Sau thành công của Thuyền giấy, Ngọc Lan tiếp tục trở lại phim truyền hình với dạng vai lam lũ, hiền lành. Những ngày này, cô đang rong ruổi theo đoàn làm phim Mặn hơn muối (đạo diễn Nhâm Minh Hiền, Hãng phim M&T Pictures sản xuất) ra tận Phan Thiết để quay. Ngọc Lan cho biết so với lúc quay vai cô giáo Thảo trong Thuyền giấy, vai Thủy trong Mặn hơn muối “trần ai” hơn gấp trăm lần.
Nghề quá khắc nghiệt
Nhân vật Thủy là cô gái nghèo phải sớm bươn chải mưu sinh cùng gia đình bằng nghề làm muối, trải qua nhiều trắc trở, thăng trầm để vươn lên thoát nghèo trên mảnh đất quê hương. Tỏ ra hào hứng với vai diễn hay nhưng Ngọc Lan lại than: “Phim khai thác cuộc đời cơ cực… mặn hơn muối của những diêm dân khi đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và nạn buôn lậu muối ngoại nên tôi đóng phim này cũng… mặn hơn muối luôn”.
Theo Ngọc Lan, ngoài những cảnh quay trên núi cao hẻo lánh suốt mấy ngày liên tục, cực khổ nhất là những cảnh quay ở đồng muối tại vùng đất Phan Rang khí hậu khắc nghiệt khiến cô nhiều hôm mệt sắp ngất. Khi quay phim này, Ngọc Lan mới hiểu sao người ta nói “chát mặn một đời muối”.
Diễn viên Ngọc Lan trong phim Mặn hơn muối. |
Ngọc Lan bảo kiếm được đồng tiền từ nghề đóng phim không dễ dàng gì. Trải qua gần 10 năm làm nghề, cô mới thấm thía hết được những gian nan, vất vả. “Đó là sự khắc nghiệt về thời tiết, nắng gió; thời gian, giờ giấc không cố định; ăn uống không bảo đảm. Dầm mưa dãi nắng là chuyện thường, lúc người ta ngủ ngon giấc thì mình phải thức để quay, có lúc quay cả ngày lẫn đêm không có thời gian ăn và ngủ”, Ngọc Lan cho hay.
Diễn viên Lê Bê La lại nhớ: “Lúc quay Dấu chân du mục, hầu như ngày nào tôi cũng phơi mình ngoài nắng gió đến… cháy đen và khét lẹt. Đóng xong phim, tôi cũng xơ xác theo”. Bởi vậy, Lê Bê La hay nói đùa rằng làm rẫy “sướng” hơn đóng phim vì làm rẫy lúc mệt thì nghỉ còn đóng phim là không kể giờ giấc. Nhiều lúc quay cả đêm lẫn ngày, chỉ được nghỉ ngơi chừng 30 phút để ăn cơm, lang bạt theo đoàn cả tuần lễ, thậm chí một tháng trong điều kiện khắc nghiệt.
Đó là chưa kể việc ăn uống đôi khi không được chu đáo, tươm tất. Nói như diễn viên Thanh Tuấn: “Ăn cơm hàng, cháo chợ là bình thường”.
Diễn viên Thanh Tuấn, vai ông Tám Xiêng trong phim Con nhà giàu. |
Nói về thời gian, nhiều diễn viên còn ám ảnh chuyện phải sống trong sự chờ đợi mỗi ngày. Có muôn vàn lý do khiến họ phải… nằm dài cổ chờ đợi như đợi ê-kíp chuẩn bị cho phân cảnh tiếp theo, đợi bạn diễn (chưa thuộc thoại, tới trễ) hay những trục trặc khác về máy móc, kỹ thuật. Gặp phải lúc quay ở những bối cảnh rừng núi hay sa mạc, diễn viên phải nằm vật vã ở những lều bạt tạm bợ, ngủ ngồi hay ngủ trong xe.
“Có lần tôi quay trong rừng, ngồi chờ đợi lâu quá phải mắc võng chợp mắt tạm vài phút. Tỉnh dậy thì chân tay đầy 'bông hoa nhỏ' vì muỗi cắn”, diễn viên Thanh Tuấn kể lại.
Riêng chuyện đợi thời tiết cũng bi hài không kém. Diễn viên Phùng Ngọc Huy ví von: “Đóng phim cũng như làm nông dân vậy, lúc nào cũng phải: Trông trời, trông đất, trông mây / Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. “Nhiều lần chạy xe máy từ TP HCM đi Bình Dương quay một cảnh nhưng tới nơi thì trời đổ mưa nên tôi phải nằm chờ từ sáng đến chiều mà mưa không dứt đành quay về”, nghệ sĩ lão thành Hữu Thành kể lại.
Đánh cược mạng sống
Dù không có mặt trong đêm trao giải Cánh diều 2014 mới đây nhưng khi nhận tin đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc, diễn viên Trung Dũng vừa hạnh phúc, vừa nhớ lại những ngày quay vai Trung trong phim Lạc giới. “Ngoài việc phải đầu trần, chân đất đi trên sa mạc nắng gió, tôi từng suýt chết. Đó là cảnh Trung ngồi trên tàu cá, lao xuống biển tìm đường trở về. Tôi bơi ra hoài mà không nghe tiếng đạo diễn chỉ đạo nên cứ tiếp tục bơi, đến khi mệt quá mới biết mình đã bơi quá xa. Tôi quay trở vào thì đuối sức, không bơi được nữa. May mà đoàn làm phim quăng dây kịp thời để kéo tôi vào”, Trung Dũng kể.
Trung Dũng và Bình An trong phim Lạc giới. |
Diễn viên Thanh Tuấn cũng rùng mình nhớ lại sự cố tưởng chừng đã mất mạng cách đây không lâu: “Khi đang chạy ghe rượt đuổi trên sông thì ghe bất ngờ bị lật. Tôi bơi yếu nên chấp chới giữa sông kêu cứu. Nếu anh em không cứu kịp chắc giờ tôi đã… xanh cỏ rồi”. Diễn viên Trung Dũng tần ngần: “Gần 20 năm đóng phim, tôi thấy để sống chết với cái nghề này thật khó. Khó khăn, vất vả, đôi khi phải đánh cược cả mạng sống”.
Đóng phim gian nan, cực khổ không phải là chuyện mới. Từ lâu, cái nghề nhiều vinh quang nhưng không ít khó nhọc đằng sau thước phim ít nhiều người cũng đã biết và hiểu. Song, vấn đề là họ đi làm bằng sức lao động chân chính, bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nhưng số tiền nhận lại đôi khi không xứng đáng mà còn bị nhà sản xuất ăn chặn, quỵt tiền cát-xê. Nói như một diễn viên: “Đóng phim đã cực, lấy được tiền còn cực hơn. Thời buổi này kiếm tiền từ nghề đóng phim không dễ’”.
Không hiếm tai nạn
Có một “nỗi khổ” ít ai biết là quay cả giờ nhưng lúc lên phim chỉ vài giây. Các diễn viên “ngán” nhất là những cảnh nguy hiểm như đánh đấm, rượt đuổi hay diễn trong những môi trường khắc nghiệt. Diễn viên Dustin Nguyễn nói: “Khi đóng vai hành động, tôi sợ nhất là cứ quay đi quay lại gần 20 lần mà vẫn không đạt. Thông thường, khi đóng những cảnh đó, đằng nào cũng chịu thương tích. Nhưng đạo diễn chưa hài lòng thì phải ráng quay cho đến khi nào tốt mới thôi”.
Không ít diễn viên phải nhập viện vì những tai nạn nghiêm trọng trên phim trường. Võ Thành Tâm bị chấn thương cột sống nghiêm trọng khi quay các cảnh hành động trong phim Lật mặt, Lê Minh bị thương nặng ở vai do kíp nổ gài trên lưng nổ quá mạnh khi quay phim Những ngày không có mặt trời, Quốc Khánh cũng bị ngạt khói khi quay đi quay lại nhiều lần cảnh cháy nhà trong phim Áo lụa Hà Đông, hay Trương Nam Thành từng hụt chân xuống một hố sâu và bị thương nặng ở phần khớp gối khi đang quay.
Diễn viên Dustin Nguyễn - người từng đổ máu, nhập viện, nếm mật nằm gai khi quay phim Lửa Phật, đúc kết: “Trên trường quay, tai nạn hiểm nguy luôn rình rập. Diễn viên phải chịu thương tích, máu me đầy mình không còn là chuyện hiếm khi họ lăn xả với nghề”.