Khủng hoảng vì chuyện "ân ái"
Bề ngoài Triều và Loan là cặp vợ chồng hạnh phúc. Tuy nhiên thực sự Loan luôn cảm thấy sợ hãi, chán ghét mỗi khi chồng chạm vào mình, chỉ vì đêm nào anh cũng đòi hỏi.
Ảnh minh họa |
Đi làm về cô lại phải chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa. Lúc đi nghỉ là lúc đã mệt phờ nhưng Loan vẫn cứ phải làm nghĩa vụ "yêu" với chồng. Thậm chí cả lúc mệt mỏi ốm đau Triều cũng chẳng buông tha.
Ban đầu cô cố gắng chiều chồng vì sợ nếu để chồng thiếu thốn anh ta sẽ "đánh bắt xa bờ" nơi khác. Tuy nhiên mọi sự cố gắng cũng chỉ có giới hạn. Dần dà cô thấy sợ mỗi khi chồng chạm vào mình và thường tìm cách trốn tránh, khi thì lấy cớ về thăm mẹ rồi ở lại vài ngày. Có đợt công tác nào của cơ quan, Loan luôn xung phong đảm nhận. Ít ai biết cô làm vậy chỉ để "trốn" chồng.
Loan đã từng nghĩ đến việc tự giải thoát cho mình nhưng sợ tai tiếng, sợ họ hàng người thân, sợ đồng nghiệp trong cơ quan lời ra tiếng vào, sợ tương lai đứa con sẽ phải sống thiếu cha hoặc mẹ. Vậy là cô cứ cắn răng chịu đựng. Cuộc sống không khác gì đọa đày.
Hoàn cảnh của bà Thuận (Đông Anh, Hà Nội) cũng tương tự như Loan. Hai ông bà đã có với nhau 3 mặt con. Chồng bà là người đàng hoàng mẫu mực. Dù hơn vợ về học thức, địa vị xã hội và cả thu nhập nhưng vẫn yêu vợ chung thủy. Trong làng người ta thường lấy ông làm gương học tập.
Nhưng mọi chuyện bắt đầu khi vợ chồng bước sang tuổi năm mươi. Là người đàn ông khỏe mạnh, sống khá điều độ nên chồng bà vẫn còn tráng kiện. Tuy nhiên bà Thuận đã bước vào tuổi già và chẳng còn có thể chiều chồng trong chuyện sinh hoạt riêng tư được nữa. Nhưng chồng bà không chấp nhận chuyện đó, vẫn tiếp tục đòi hỏi.
Khổ tâm, thương chồng nhưng bà Thuận chẳng biết làm thế nào. Bà đành cắn răng nghe chồng trách mắng. Cuộc sống vợ chồng không được như ý muốn khiến ông thay đổi tính nết. Ông trở nên cáu bẳn với vợ con, hay nổi giận vì những chuyện không đâu. Bà đã nghĩ đến chuyện chuyển đến ở với con để tránh mặt chồng.
Theo Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình và Vị thành viên, đường dây tư vấn Linh Tâm của trung tâm cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại về vấn đề tương tự. Đây có thể coi là một loại bạo lực về tình dục.
Vấn đề này tại các nước phương Tây từ lâu đã ghi nhận, đồng thời có nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân. Ở Việt Nam, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng đã có những quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của văn hóa, hầu hết các nạn nhân vẫn ngại ngần khi đề cập đến chuyện sinh hoạt vợ chồng. Chính vì vậy vẫn rất khó khăn để bảo vệ họ cũng như hòa giải mâu thuẫn vợ chồng.
Theo Phụ Nữ