Ngày 5/7, gia đình của Lalani Erika Renee Walton (8 tuổi, bang Texas) và Arriani Jaileen Arroyo (9 tuổi, bang Wisconsin), 2 bé gái qua đời vào năm ngoái khi tham gia thử thách ngạt thở (blackout challenge), đâm đơn kiện lên tòa án cấp cao quận Los Angeles. Thử thách trên khuyến khích người tham gia tự bóp nghẹt mình cho đến khi bất tỉnh, theo The Guardian.
Người thân nạn nhân cáo buộc thuật toán nguy hiểm của TikTok liên tục đề xuất các video về thử thách ngạt thở vào nguồn cấp dữ liệu của trẻ em, khuyến khích chúng tham gia thử thách và dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Matthew P Bergman, đến từ hãng luật đại diện cho gia đình nạn nhân, cho biết: “TikTok cần phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 2 em nhỏ. Nền tảng này đầu tư hàng tỷ USD nhằm lan truyền nội dung nguy hiểm dù nhận thức chúng có thể dẫn đến cái chết của người dùng”.
Lalani Erika Renee Walton (trái) và Arriani Jaileen Arroyo được cho là qua đời vì tham gia thử thách ngạt thở. Ảnh: The Guardian. |
Lalani được nhận xét là “cô bé ngọt ngào và hướng ngoại”, “thích mặc đồ công chúa”. Cảnh sát điều tra cho rằng cái chết của em vào ngày 15/7/2021 là hậu quả của việc tham gia thử thách ngạt thở.
Sau khi được tặng điện thoại vào sinh nhật 8 tuổi, nạn nhân nhanh chóng nghiện lướt TikTok. Em thường xuyên đăng tải video hát và nhảy với hy vọng nổi tiếng.
Gia đình nhận thấy vết bầm tím trên cổ Lalani. Họ cho rằng cô bé đã tham gia thử thách trên TikTok.
Vào ngày xảy ra vụ việc, trong chuyến du lịch cùng gia đình, Lalani dành hàng giờ để xem video, bao gồm thử thách ngạt thở.
“Một em bé 8 tuổi sao có thể nhận thức mức độ nguy hiểm của nội dung TikTok đang khuyến khích”, đơn kiện cho biết.
Tương tự Lalani, Arriani cũng ám ảnh với việc đăng video nhảy và nghiện ứng dụng này.
Gia đình nạn nhân từng nói về trường hợp người dùng trẻ tuổi chết khi tham gia trào lưu nhưng em đảm bảo mình sẽ không làm thế.
Tuy nhiên, ngày 26/2/2021, em trai 5 tuổi phát hiện Arriani trong tình trạng ngừng thở. Em được đưa đến bệnh viện địa phương nhanh chóng nhưng không qua khỏi.
“Ứng dụng này biết rõ thuật toán của mình đang lan rộng những thử thách nguy hiểm đến trẻ em”, đơn kiện ghi.
Ngoài ra, một số khiếu nại khác được liệt kê, bao gồm quảng bá nội dung có hại, cho phép người dùng chưa đủ tuổi sử dụng và không cảnh báo về tính chất gây nghiện của ứng dụng.
Gia đình Walton và Arroyo yêu cầu khoản tiền bồi thường và phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn ở bang California.
Các luật sư cho rằng động cơ của TikTok khi cho phép những nội dung này là tương tác, số lượng người dùng và đặc biệt là lợi nhuận.
“Công ty ưu tiên lợi nhuận doanh nghiệp dù biết sức khỏe và sự an toàn của trẻ em sử dụng ứng dụng bị đe dọa”, họ nói.
TikTok nhiều lần bị kiện vì đề xuất nội dung nguy hiểm cho trẻ em. Ảnh: Picsmart. |
TikTok từ chối đưa ra phản hồi về sự việc. Công ty này từng bị chỉ trích vì lan truyền nội dung nguy hiểm.
Năm 2021, thử thách thùng sữa (milk crate challenge) từng bị bác sĩ khuyến cáo có thể dẫn đến trật khớp vai, đứt dây chằng và thậm chí là chấn thương tủy sống.
Năm 2020, một cô gái 15 tuổi tử vong sau khi tham gia thử thách benadryl (benadryl challenge) - khuyến khích người dùng sử dụng lượng lớn thuốc dị ứng nhằm chìm vào ảo giác.
Trước đó, hai trẻ vị thành niên bị buộc tội hành hung sau khi tham gia trào lưu phá hủy hộp sọ (skull breaker challenge).