Trong đơn yêu cầu cấp dưỡng nuôi con gửi đến TAND huyện Ba Tri (Bến Tre), chị Hoa trình bày là do vợ chồng không còn hợp nhau nên chị và anh Nam đã thỏa thuận ly hôn vào cuối tháng 9/2016. Theo đó, chị là người trực tiếp chăm sóc, nuôi con chung (sinh năm 2013).
Từ đó đến nay anh Nam chưa lần nào cấp dưỡng nuôi con chung. Chị đã nhiều lần yêu cầu anh thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người cha là cấp dưỡng nuôi con nhưng anh vẫn không thực hiện mà cố tình trốn trách nhiệm. Để đảm bảo cuộc sống cho đứa con chung phát triển tốt hơn, chị yêu cầu tòa án giải quyết, buộc anh chồng phải cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng đến khi cháu bé 18 tuổi.
Làm việc với tòa, anh phân trần rằng không phải anh không muốn cấp dưỡng nuôi con mà do anh “lực bất tòng tâm”. Theo anh Nam, anh vừa chấp hành một bản án hình sự xong vào tháng 8/2016 nên sức khỏe vẫn còn yếu, chưa phục hồi hẳn, chưa có khả năng lao động để tạo thu nhập. Mọi chi phí sinh hoạt cuộc sống của anh hiện nay đều nhờ cha mẹ, anh chị em của anh lo cho. Vì vậy anh không có khả năng cấp dưỡng nuôi con theo yêu cầu của chị Hoa.
Anh cũng đề nghị với tòa là nếu chị không nuôi con nổi nữa thì hãy giao con cho anh chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh không yêu cầu chị cấp dưỡng nuôi con.
TAND huyện Ba Tri tổ chức hòa giải. Chị Hoa vẫn muốn nuôi con và chỉ giảm mức yêu cầu anh chồng cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng xuống còn 800.000 đồng. Do hòa giải không thành, TAND huyện Ba Tri đã đem vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS huyện đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của chị vợ nhưng giảm mức cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng chỉ còn 650.000 đồng.
Theo HĐXX, yêu cầu của chị Hoa là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo về kinh tế cho chị nuôi con chung phát triển bình thường. Anh cho rằng anh vừa chấp hành án hình sự xong nên sức khỏe còn yếu, không có khả năng lao động để tạo thu nhập.
Tuy nhiên, căn cứ vào biên bản xác minh của tòa tại UBND xã nơi anh Nam cư trú thì anh hiện làm phụ quán tại Bình Dương, có nguồn thu nhập hàng tháng nên có đủ cơ sở để buộc anh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Cũng theo HĐXX, chi phí để nuôi dạy trẻ ngày càng tăng nên mức cấp dưỡng mỗi tháng 650.000 đồng như đại diện VKS đề nghị là chưa phù hợp với nhu cầu đời sống thực tế hiện nay. Vì vậy, yêu cầu cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 800.000 đồng của chị Hoa là phù hợp nên HĐXX chấp nhận.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Quy định hiện hành
Theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Theo khoản 1 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của luật này.
Theo Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 , cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Theo Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết…