Abby (28 tuổi, nhà phân tích tài chính) đã sử dụng các ứng dụng hẹn hò trong 8 năm, từ OkCupid, Bumble, Tinder, eHarmony, Match, WooPlus, Coffee Meets Bagel đến Hinge. Cô có thể dành 2 tiếng hoặc hơn mỗi ngày để lướt ứng dụng, nhắn tin tới lui và lên kế hoạch hẹn hò với những chàng trai có vẻ hứa hẹn.
Nhưng cuối cùng, tất cả vẫn chỉ là những cú vuốt màn hình, các cuộc trò chuyện đơn điệu và sự nghi ngờ bản thân dấy lên khi một mối không thành. Dù nỗ lực, Abby vẫn chưa có được mối quan hệ lâu dài nào.
Không chỉ Abby cảm thấy vậy. Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2020 phát hiện 37% người hẹn hò online cho biết vẫn bị người khác làm phiền dù đã nói rằng mình không có hứng thú, 35% nhận được tin nhắn hoặc hình ảnh khiêu dâm không mong muốn.
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi sau thời gian dài dùng app hẹn hò. Ảnh: Max Guther. |
Tuy nhiên, bất chấp tất cả - thời gian, sự tẻ nhạt và những lo lắng về vấn đề an toàn - Abby cảm thấy buộc phải tiếp tục “quẹt trái quẹt phải”, vừa lạc quan vừa lo rằng nếu từ bỏ, bản thân sẽ bỏ lỡ cơ hội gặp được ai đó tuyệt vời.
“Tôi cảm thấy kiệt sức. Nó thực sự gần giống như công việc bán thời gian vậy”, cô bày tỏ. Cô gái 28 tuổi cũng đã chi khoảng 4.500 USD cho dịch vụ mai mối.
Chán nản
Vào tháng 9, Tinder đã tròn 10 tuổi, gợi nhắc khoảng thời gian cách các ứng dụng hẹn hò đã định hình lại không chỉ văn hóa hẹn hò mà còn cả đời sống tình cảm của những người dùng như thế nào. Giống Abby, không ít người cho biết nhiều năm tìm kiếm tình yêu đã khiến họ “burnout” - từ thường để chỉ tình trạng sức cùng lực kiệt nơi làm việc.
Đối với một số người, lựa chọn duy nhất là “cai” các ứng dụng hẹn hò; một số khác đành tìm cách thiết lập các ranh giới.
“Chỉ là mọi người thấy mệt mỏi. Họ bị choáng ngợp với toàn bộ quá trình hẹn hò”, Helen Fisher, nhà nhân chủng sinh học và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinsey (Mỹ), cố vấn của Math.com, cho biết.
Ứng dụng hẹn hò tác động đến sức khỏe tâm thần của nhiều người. Ảnh: Nisian Hughes. |
Tất nhiên không phải ai cũng vậy. Cuộc khảo sát năm 2020 của Pew cho thấy 12% người Mỹ đã kết hôn hoặc đang có mối quan hệ gắn bó với người gặp trên mạng, 57% người từng dùng ứng dụng hẹn hò cho biết trải nghiệm của mình khá tích cực.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy tình trạng kiệt sức phổ biến. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 4 của công ty phân tích dữ liệu Singles Reports với 500 người từ 18 đến 54 tuổi, gần 80% người nói rằng đã trải qua cảm giác kiệt quệ hoặc mệt mỏi khi hẹn hò trực tuyến.
Vào năm 2016, trong cuộc khảo sát thường niên của ứng dụng Match với 5.000 người Mỹ độc thân, khoảng một nửa số này cho biết cảm thấy "burnout" với cuộc sống hẹn hò của mình.
Từ bỏ
“Sau một thập kỷ tìm kiếm không có kết quả, tôi bắt đầu tự hỏi: ‘Tôi nhận lại điều gì sau ngần ấy thời gian, nỗ lực, tiền bạc?’”, Shani Silver (40 tuổi), người làm podcast và tác giả cuốn sách Một cuộc cách mạng độc thân, nói.
“Khi liên tục thất vọng vì một ứng dụng được bán cho ta như một con đường dẫn đến tình yêu hết lần này đến lần khác, nhiều người trong chúng ta không thực sự dừng lại và tự hỏi: ‘Điều này đang tác động thế nào đến sức khỏe tâm thần của mình?’”.
Cuối cùng, Silver kết luận các ứng dụng hẹn hò đã lấy đi của cô thời gian, tiền bạc và năng lượng mà chẳng đem lại gì. Ngày 26/1/2019, cô xóa các ứng dụng đã cài đặt (Tinder, Bumble và Hinge) và nhanh chóng nhận thấy sự cải thiện về tâm trạng cũng như năng lượng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Jack Turban, phó giáo sư về tâm thần học trẻ em và thanh thiếu niên tại Đại học California (Mỹ) tin rằng đối với một số người, chỉ xóa các ứng dụng là không đủ.
“Điều quan trọng là phải hiểu tại sao chúng lại gây ra vấn đề cho bạn. Bạn đang dùng các ứng dụng để tự xoa dịu sự lo lắng song vô tình khiến tình hình tệ hơn? Bạn sợ mình không thể tìm thấy tình yêu rồi đi tán tỉnh, và điều đó khiến bạn không vui?”, ông nói.
Nhiều người lựa chọn xóa app hẹn hò sau thời gian dài sử dụng. Ảnh: The Guardian. |
Bên cạnh đó, người dùng có thể giảm tần suất lại và trò chuyện với ít người hơn cùng một lúc.
“Mọi người cứ say sưa rồi điều đó khiến họ kiệt sức”, bà Fisher nói. Bà khuyên người dùng ngừng “quẹt trái quẹt phải” và nói chuyện với những người “match” khác khi đã tìm được 9 người đem lại sự kết nối nào đó và nên dành thời gian tìm hiểu những người đó trước. Bà chỉ ra rằng nghiên cứu cho thấy hệ thống trí nhớ ngắn hạn của con người không thể xử lý quá 5-9 kích thích cùng một lúc.
Bà Fisher cũng tin rằng nên gặp gỡ online trước khi quyết định xem có đáng để dành thời gian và năng lượng gặp gỡ trong đời thực hay không.
Tuy nhiên, việc đặt ra các ranh giới không dễ dàng. Essy Knopf (35 tuổi), từng là thành viên ứng dụng hẹn hò đồng tính trong hơn 10 năm, cho biết: “Đối với tôi, sau khoảng thời gian nghiện sử dụng là giai đoạn kiệt sức hoặc cảm thấy bị xa lánh và chán nản”.
Knopf hiện có mối quan hệ với người gặp trên mạng và đã xóa tất cả ứng dụng hẹn hò. Dù vậy, anh chưa thể rũ bỏ nỗi lo rằng mình sẽ lại bị cuốn vào một vòng lặp mệt mỏi khác.
“Đối với tôi, nỗi sợ hãi giống như là: ‘Ôi trời, nếu mối quan hệ này không suôn sẻ, tôi sẽ quay lại với một trong những ứng dụng hẹn hò và tự mình trải qua quá trình buồn tẻ chán ngắt đó một lần nữa’”, anh chia sẻ.