Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gì đang xảy ra tại Đại học nữ Dongduk

Đại học nữ Dongduk ở Seoul Hàn Quốc được thiết kế để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận giáo dục trong xã hội gia trưởng. Song, khủng hoảng nhân khẩu học buộc tổ chức này chịu áp lực khổng lồ.

Sinh viên Trường Đại học nữ Dongduk trải áo khoác khắp sân trường trong ngày 12/11 để phản đối kế hoạch tuyển sinh viên nam của hội đồng trường. Ảnh: Alamy.

Sơn phun và băng rôn biểu tình xuất hiện ở nhiều bức tường và lối đi của Đại học nữ Dongduk ở Seoul. “Chúng tôi thà chết còn hơn là mở cửa”, một người viết trong tấm băng rôn.

Từ ngày 11/11, sinh viên đã ngồi ra sân trường, chiếm đóng những công trình lớn và khóa mọi phòng học. Đại học Dongduk buộc phải chuyển sang học trực tuyến. Hội chợ việc làm sắp được tổ chức cũng phải hủy bỏ.

Tranh cãi nổi lên khi kế hoạch tuyển nam sinh viên của trường được công bố. Nhiều người lo ngại vì không gian dành cho nữ giới ở Hàn Quốc bị đe dọa, nhất là khi vấn đề bình đẳng giới ở nước này chưa được giải quyết.

“Quyết định một chiều của trường được đưa ra mà không lắng nghe ý kiến từ sinh viên - những người thật sự học và sống ở đây. Chúng tôi dường như không có tiếng nói trong vấn đề này”, một thành viên của hội học sinh Dongduk nói với điều kiện ẩn danh.

Không gian an toàn cho nữ giới bị đe dọa

Ở Hàn Quốc, trường đại học nữ được thành lập vào những năm đầu thế kỷ XX. Đây gần như là con đường duy nhất để nữ giới tiếp cận giáo dục đại học trong xã hội gia trưởng nghiêm khắc.

Ngày nay, người ta nhìn thấy nhiều tổ chức bồi dưỡng tài năng nữ giới ở “xứ sở kim chi” dù quốc gia này chủ yếu do nam giới quản lý. Hàn Quốc xếp thứ 94/146 quốc gia trong bảng xếp hạng bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Nữ giới chỉ chiếm 20% số ghế trong quốc hội và 7,3% số lãnh đạo của 500 công ty lớn nhất "xứ sở kim chi".

Yoonkyeong Nah, giáo sư nhân chủng học ở Trường Đại học Yonsei, nhận xét: “Những cuộc biểu tình cho thấy nữ giới trẻ tuổi Hàn Quốc thấy bất an ở nơi công cộng”. Bà nhắc đến sự phổ biến của những bộ phim tội phạm, phim khiêu dâm bằng công nghệ deepfake.

“Dù cung cấp không gian an toàn không phải là mục đích chính của các trường đại học nữ, sinh viên đang biểu tình để duy trì môi trường họ xem là thân thiện để học tập. Đây là vấn đề lâu đời trong xã hội Hàn Quốc”, GS Nah nói.

Dai hoc nu Han Quoc anh 1

Sinh viên xếp vòng hoa tang để phản đối chuyển đổi trường nữ sinh thành đào tạo chung.

Nhiều tiếng la hét nổi lên khi sinh viên Dongduk phát hiện hội đồng quản trị trường đại học thảo luận để tuyển sinh viên nam lẫn nữ cho khoa thiết kế và nghệ thuật.

Thành viên hội đồng trường cho biết kế hoạch đào tạo chỉ đang được thảo luận. Người này nhắc đến nhu cầu nam diễn viên biểu diễn nghệ thuật và mối quan tâm cạnh tranh dài hạn giữa các trường đại học Hàn Quốc.

Ngày 21/11, một thỏa thuận bán phần đã được đưa ra sau khi Đại học Dongduk đồng ý đình chỉ kế hoạch đào tạo nam và nữ. Song, đến 25/11, cuộc họp giữa lãnh đạo sinh viên và hội đồng trường kết thúc mà không đưa ra kết luận. Các sinh viên từ chối dừng biểu tình ở sảnh chính cho đến khi kế hoạch đào tạo hoàn toàn khép lại.

Trong một tuyên bố sau này, chủ tịch trường Kim Myung-ae cảnh báo sẽ có “hành động cương quyết” để chống lại “những cuộc biểu tình bất hợp pháp” và xâm phạm quyền giáo dục.

Dai hoc nu Han Quoc anh 2

Gần 2.000 sinh viên biểu tình và bỏ phiếu phản đối quyết định đào tạo chung của Trường Đại học nữ Dongduk. Ảnh: Yonhap.

Một tuần đã trôi qua, cuộc tranh luận đã leo thang thành một “chiến trường chính trị”, theo Guardian. Lee Jun-seok, nhà lập pháp nổi tiếng thường xung đột với những hiệp hội nữ giới, chỉ trích biểu tình là “thiếu văn minh”.

Ông Lee đề xuất “nhổ sạch” những sinh viên tốt nghiệp của trường đại học khỏi các công ty và tuyên bố “không bao giờ nhận con dâu” là sinh viên trường Dongduk.

Nhiều chính trị gia đối lập cáo buộc ông lợi dụng biểu tình để đánh lạc hướng công chúng khỏi bê bối chính trị. Jang Hye-young, cựu đại biểu quốc hội, lên án chiến thuật mà bà gọi là “đánh vào phụ nữ”. Bà cho rằng chúng “khiến cuộc sống của tất cả phụ nữ Hàn Quốc trở nên khó khăn hơn”.

“Hãy ngừng lợi dụng chúng tôi”, Choi Hyun-ah, chủ tịch hội sinh viên trường Dongduk, cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Kyunghyang Shinmun. “Những người coi đây là xung đột giới tính đang đơn giản lợi dụng sinh viên để ngụy biện. Họ không thấy bản chất, hoàn cảnh xảy ra vấn đề và coi chúng tôi là ‘những kẻ bạo loạn’”.

Khủng hoảng nhân khẩu học

Những cuộc biểu tình gây phản ứng dữ dội và làm phong trào nữ quyền Hàn Quốc bị chỉ trích.

Một nhóm tự xưng là bảo vệ “quyền nam giới” New Men’s Solidarity (Tạm dịch: Nam giới tân thời đoàn kết) đã vào cuộc. Gần đây, người đứng đầu nhóm cực đoan này bị kết án vì phỉ báng nhà hoạt động nữ quyền trên Internet. Hắn đe dọa tiết lộ thông tin cá nhân của “những kẻ bạo loạn” trên mạng xã hội và gây lo ngại về an toàn cho nữ giới Hàn Quốc.

Nữ YouTuber hơn 60.000 người đăng ký lên tiếng ủng hộ những người biểu tình. Cô phải đóng tài khoản mạng xã hội sau đó vì bị nhiều người vào quấy rối tình dục và mạo danh.

Dai hoc nu Han Quoc anh 3

Hình ảnh về cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Nữ sinh Dongduk lan truyền trên mạng. Ảnh: Treasure Dream.

Tranh luận về chính sách của trường đại học nữ phản ánh khó khăn tồn đọng trong tiến trình thay đổi nhân khẩu học ở Hàn Quốc, theo học giả Kyuseok Kim, người chuyên nghiên cứu về giáo dục bậc cao.

Tỷ lệ tuyển sinh vào đại học ở “xứ sở kim chi” đã tụt dốc 18%, xuống còn 3 triệu sinh viên trong thập kỷ gần nhất. Tỷ lệ sinh của nước này đang giảm trầm trọng, buộc các tổ chức giáo dục phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn một số ngành đào tạo.

“Các trường đại học đối mặt với tình thế lưỡng nan: áp lực bảo tồn bản sắc trong khi sinh viên đầu vào không đủ để duy trì hoạt động trong tương lai”, ông Kim nói. “Thậm chí các tổ chức lâu đời cũng không thoát khỏi ảnh hưởng”.

Sau khi nhiều sinh viên quyết định ủng hộ các cuộc biểu tình vào tuần trước, Choi Hyun-ah, chủ tịch hội sinh viên phát biểu: “Hôm nay, chúng ta tạo nên lịch sử trong cuộc đấu tranh vì một Dongduk dân chủ. Các trường đại học nữ tồn tại nhằm thúc đẩy quyền giáo dục cho phụ nữ đang chuyển sang giáo dục cả nam giới. Thật vô lý để chúng tiếp tục tồn tại”.

Phụ nữ Mỹ rủ nhau né đàn ông, không hẹn hò khi ông Trump chiến thắng

Phong trào 4B của Hàn Quốc ngày càng phổ biến ở Mỹ sau khi ông Trump đắc cử tổng thống. Nhiều phụ nữ ở xứ sở cờ hoa rủ nhau cách ly nam giới, không quan hệ dị tính trong 4 năm tới.

Nhà có nhiều cột

Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Đức An

Bạn có thể quan tâm