Có thể nói Kim Xuân là nghệ sĩ khắc họa rất rõ nét hình ảnh đối kháng nhau, từ sang trọng, quý phái đến lam lũ, nghèo hèn đều được NSƯT hóa thân một cách trọn vẹn. Thoát khỏi hình tượng người mẹ, người vợ giàu có ở những phim trước, lần đầu tiên Kim Xuân vào vai một cô giáo đã nghỉ hưu, lên Sài Gòn làm gia sư nhưng sự khắc nghiệt của cuộc sống đưa bà đi ở mướn cho một gia đình giàu có trong bộ phim Người giúp việc dài 30 tập của biên kịch Châu Thổ.
Kim Xuân trong vai bà giáo đi ở mướn trong phim Người giúp việc. |
Lần đầu tiên phim truyền hình Việt đi sâu khai thác cuộc sống của những người được cho làm nghề thấp kém trong xã hội – người giúp việc. Mặc dù đối tượng này thường xuyên xuất hiện trong nhiều phim nhưng được phản ảnh qua những góc hài hước, châm biếm nhiều hơn. Thế nhưng điều này cũng trở thành áp lực cho biên kịch và dàn diễn viên trong cuộc chạy đua giành khán giả trước một đề tài không quá lôi cuốn. Chưa kể dàn diễn viên chính trong Người giúp việc đều được các NSƯT hoặc các gương mặt cứng cựa đảm nhận, không có ngôi sao trẻ hút khách cũng là một thách thức lớn cho ê-kip.
Thế nhưng dưới bàn tay nhào nặn của 2 biên kịch nổi tiếng là Châu Thổ và Phạm Thành Nhân, Người giúp việc có thêm những mảng miếng, chiêu trò để bộ phim hút người xem. Đối tượng khán giả được trải rộng và trên hết diễn xuất chắc tay cùng cách khai thác cốt truyện hấp dẫn khiến ê-kíp tin tưởng Người giúp việc sẽ phù hợp với thị hiếu của đám đông nhưng đồng thời vẫn giữ được nét riêng.
Phía duyệt phim cũng rât đau đầu trước định kiến của xã hội khi để một nhà giáo ưu tú đã về hưu chấp nhận đi làm người ở. Đài truyền hình TP.HCM, đơn vị phát hành lo sợ khán giả sẽ lên án và tẩy chay vì xúc phạm đến phẩm chất của một nghề cao quý nhất xã hội. Thế nhưng biên kịch Châu Thổ đã lồng vào trong đó một ý nghĩa nhân văn: không có nghề nào thấp kém, chỉ có tinh thần trách nhiệm và phẩm chất của người làm nghề mới đo được giá trị con người.
Chồng của bà giáo sĩ diện nên bà giấu, không cho biết mình đi làm người giúp việc và bản thân bà chịu đựng mọi tủi nhục, đắng cay, vất vả chỉ để chứng minh cho mọi người biết không có nghề nào là thấp kém. Khi vợ chồng ông chủ tìm tới bệnh viện để giúp đỡ bà trang trải viện phí, bà giáo cương quyết từ chối vì không muốn nhận lấy sự thương hại. Lúc này phẩm chất của người giáo được soi sáng và cũng là thông điệp mà đoàn phim Người giúp việc hướng đến.
Bộ phim được phát sóng nhân dịp cả nước hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam, tập đầu tiên lên sóng HTV9 lúc 22g, 14/11.
Một số hình ảnh khác trong phim:
Ông chủ nhà (Nguyễn Sanh) mê gái nên tìm mọi cách để bà giáo bị đuổi việc, để cô gái trẻ ông yêu vào làm. |
Vốn tình cần mẫn, chịu khó và nhân hậu nên bà giáo được gia đình (trừ ông chủ) nhà chủ yêu mến. |
Bà giáo bị nghi ngờ ăn cắp nhẫn kim cương, buộc thôi việc và bị công an điều tra. |
Bà lão (NSƯT Thanh Vy đóng) nhớ bà giáo hiền lành. |
Kỳ thực bà lão tặng nhẫn kim cương cho người giúp việc mà vợ chồng con trai không biết nên đổ oan. |
Trải qua nhiều người giúp việc khác nhau nhưng vẫn không có kết quả, bà Oanh (Thanh Ngọc) bị áp lực nên tìm bà giáo. |
Phần bà giáo cũng đi làm nhiều nơi kiếm tiền nuôi chồng bị bệnh và con gái đang học ĐH. |
Sau khi chồng (Minh Hoàng) biết vợ đi làm người giúp việc, ông trở bệnh nặng hơn. |
Bà giáo lại đối mặt với nợ nần chồng chất. |
Cuối cùng ông chủ nhà mới hiểu ra tấm lòng của bà giáo. |
Sau bao nỗ lực, bà giáo mở trường dạy người giúp việc để họ có trách nhiệm và chuyên nghiệp hơn. |