TAND tỉnh Phú Yên vừa xử phúc thẩm một vụ tranh chấp khá hy hữu giữa bà Mai với vợ chồng ông Việt về việc đặt lại tên cũ cho con nuôi và quyền được qua lại thăm nom cháu bé.
Nhận con nuôi rồi cho lại
Theo đơn khởi kiện của bà Mai nộp tại TAND huyện Tây Hòa, đầu năm 2008, vợ chồng bà xin được một cháu bé mới sinh ba ngày tuổi ở một bệnh viện làm con nuôi. Sau đó, vợ chồng bà có đến UBND xã đăng ký khai sinh, đặt tên cháu là Tâm.
Vợ chồng bà Mai nuôi dưỡng cháu được một năm thì chồng bà bệnh nặng qua đời, bản thân bà cũng bị bệnh nặng, hoàn cảnh quá khó khăn nên không có khả năng nuôi cháu nữa.
Vì thế, tháng 5/2009, bà đã đưa cháu Tâm cho vợ chồng ông Việt làm con nuôi. Hai bên viết giấy thỏa thuận vẫn giữ họ tên cháu là Tâm, đồng thời bà Mai được quyền qua lại thăm nom cháu.
Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Việt không thực hiện đúng thỏa thuận trên, đi đặt lại tên con nuôi là Tú, đồng thời không cho bà Mai gặp cháu bé. Vì vậy bà Mai khởi kiện yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông Việt phải đặt lại họ tên cháu bé như bà đã đặt tại giấy khai sinh là Tâm và bà được quyền qua lại thăm nom cháu.
Làm việc với tòa, vợ chồng ông Việt cho biết họ được bà Mai tự nguyện cho con nuôi. Sau đó, vợ chồng ông đã đến UBND xã đăng ký việc nuôi con nuôi và đặt lại tên cháu bé là Tú.
Do bà Mai nhiều lần đến trường nơi cháu bé đang học để nhận con làm ảnh hưởng đến tâm lý và việc học tập của cháu nên vợ chồng ông không cho bà Mai gặp nữa. Nay bà Mai yêu cầu đặt lại họ tên cháu như khai sinh ban đầu là Tâm và được quyền thăm nom cháu thì vợ chồng ông không đồng ý.
Bác yêu cầu đặt lại tên cũ nhưng cho thăm nom
Xử sơ thẩm hồi đầu năm 2018, TAND huyện Tây Hòa đã bác cả hai yêu cầu của bà Mai. Sau đó, bà kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Phú Yên nhận định bà Mai đưa cháu Tâm cho vợ chồng ông Việt làm con nuôi; việc cho nhận con nuôi là hoàn toàn tự nguyện, được UBND xã đăng ký việc nuôi con nuôi và đổi tên thành Tú là phù hợp với quy định của Luật Nuôi con nuôi. Do đó, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mai về việc thay đổi họ tên cháu trở lại tên ban đầu là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về yêu cầu được qua lại thăm nom cháu bé của bà Mai, theo giấy thỏa thuận cho và nhận con nuôi giữa bà Mai và vợ chồng ông Việt có nội dung là bà Mai đồng ý cho vợ chồng ông Việt đứa con tên Tâm với điều kiện là bà được qua lại thăm nom.
Thỏa thuận nói trên của các bên không trái với quy định của pháp luật nên phải được tôn trọng. Vì vậy, việc bên nhận nuôi con nuôi là vợ chồng ông Việt không cho bà Mai thăm cháu bé và tòa sơ thẩm bác yêu cầu được thăm cháu của bà là không đúng.
Từ đó, TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận một phần kháng cáo của bà Mai, buộc vợ chồng ông Việt phải tạo điều kiện cho bà thăm cháu bé mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của cháu.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Quy định liên quan
Theo khoản 2 Điều 24 luật Nuôi con nuôi 2010, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ tên của con nuôi.
Theo khoản 4 Điều 24 luật Nuôi con nuôi 2010, trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi…