Đến năm 2090, Hàn Quốc có thể không còn khả năng trồng và sản xuất kim chi bắp cải nổi tiếng. Ảnh: New York Times. |
Các nhà khoa học, nông dân và người sản xuất kim chi Hàn Quốc cho biết chất lượng lẫn số lượng cải thảo dùng để làm món ăn nổi tiếng này đang giảm do nhiệt độ cao.
Kim chi bắp cải sắp tuyệt chủng?
Bắp cải Napa phát triển mạnh ở những vùng khó khí hậu mát mẻ và thường được trồng ở các vùng núi cao - nơi nhiệt độ mùa hè hiếm khi vượt mốc 25 độ C.
“Chúng tôi hy vọng những dự báo về khí hậu ở Hàn Quốc sẽ không bao giờ thành sự thật”, nhà nghiên cứu thực vật Lee Young-gyu cho biết. “Bắp cải napa chỉ phát triển tốt trong điều kiện khí hậu mát mẻ và dao động trong khoảng 18 đến 21 độ C”.
Từ cánh đồng đến nhà ăn, từ cửa hàng đến bếp ăn gia đình, những người nông dân, nhà sản xuất kim chi lẫn người dân Hàn Quốc nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của kim chi.
Người Hàn Quốc còn dùng nhiều loại rau khác như củ cải trắng, dưa chuột hay hành lá để muối kim chi. Song là kim chi bắp cải vẫn là loại được ưa chuộng và đặc trưng nhất.
Bắp cải Napa là loại rau chỉ sinh trưởng tốt trong khí hậu mát mẻ với nhiệt độ dao động từ 18 đến 21 độ C. Ảnh: Korea Herald. |
Mô tả về tác động của nhiệt độ cao đối với loại rau này, bà Lee Ha-yeon, nghệ nhân kim chi, cho biết trời nóng có thể làm phần lõi của bắp cải “bị hỏng, còn phần rễ thì nhũn ra”. Bà Lee Ha-yeon được Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc tặng danh hiệu “Bậc thầy Kim chi” vì những cống hiến của bản thân cho ẩm thực, văn hóa quốc gia.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc, diện tích đất phù hợp để trồng bắp cải Napa của nước này chỉ còn lại 44 ha trong 25 năm tới. Đến năm 2090, “xứ sở kim chi” sẽ không còn mảnh đất phù hợp để trồng và sản xuất loại kim chi phổ biến nhất.
Các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ cao, lượng mưa khó lường và sâu bệnh đang ngày càng khó kiểm soát. Mùa hè ấm và dài hơn cũng là nguyên nhân làm mùa màng thất bát. Nấm mốc do nhiệt độ bất thường làm bắp cải héo cũng gây rắc rối cho người nông dân, nhất là khi nó xảy ra sát thời điểm thu hoạch.
Lép vế
Biến đổi khí hậu đang làm tăng thêm gánh nặng cho ngành công nghiệp kim chi của Hàn Quốc. Món ăn kèm đặc trưng của Hàn Quốc vốn đã lép vế so với món kim chi giá rẻ của Trung Quốc tại các nhà hàng, quán ăn.
Dữ liệu hải quan ngày 2/9 cho thấy lượng kim chi mà Hàn Quốc nhập khẩu đã tăng 6,9%, lên 98,5 triệu USD, trong năm nay. Đây là mức cao nhất trong lịch sử thương mại của ngành công nghiệp kim chi. Tuy nhiên, đa số kim chi được giao dịch đến từ Trung Quốc.
Hiện, chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng kho thực phẩm ứng phó biến đổi khí hậu để ngăn kim chi bắp cải tăng giá đột biến và lâm vào cảnh thiếu hụt. Các nhà khoa học đang chạy đua để phát triển giống bắp cải sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu ấm và có khả năng phục hồi trước những cơn mưa và dịch bệnh bất thường.
Một lượng lớn kim chi nhập khẩu vào Hàn Quốc đến từ Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Người lo lắng nhất lúc này lại là những người nông dân trồng bắp cải. Ông Kim Si-gap dành gần như cả đời trên cánh đồng bắp cải ở phía đông thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc). Nông dân 71 tuổi lo ngại những giống bắp cải mới sẽ đắt tiền hơn và không có hương vị đúng chuẩn để tạo ra loại kim chi bắp cải truyền thống.
“Tôi vừa buồn vừa sốc khi nghe tin Hàn Quốc có thể không trồng được bắp cải trong tương lai”, ông Kim chia sẻ. “Kim chi là thứ không thể thiếu trên bàn ăn của người Hàn Quốc. Chúng ta sẽ làm gì nếu điều này xảy ra?”.
Đầu tháng 8, Bộ Nội vụ Hàn Quốc đã ban hành cảnh báo nắng nóng cấp cao nhất trên phạm vi toàn quốc sau khi cả nước ghi nhận mức nhiệt 30-36 độ C trong nhiều ngày liên tiếp.
Theo Korea Times, cảnh báo này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 7/9, đánh dấu sự kết thúc của mùa hè nóng bất thường ở Hàn Quốc. Dù chưa có báo cáo chính xác, tháng 8 năm nay được dự báo sẽ là tháng nóng nhất lịch sử Hàn Quốc với nhiệt độ trung bình cả nước đạt 28 độ C - mức cao nhất từng được ghi nhận.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.