Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kích động bạo lực, Facebook Đàm Vĩnh Hưng có bị xử lý?

Luật sư cho rằng người treo giải thưởng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm nếu người cha đó bị những người nghe lời xúi giục gây thương tích.

Sau khi mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh anh Đoàn Văn Tí (30 tuổi, ngụ An Giang) say rượu đánh tới tấp vào mặt một đứa trẻ, trên trang Facebook Đàm Vĩnh Hưng ngày 17/10 có chia sẻ trạng thái thể hiện thái độ bức xúc và treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào "tát vào mặt ông bố liên tục y chang như vậy".

Cùng ngày, khoảng 100 người tự nhận mục đích "bảo vệ trẻ em" đã đi xe máy, ôtô tìm đến nhà trọ của Tí. Họ bày tỏ phẫn nộ rồi bất ngờ lao vào đánh tới tấp người đàn ông này.

Trang Facebook Đàm Vĩnh Hưng đã gỡ status liên quan đến vụ ông bố bạo hành con. Nhiều người đặt ra câu hỏi việc việc treo thưởng đó liệu có được xem là kích động để người khác vi phạm luật?

ong bo danh con bi danh anh 1
Dòng chia sẻ trên trang cá nhân của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hiện đã bị xóa.

Nhóm cộng đồng mạng đòi công lý có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích việc người cha bạo hành con là đáng lên án, cần xử lý hành vi này bằng các chế tài hành chính (xử phạt vi phạm hành chính) hoặc hình sự (truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ cấu thành tội danh cụ thể như Cố ý gây thương tích).

Xã hội lên án đối với những hành vi bạo hành trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên, lên án bằng cách nào cho phù hợp và đúng chuẩn mực đạo đức, phù hợp quy định pháp luật thì cần cân nhắc.

"Một người vi phạm pháp luật sẽ có các chế tài xử lý, có các cơ quan pháp luật thực thi các chế tài đó một cách đúng quy trình và đúng pháp luật. Không thể vì thấy hành vi trái pháp luật, hành vi không chuẩn mực thì chúng ta lại thực hiện những hành vi trái pháp luật để đáp trả những hành vi đó được", luật sư Thu Nam nêu quan điểm.

Trong trường hợp cụ thể này, luật sư cho rằng Facebook Đàm Vĩnh Hưng đã đăng lời lẽ kích động, xúi giục người khác thực hiện những hành vi xâm phạm đến danh dự, sức khoẻ của người cha bạo hành kia là trái pháp luật.

Nếu những người vì nghe theo sự kích động mà gây thương tích cho người cha bạo hành kia thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và người đăng tải, treo giải thưởng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.

ong bo danh con bi danh anh 2
Anh Tí trong clip đánh con bị cộng đồng mạng đánh. Ảnh: Cắt từ clip.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng trong trường hợp nhóm người đánh anh Tí có dấu hiệu cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Làm nhục người khác, mà có căn cứ cho rằng vì nghe theo lời kích động hay số tiền treo thưởng thì người đăng tải trên Facebook Đàm Vĩnh Hưng có thể đồng phạm về tội danh tương ứng.

Người kêu gọi trừng phạt ông bố có thể coi là đồng phạm

Đánh giá về vụ việc, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc kêu gọi người khác, dù bằng bất cứ bằng phương tiện gì, để thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật. Đó sự kích động, xúi giục. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Nếu người bị kích động, xúi giục thực hiện hành vi phạm tội, tức cấu thành một tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì người kêu gọi có thể bị truy cứu với vai trò là đồng phạm, trong một số trường hợp ở vai trò tổ chức.

Tuy nhiên, để truy cứu được người kêu gọi, cơ quan điều tra phải chứng minh được hành vi phạm tội đó có sự tác động của sự kêu gọi.

"Trong mọi trường hợp, dù có bức xúc trước bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, cũng không nên và không được phép kêu gọi người khác đáp trả bằng hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, kêu gọi trên mạng xã hội của những người nổi tiếng là rất nguy hiểm, để lại những hậu quả khó lường", luật sư Hưng khuyến cáo.

Luật sư cho rằng dù là người dân thường hay người nổi tiếng đều phải cân nhắc lời kêu gọi trừng phạt người khác, đặc biệt trên không gian mạng xã hội. Không thể dùng hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại hành vi vi phạm pháp luật khác.

"Người nào cũng vì bực tức mà treo thưởng hay ra giá cho người khác đến trừng trị người nào đó thì xã hội này sẽ loạn. Ở đây là treo thưởng để đến tát, còn nếu nghiêm trọng hơn là treo thưởng để trộm cướp, giết người thì sẽ ra sao? Không thể hành xử ngoài khuôn khổ pháp luật được", luật sư Hùng nói.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh anh Tí đánh con trong lúc say rượu. Clip được vợ quay lại bằng điện thoại từ hai năm trước. “Vào tháng 7/2018, Tí và vợ ly hôn. Con trai do vợ nuôi dưỡng và họ cũng đã chuyển đi nơi khác. Chúng tôi cũng đang xác minh nơi ở của người vợ để tìm hiểu tình trạng tâm lý, thương tích của đứa bé trong clip”, một lãnh đạo Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang) nói.

Ngày 18/10, Công an TP Mỹ Tho cũng đã vào cuộc điều tra. Bước đầu xác định, những người đánh Tí đi từ TP.HCM xuống Mỹ Tho. Cảnh sát đang xác minh, làm rõ hành vi những người liên quan để xử lý.

Dân mạng kéo đi hỏi tội ông bố đánh con Sau khi clip ông bố trẻ đánh con được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người tìm đến "trừng phạt" người này.


An Vy

Bạn có thể quan tâm