Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Làn sóng sinh viên Mỹ xin nghỉ học

Cho rằng chất lượng các lớp online không tương xứng với mức học phí, ngày càng nhiều sinh viên Mỹ nộp đơn xin nghỉ hoặc bảo lưu kết quả học tập.

sinh vien My nghi hoc vi dich anh 1

Zing trích dịch bài đăng trên VICE, đề cập đến tình trạng nhiều sinh viên Mỹ quyết định hoãn việc nhập học hoặc tạm nghỉ ở trường do không hài lòng với chất lượng lớp học online.

Vào giữa học kỳ 2 năm nhất, khi Babu (19 tuổi, Mỹ) vừa bắt đầu làm quen được nhịp sinh hoạt ở môi trường mới, Đại học Duke - nơi cậu theo học - thông báo tạm đóng cửa và gửi học sinh về nhà do dịch Covid-19 bùng phát.

Những tháng qua, Babu ở nhà với bố mẹ tại Chapel Hill, bang North Carolina. Dù nhà trường thông báo sẽ cho một số sinh viên trở lại trường trong học kỳ này, Babu, cũng giống hàng trăm sinh viên khác, vẫn đang phải tiếp tục việc học online.

“Tôi tin nhà trường, nhưng tình hình ở North Carolina vẫn đang rất nghiêm trọng nên kế hoạch trường mở cửa lại khó mà thực hiện”, nam sinh nói.

Babu đã làm đơn xin nghỉ một học kỳ vào cuối tháng 5. Đến tháng 6, cậu chính thức quyết định không đi học tiếp vào mùa thu này. Thay vì quay lại trường, Babu đến Los Angeles để sống với chị gái và làm thực tập (có thể là từ xa) cho Bob Blumenfield - Ủy viên Hội đồng Thành phố Los Angeles.

Nhiều trường đại học cho biết đang nhận được ngày càng nhiều đơn xin bảo lưu, hoãn nhập học từ các sinh viên, những người thà tạm nghỉ còn hơn là học từ xa hoặc ngồi trong lớp học mà lo lắng về đại dịch đang diễn ra.

Thà nghỉ còn hơn học online

Mỗi trường cao đẳng và đại học tại Mỹ lại có kế hoạch giảng dạy riêng trong thời kỳ dịch bệnh. Một số vẫn tiếp tục mở cửa trong khi số khác hủy bỏ tất cả lớp học trực tiếp, chỉ cung cấp các khóa học online.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát được cập nhật thường xuyên với gần 3.000 trường học ở Mỹ của tờ Chronicle of Higher Education, phần lớn trường cho sinh viên học lịch trình kết hợp, vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Khoảng 25% vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Thay vì trả toàn bộ học phí cho lớp học trực tuyến hoặc mạo hiểm đến trường, những sinh viên như Babu chọn lối đi khác cho mình.

Vì không thể dành một năm gap year để đi du lịch hoặc làm tình nguyện viên quốc tế như bình thường do đại dịch, nhiều sinh viên cho biết có kế hoạch sử dụng thời gian này để trả khoản nợ sinh viên, đi thực tập hay theo đuổi các dự án cá nhân.

sinh vien My nghi hoc vi dich anh 2

Nhiều sinh viên Mỹ không muốn tiếp tục chương trình học qua các lớp online. Ảnh: Getty Image.

Giống như Babu, Elizabeth Olshanetsky (19 tuổi), sinh viên năm 2 tại Đại học Yale, quyết định tạm nghỉ một học kỳ. Trường cô thông báo sinh viên năm hai sẽ không được phép sống trong khuôn viên trường hoặc tham gia các lớp học trực tiếp do dịch.

Cuối cùng, Elizabeth cho rằng thật không đáng khi dành một học kỳ chỉ để ngồi nhà mà không được tiếp xúc xã hội.

“Bố tôi không biết hậu quả của việc học một học kỳ online sẽ như thế nào. Tôi giải thích với ông ấy rằng lý do tôi chọn Yale không chỉ vì danh tiếng, mà là để thực sự có kinh nghiệm học đại học”, cô nói.

Sắp tới, cô sẽ dành thời gian nghỉ ở trường để thực tập cho Republic Labs, một công ty đầu tư, đồng thời tiếp tục viết blog cá nhân.

Dani K., 20 tuổi, sinh viên một trường tổ chức và biểu diễn nghệ thuật, cũng cho rằng chất lượng các lớp học online không xứng đáng với số tiền học phí bỏ ra.

“Tôi dường như đã lãng phí cả học kỳ để theo dõi các bài giảng và làm bài tập mà không đem lại kết quả. Việc thuyết trình, phỏng vấn xin việc sau này hoàn toàn khác so với một cuộc nói chuyện qua Zoom”, cô nói.

sinh vien My nghi hoc vi dich anh 3

Phần lớn sinh viên Mỹ cho rằng chất lượng các lớp học trực tuyến không tương xứng với tiền học phí bỏ ra. Ảnh: Getty Image.

Ryan Foxx (19 tuổi) cũng đang bảo lưu việc học và thậm chí có thể nghỉ hẳn. Học viện Mỹ thuật Pennsylvania, nơi Ryan theo học năm nhất, là một trong những trường thực hiện phương pháp kết hợp, rút ngắn một học kỳ rồi sau đó chuyển hoàn toàn sang học online.

“Nghĩ đến việc rời quê hương Colorado, mạo hiểm sức khỏe đến một thành phố khác học song kết quả nhận được chỉ là các lớp trực tuyến, không xứng đáng với số tiền bỏ ra là lý do khiến tôi quyết định tạm nghỉ”, Ryan nói.

Cậu có kế hoạch tìm việc làm trong khi về sống với mẹ trong vài tháng tới, cố gắng kiếm tiền để bắt đầu trả khoản nợ sinh viên.

Ryan cho biết có thể sẽ trở lại trường học vào mùa xuân hoặc mùa thu năm sau, nhưng ở một trường khác với học phí thấp hơn và giá cả phải chăng hơn.

Giống như nhiều trường khác trên cả nước, trường của Ryan đã tăng học phí trong năm học này, một động thái được nhiều người cho "giống như cái tát vào mặt sinh viên" trong thời kỳ dịch bệnh và suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục.

Trường học loay hoay

Các sinh viên thường không thích những lớp học trực tuyến. Sau khi buộc phải dạy học từ xa vào mùa xuân, nhiều trường đại học đã đối mặt hơn 100 vụ kiện tập thể từ sinh viên, yêu cầu được hoàn trả học phí, lệ phí và tiền ăn ở. Các sinh viên cho rằng những lớp học trực tuyến không đáng với số tiền họ đã trả chứ chưa nói đến việc tăng học phí.

Amanda Bennett, sinh viên tại Đại học San Francisco, cũng quyết định nghỉ học kỳ sắp tới, đồng thời nghĩ đến việc chuyển tới một trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường rẻ hơn.

“Trường của tôi quyết định giữ nguyên mức học phí 70.000 USD/năm mặc dù tất cả lớp học đều chuyển sang online và đó không phải là thứ mà gia đình và tôi có thể chi trả vào thời điểm này”, Amanda nói.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 6 với trên 10.000 sinh viên từ 200 trường, hơn một nửa nói rằng họ không còn đủ khả năng chi trả học phí. 7% trong số này cho biết họ không đăng ký học tiếp để kiếm việc làm hoặc đi học ở một nơi khác rẻ hơn.

sinh vien My nghi hoc vi dich anh 4

Nhiều trường đại học chưa có kế hoạch học tập cụ thể cho sinh viên mùa dịch. Ảnh: Medpagetoday.

Trước lo ngại của sinh viên, nhiều trường học trên cả nước cho biết họ đã nhận được số lượng yêu cầu hoãn, nghỉ học cao hơn bình thường.

"Thông thường, University of Central Florida nhận được 50-60 yêu cầu thay đổi thời hạn nhập học của sinh viên năm nhất song năm nay, con số này đã lên đến 350", Rachel Williams, phát ngôn viên của trường, cho biết.

Texas A&M University, hệ thống đại học lớn nhất trong nước, cũng nhận được nhiều yêu cầu hoãn nhập học hơn mức bình thường, chủ yếu là từ sinh viên quốc tế.

MIT (Massachusetts Institute of Technology) với quy mô lớp học nhỏ hơn, cũng cho biết trường nhận được lượng yêu cầu hoãn nhập học tăng đáng kể.

“Có 87 sinh viên năm nhất đã chọn hoãn nhập học cho đến năm sau, tức là khoảng 8%. Thông thường, con số này chỉ là 10-15 em, chiếm khoảng 1%”, Stu Schmill, trưởng khoa tuyển sinh của MIT, cho biết.

Những sinh viên đã nghỉ các học kỳ vừa qua cho biết họ sẽ chờ xem tình hình dịch diễn biến ra sao rồi mới đưa ra quyết định có theo học tiếp không.

Đối với Babu, tháng 10 tới, cậu sẽ lại phải đưa ra quyết định học tiếp hay không. Tuy nhiên, nam sinh nghĩ rất khó để cậu quay lại trường nếu vaccine chưa được cung cấp rộng rãi.

“Tôi có nhiều bạn bè ở trường và tôi không muốn tốt nghiệp mà không có họ. Tôi nghĩ đó sẽ là một trong những lý do góp phần khiến tôi quyết định trở lại trường, tất nhiên nếu tình hình ổn định hơn”, cậu cho biết.

Cảnh báo xu hướng tìm bạn thân trên mạng của giới trẻ Anh, Mỹ

Bị bắt cóc, cưỡng hiếp thậm chí mất mạng là những rủi ro người trẻ có thể gặp phải khi kết bạn trên mạng và gặp nhau ngoài đời trong mùa dịch.

Mai An

Bạn có thể quan tâm