Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Khủng hoảng vì nhảy việc 7 lần trong 4 năm

4 năm đi làm, tôi nhảy việc 7 lần. Giữa năm 2022, cơn khủng hoảng ập đến khi tôi chỉ được nhận làm cộng tác viên tại một công ty nhỏ với mức thu nhập thấp, không cố định.

Sau hơn 4 tháng về quê nghỉ ngơi, tìm cách "chữa lành" tâm lý, tôi vừa trở lại thành phố làm việc. Hòa mình vào thiên nhiên, được gia đình chăm sóc, tôi cố vượt qua căn bệnh trầm cảm.

Năm 2019, tôi tốt nghiệp đại học, đánh dấu một cột mốc mới trong đời. Tuy nhiên, tôi không có đam mê hay ước mơ gì cụ thể. Tôi chỉ hy vọng tìm được một công ty tốt, có mức lương, đãi ngộ hấp dẫn để có thể sống khỏe ở thành phố.

4 năm đi làm, tôi nhảy việc 7 lần. Tôi từng nghĩ đó là điều tốt, việc gì cũng có thể làm, có thêm kinh nghiệm, mối quan hệ, trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau.

Song, ở mỗi công ty, tôi chỉ gắn bó được 3-8 tháng vì nhiều lý do như văn hóa làm việc không phù hợp, công việc không đúng sở trường, không hứng thú, muốn thay đổi...

Thay vì người khác mỗi lần nhảy việc là mỗi lần tăng lương, lên chức, nhưng những lần nhảy việc của tôi đều là một bước đi lùi. Tôi thấy 4 năm đi làm trở nên công cốc, không có thành tựu, cũng không có mối quan hệ. Trong khi đó, bạn bè đã có những bước thăng tiến trong sự nghiệp.

Cơn khủng hoảng đến vào giữa năm 2022, tôi chuyển công ty nhưng không được đưa vào vị trí nhân viên chính thức mà chỉ được ký hợp đồng cộng tác viên. Yêu thích công việc mới, nhưng đồng lương bèo bọt, không cố định, cộng với áp lực chi tiêu tại thành phố khiến tôi kiệt quệ về mặt tâm trí và tài chính.

Tôi bắt đầu có những dấu hiệu trầm cảm trong giai đoạn này mà chính mình cũng không nhận ra. Bạn thân của tôi là người phát hiện đầu tiên. Cô ấy thấy tôi có những dấu hiệu như bị tăng động, cười lớn, không kiểm soát được hành vi, hay đánh, nhéo người bên cạnh... Đồng thời, tôi cũng dễ bị xúc động, có thể khóc bất cứ lúc nào.

Nhưng tôi lại không để tâm đến điều bạn mình nói.

Đến cuối năm 2022, tôi bắt đầu thấy mọi chuyện tệ hơn và diễn biến xấu đi rất nhanh, cảm giác tinh thần mình như một chiếc máy bay gặp sự cố lao với vận tốc khủng khiếp xuống mặt nước rồi vỡ thành trăm mảnh.

Tôi mất ngủ triền miên và khi đã ngủ được, tôi không còn muốn dậy nữa. Suy nghĩ nặng trịch đó đã đè nát lồng ngực của tôi ngày này qua ngày khác. Tôi thức dậy, nhìn mình trong gương và bật khóc, tự hỏi đó là ai. Chính tôi cũng không còn nhận ra mình, một cô gái vốn nhiều năng lượng, tràn đầy tiếng cười.

Sau tất cả, tôi buộc phải tìm đến bác sĩ tâm lý để được giải cứu. "Trầm cảm" - tôi không thể quên dòng kết luận ghi trong bệnh án. Tôi được khuyên nên tạm dừng công việc hiện tại, dành thời gian cho bản thân, đi điều trị thường xuyên và dùng đủ thứ loại thuốc.

Tháng 12/2022, tôi trở về quê vì cũng không còn gì làm ở thành phố.

Tôi nhận ra vấn đề không phải nằm ở các công ty mà tôi làm việc. Môi trường công sở chỉ ảnh hưởng 30%, phần còn lại nằm ở việc tôi không biết mình muốn gì, thích gì, từ đó khó gắn bó lâu dài. Trước đây, tôi chỉ là người đổ lỗi, cố chấp, không bao giờ thừa nhận bản thân thiếu năng lực, kém kỹ năng...

Sau nửa năm đối mặt với trầm cảm, giờ đây tôi đã bình tâm hơn để nộp CV vào một công ty khác, tiếp tục cuộc hành trình. Tôi không thể khẳng định mình đã khỏi bệnh, chỉ hy vọng sẽ sớm có thể cân bằng mọi thứ trở lại và gắn bó với công việc mới trong thời gian lâu hơn.

Tuyết Chi (26 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM)

Thế khó của nhân viên mỗi việc biết một chút

Nhiều nhân viên mong muốn trở nên đa nhiệm để đáp ứng nhu cầu công việc. Nhưng cũng vì vậy, họ lại loay hoay vì không nổi bật ở một vị trí nào cụ thể, mỗi thứ chỉ biết một ít.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Mỹ Trinh

Illustrator: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm