Tin tức về việc hai người trẻ tự kết liễu đời mình đã gây rúng động Hàn Quốc hồi đầu tháng 2.
Một người là streamer 27 tuổi tên Jammi. Cô ấy hoạt động trên Twitch, YouTube và có hơn 100.000 người theo dõi trên mỗi trang.
Người còn lại là Kim In-hyeok, vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp 26 tuổi, theo Korea Expose.
Trước đó, cả hai đều là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Nhiều người đổ lỗi cho "cyber wreckers" (những kẻ phá hoại trên không gian mạng) đã gây ra cái chết của hai nạn nhân.
Jammi qua đời sau thời gian bị bắt nạt trực tuyến. Ảnh: Xports News. |
Nhiều YouTuber Hàn Quốc kiếm sống bằng cách bình luận về các vấn đề thời sự. Clip ăn theo chủ đề thịnh hành luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những tin tức chính thống, nhiều câu chuyện được thêu dệt để tăng tương tác.
Những "kẻ phá hoại" không quan tâm đến sự thật. Điều này đang ở mức báo động và buộc chính phủ Hàn Quốc cân nhắc việc siết chặt các kênh sáng tạo nội dung trên Internet.
Cuộc đua nói xấu, bắt nạt
Rắc rối của Jammi bắt đầu vào năm 2019 sau khi cô nói và nhại theo một số trò đùa phổ biến trong cộng đồng nữ quyền tại xứ kim chi.
Những trò đùa này thu hút sự chú ý của các diễn đàn trực tuyến do nam giới thống trị. Họ lăng mạ và chế nhạo Jammi.
Tuy nhiên, câu chuyện bị đẩy đi xa hơn khi một số YouTuber nói rằng nữ streamer chính là "một nhà nữ quyền căm ghét đàn ông".
Cái chết của Jammi được người đàn ông tự nhận là chú của cô chia sẻ lên diễn đàn game thủ. Người này nói rằng cháu mình đã ra đi vì "vô số tin đồn, bình luận ác ý".
Trong khi đó, Kim In-hyeok bị chế nhạo về giới tính. Tháng 8 năm ngoái, VĐV bóng chuyền từng yêu cầu dân mạng ngừng bình luận thô lỗ. "Xin hãy chấm dứt những bình luận đã hành hạ tôi trong nhiều năm qua. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa".
Ngày 3/2, Kim được tìm thấy đã chết tại nhà riêng.
Kim In Hyeok bị bắt nạt trực tuyến trong nhiều năm. Ảnh: @inhyeok0714. |
Hàn Quốc được công nhận là quốc gia của công nghệ thông tin với 97% dân số sử dụng Internet và 89% sử dụng mạng xã hội.
YouTube được ưa chuộng nhất với khoảng 43 triệu người, tương đương 80% dân số Hàn Quốc, thường xuyên xem video trên nền tảng. YouTuber của Hàn Quốc cũng có thu nhập thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển là câu chuyện bắt nạt trực tuyến. Trong những năm gần đây, không ít người nổi tiếng đã tự sát vì những bình luận độc hại đến từ những "kẻ phá hoại".
Trong cuộc đua trở thành người có ảnh hưởng, "cyber wreckers" tập trung nói về người nổi tiếng hoặc các vấn đề chính trị, xã hội đang gây tranh cãi.
Điều này thậm chí đã phát triển thành xu hướng được đặt tên là "eogeuro". Trong tiếng Hàn, eogeuro nghĩa là hung hăng, mô tả việc làm hoặc nói bất cứ điều gì miễn sao gây được chú ý.
Tháng 12 năm ngoái, một kẻ ấu dâm khét tiếng đã được ra tù sau khi thụ án 12 năm. Hàng trăm người dùng YouTube đã tìm đến địa chỉ mới của người này để cố gắng chụp ảnh, quay phim.
Đến đầu năm nay, các YouTuber chuyển mục tiêu sang Song Ji A - thí sinh chương trình Địa ngục độc thân buộc phải tạm dừng hoạt động sau lùm xùm mặc hàng nhái.
Khi dư luận quay lưng với Song Ji A, các YouTuber này cố tình thêm dầu vào lửa khi tiếp tục bới móc thông tin đời tư để nói xấu, chỉ trích Song.
Song Ji A bị chỉ trích vì scandal mặc hàng nhái. Ảnh: Song Ji A. |
Trách nhiệm của nền tảng
Nhiều YouTuber trở nên nổi tiếng nhờ các clip nói xấu, vu khống người khác. PPKKa, kênh YouTube có hơn 1 triệu người đăng ký, là ví dụ điển hình.
Được xếp hạng thứ 22 trong danh sách người dùng YouTube Hàn Quốc có thu nhập cao nhất, PPKKa đã tạo dựng danh tiếng và nguồn thu nhập bằng cách nói xấu, phê phán những người có ảnh hưởng khác.
Người này hoàn toàn ẩn danh và luôn đội mũ lưỡi trai, đeo mắt kính đen che gần hết gương mặt mỗi khi xuất hiện.
PPKKa đã xuất bản 4 video phê bình Song, mỗi video thu về hơn một triệu lượt xem. Anh ta cũng săn đuổi Jammi. Sau khi bị chỉ trích vì gián tiếp gây nên cái chết của nữ streamer, người này đăng clip xin lỗi nhưng cho biết bản thân không có trách nhiệm trong vụ việc.
"Tôi chỉ là người tóm tắt một vấn đề sau khi nó xảy ra".
PPKKa ẩn danh trong các clip nói xấu người nổi tiếng. Ảnh: Korea Expose. |
Sau cái chết của Jammi và Kim, dư luận tỏ ra bức xúc với những kênh như PPKKa. Một phóng sự trên MBC chỉ trích các YouTuber này "giết người bằng miệng lưỡi độc ác". Bản kiến nghị gửi đến văn phòng tổng thống kêu gọi truy tố hình sự đối với PPKKa đã nhận được hơn 230.000 chữ ký.
Các nhà chức trách thông báo rằng cảnh sát đã mở cuộc điều tra đối với YouTuber này.
YouTube cũng bị cáo buộc là "kẻ đồng lõa" khi góp phần lan truyền nội dung độc hại, thiếu kiểm chứng. Dưới áp lực dư luận, nền tảng này đã phải kiểm duyệt hai kênh YouTube.
Kết quả các kênh này bị chặn quảng cáo trong 30 ngày vì chia sẻ nội dung "bắt nạt, bạo lực mạng".
Tuy nhiên, theo Korea Expose, hai kênh này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu thiếu các quy định và giải pháp có hệ thống, các nền tảng như YouTube vẫn tràn lan nội dung độc hại, bắt nạt trực tuyến.