Ngày 19/10, theo SCMP, trong cuộc gọi trực tuyến với người hâm mộ, Lisa (thành viên nhóm BlackPink) gửi lời xin lỗi vì để kiểu tóc bện dây thừng trong thời gian gần đây.
Lời xin lỗi được đưa ra sau khi nữ ca sĩ đối mặt với những chỉ trích “chiếm đoạt văn hóa” từ khán giả. Ngôi sao gốc Thái Lan gặp tranh cãi khi để kiểu tóc gắn liền với người da màu - những người đối mặt với vấn nạn phân biệt chủng tộc suốt nhiều năm.
Nhiều năm nay, giới giải trí Hàn Quốc và các nghệ sĩ thường phớt lờ các vấn đề nhạy cảm. Họ giải quyết vấn đề một cách lặng lẽ để giảm sự chú ý từ công chúng.
Năm 2020, BlackPink vướng tranh cãi chiếm đoạt văn hóa Ấn Độ. Nhóm nhạc bị chỉ trích khi để hình ảnh vị thần Ấn Độ xuất hiện trong MV How You Like That. Tuy nhiên, YG Entertainment không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào, ngoài việc âm thầm chỉnh sửa và tiếp tục để MV tồn tại.
Sao nhận thức vấn đề chiếm dụng văn hóa
Theo SCMP, Lisa là một trong số ít những ngôi sao Kpop gần đây dám đối mặt với những cáo buộc chiếm đoạt văn hóa từ người hâm mộ nước ngoài. Cuộc trò chuyện của nữ ca sĩ với fan là trường hợp hiếm hoi về việc một nghệ sĩ trực tiếp giải quyết vấn đề mà nhiều người cho là sai.
Hồi tháng 9, Allen Ma, thành viên người Mỹ gốc Hoa của nhóm Cravity, phải đưa ra lời xin lỗi vì cuộc phỏng vấn với tạp chí Buzzfeed. Nam ca sĩ cho rằng Kpop đang đánh giá cao các nền văn hóa khác chứ không phải chiếm đoạt. Sau vụ vạ miệng, Allen Ma gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người hâm mộ.
Khi vấn đề phân biệt chủng tộc và chiếm đoạt văn hóa trở thành đề tài được giới giải trí quan tâm, nhiều nghệ sĩ lên tiếng ủng hộ sự thay đổi.
Năm 2020, BTS và cộng đồng người hâm mộ quyên góp 1 triệu USD để ủng hộ phong trào Black Live Matters. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Variety, thành viên Suga chia sẻ lý do kêu gọi quyên góp: “Hành động của chúng tôi đơn giản là chống lại bạo lực và ủng hộ người bị phân biệt chủng tộc. Chúng tôi là những người trải qua định kiến. Chúng tôi muốn mọi người cảm thấy mình có quyền được tôn trọng”.
Các thành viên nhóm nhạc BTS phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Getty. |
Các nghệ sĩ Kpop khác cũng đang cố hoàn thiện bản thân, kêu gọi đồng nghiệp, người hâm mộ nhận thức đúng các vấn đề nhạy cảm về văn hóa và phân biệt chủng tộc.
Năm 2020, nhóm nhạc P1Harmony suýt phải giải nghệ sau một thời gian ra mắt. Yoon Keeho (Stephen Yoon) bị người hâm mộ chụp lại bình luận có hàm ý phân biệt chủng tộc. Bức ảnh lan truyền một ngày trước khi P1Harmony phát hành đĩa đơn đầu tay.
Thời điểm đó, Keeho và công ty quản lý FNC Entertainment phải lên tiếng xin lỗi. Keeho giải thích anh không đưa ra bình luận phân biệt chủng tộc. Tài khoản của nam ca sĩ bị một người nào khác sử dụng.
Sau vụ việc, Keeho thường xuyên lên tiếng chống lại việc phân biệt chủng tộc và các tình huống chiếm đoạt văn hóa. “Chúng tôi có trách nhiệm lên tiếng và giáo dục bản thân. Ca khúc chủ đề Scared phản ánh điều đó”, Keeho nói về EP April's Disharmony: Break Out.
Theo lời idol Kpop, nhiều người, trong đó có nghệ sĩ sợ hãi khi nói về những chủ đề nhạy cảm. Sinh ra và lớn lên ở Canada, nam ca sĩ thường xuyên đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc. Việc luôn im lặng khiến Keeho trở thành người sợ hãi, không dám đối mặt với nhiều vấn đề.
Sau nhiều năm, thành viên nhóm P1Harmony muốn dùng sự nổi tiếng để kêu gọi người hâm mộ, đồng nghiệp đối mặt với những điều nhạy cảm. “Đừng sợ hãi khi bắt đầu làm điều gì đó. Hãy hành động và làm theo ý muốn của mình”, nam ca sĩ nói.
Keeho cho biết anh thúc đẩy các thành viên trong nhóm - những người chủ yếu sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc - chấp nhận sự đa dạng, chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
“Tôi ngạc nhiên với cách các người anh em phản ứng với phân biệt chủng tộc. Không phải ai cũng xem trọng điều đó. Từ khi tôi là thực tập sinh, tôi đã nói chuyện với họ về vấn nạn này. Tôi luôn cố gắng hoàn thiện mình, kêu gọi người khác nên hành động”, Keeho nói thêm.
Kpop thích nghi
Bên cạnh nghệ sĩ, một số công ty bắt đầu đề cao tính nghiêm trọng của vấn đề. Trước khi debut, nhóm Yours được công ty Deep Studio Entertainment mở hẳn lớp học, thảo luận về sự nhạy cảm về chủng tộc và sự nguy hiểm của việc chiếm đoạt văn hóa.
“Trong thời đại toàn cầu hóa, Kpop và Hallyu đang rất phổ biến. Tôi thấy việc để các nghệ sĩ làm quen với nhận thức về phân biệt chủng tộc, cải thiện bản thân là điều rất cần thiết”, người trong cuộc nói.
Theo SCMP, các cuộc trò chuyện, thảo luận về việc các nghệ sĩ da trắng hưởng lợi từ việc chiếm đoạt văn hóa da màu phổ biến trong những năm qua. Tại Hollywood, hành vi chiếm đoạt văn hóa được biết đến với thuật ngữ blackfishing.
Các thành viên của nhóm nhạc P1Harmony. Ảnh: SCMP. |
Đầu tháng 10, Jesy Nelson, cựu thành viên nhóm nhạc người Anh Little Mix, đối mặt làn sóng tranh cãi sau khi phát hành đĩa đơn solo Boyz.
Trong sản phẩm hợp tác cùng Nicki Minaj, Jesy bị khán giả nói chiếm đoạt văn hóa người da màu, cố tình biến bản thân giống người da đen, tạo ra sự mơ hồ về chủng tộc để đạt mục đích riêng.
Hồi tháng 7, Iggy Azalea - ngôi sao nhạc pop người Australia - gây tranh cãi khi cố tình nhuộm đen da, hóa thân thành phụ nữ da màu trong MV I Am The Strip Club.
CNN đưa tin các nhà văn hóa cho rằng Azalea cố tình sao chép văn hóa người da màu. Không chỉ phong cách, kiểu tóc, làn da của nữ ca sĩ tối hơn rất nhiều so với thời mới ra mắt năm 2011.
Theo SCMP, chiếm đoạt văn hóa người da màu không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, khi Kpop vươn rộng ra phạm vi toàn cầu, các công ty và nghệ sĩ phải thay đổi, nhận thức rõ vấn đề chủng tộc và không thực hiện những hành vi liên quan đến chiếm đoạt văn hóa.