận ra rằng chống béo phì cũng là cách để góp phần ngăn chặn tác động của virus, theo South China Morning Post.
Những con số đáng báo động
Những thập kỷ gần đây, tỷ lệ béo phì tại châu Á tăng nhanh do thu nhập và đô thị hóa ngày càng tăng. Áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe thế giới trong việc giải quyết các tình trạng liên quan đến béo phì cũng tăng lên tương ứng.
Ở Malaysia, có tới 64% nam giới và 65% phụ nữ bị béo phì hoặc thừa cân. Xu hướng tương tự cũng đang được ghi nhận ở một số nước Đông Nam Á khác. Từ năm 2010 đến 2014, tỷ lệ béo phì ở Indonesia và Việt Nam tăng nhanh gấp 3 lần so với Mỹ và Anh.
Trung Quốc cũng đang ghi nhận tình trạng tương tự. Giai đoạn 2004-2014, tỷ lệ béo phì ở nước này tăng gấp 3 lần, ảnh hưởng đến khoảng 14% dân số trưởng thành vào năm 2014.
Ngày càng nhiều người châu Á mắc bệnh béo phì. Ảnh: Reuters. |
Dữ liệu ghi nhận tại Ấn Độ cũng báo động không kém. Tỷ lệ người mắc bệnh béo phì ở nước này đang tăng nhanh hơn so với mức trung bình của thế giới, từ 6,4% lên 14,9% ở phụ nữ giai đoạn 1975-2014. Đi kèm với đó là các bệnh mạn tính, đè nặng áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.
Những con số này cho thấy tình trạng người thừa cân ở các nước châu Á hiện nay đặc biệt cần được chú ý. Người châu Á có tỷ lệ chất béo cơ thể cao hơn so với người phương Tây ở cùng độ tuổi, giới tính và chỉ số khối cơ thể (BMI). Điều này khiến họ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì hơn như tiểu đường loại 2 và bệnh liên quan đến tim mạch.
Đối tượng có nguy cơ tử vong cao
Béo phì và các bệnh liên quan luôn được biết đến là có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, với sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 trên khắp thế giới, những người mắc bệnh này còn trở thành nhóm dễ bị tổn thương do có nguy cơ cao bị biến chứng.
Các nghiên cứu mới đây cho thấy béo phì có thể dẫn đến các biến chứng nặng ở bệnh nhân Covid-19. Tại một trung tâm y tế của Pháp, hơn 85% bệnh nhân béo phì nặng phải dùng máy thở.
Khi tỷ lệ béo phì ở châu Á tiếp tục tăng, các mối nguy liên quan đến Covid-19 cũng có xu hướng tăng theo.
Vai trò của chính phủ
Các chính sách y tế công cộng được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất để giải quyết bệnh béo phì. Tuy nhiên, chính phủ các nước thường tập trung quá nhiều vào việc phòng ngừa.
Trước mối đe dọa của dịch bệnh, không chỉ dừng lại ở việc phòng ngừa, các nước nên đảm bảo người béo phì được tiếp cận các lựa chọn điều trị như phẫu thuật hay dịch vụ hỗ trợ liên quan.
Australia đang là nước làm tốt việc này. Những loại phẫu thuật được chấp nhận như cắt dạ dày, nối dạ dày đều được các công ty bảo hiểm tư nhân và dịch vụ y tế công cộng chi trả.
Béo phì làm trầm trọng thêm tình trạng của người mắc Covid-19. Ảnh: Getty Image. |
Dịch vụ y tế quốc gia ở nước này cũng cung cấp các buổi theo dõi với bác sĩ sau phẫu thuật, thậm chí hỗ trợ chăm sóc hậu phẫu như nhận tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng và nhà tâm lý học. Điều này đảm bảo người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc tối ưu ngay cả sau khi phẫu thuật.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước châu Á. Tại Malaysia, chi phí phẫu thuật bọng mỡ ít nhất là 7.050 USD và không được bảo hiểm y tế công cộng chi trả. Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ có một nhóm nhỏ bệnh nhân đủ sức chi trả chi phí. Ở Philippines, Thái Lan, Indonesia và Hong Kong cũng tương tự.
Thành kiến
Một trở ngại khác trong cuộc khủng hoảng béo phì nằm ở chính bệnh nhân.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của các phương pháp điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân thường ít khi lựa chọn chúng. Họ nghĩ rằng phương án đó giống như "đi đường tắt" một cách dễ dàng.
Để xóa bỏ những quan niệm sai lầm và thành kiến như vậy, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên giúp bệnh nhân nhận ra rằng béo phì là một tình trạng bệnh mạn tính và phẫu thuật có thể giúp họ đạt được chất lượng cuộc sống cao hơn đáng kể.
Hơn nữa, với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực này, các bác sĩ nên cho nhà lập pháp thấy vai trò của phẫu thuật điều trị béo phì. Một trong số đó là giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe dài hạn. Điều này sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết và định hình lại thái độ của bệnh nhân đối với việc điều trị.
Chính phủ các nước nên triển khai kế hoạch rõ ràng hơn trong việc chống béo phì. Ảnh: Shutters Stock. |
Australia là một trong những quốc gia sớm nhất trên thế giới thành lập một nhóm quan tâm đến tình trạng này vào năm 1980. Hiệp hội Phẫu thuật Điều trị Béo phì Australia và New Zealand liên tục hỗ trợ chính phủ nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của phẫu thuật điều trị, đảm bảo cập nhật các kỹ thuật mới.
Tại xứ chuột túi, gần 23.000 bệnh nhân đã chọn phẫu thuật giảm cân để kiểm soát tình trạng cơ thể giai đoạn 2014-2015. Đến giai đoạn 2017-2018, con số này là hơn 38.000 người.
Béo phì đang là vấn đề hàng đầu và trung tâm của tất cả quốc gia đang cố gắng quản lý cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Khi tiếp tục cuộc chiến này, chính phủ và các chuyên gia sức khỏe cần hợp tác với nhau trên mọi mặt - từ phòng ngừa và giảm thiểu thông qua chính sách công, đến điều trị bằng can thiệp phẫu thuật và hỗ trợ chăm sóc hậu phẫu.