Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự độc hại của ngành công nghiệp âm nhạc

Nghiên cứu mới của chuyên gia cho thấy nghệ sĩ gốc Phi chịu áp lực bị kỳ thị, phân biệt chủng tộc và không được đối đãi công bằng so với đồng nghiệp da trắng.

Ngày 13/10, BBC có bài viết về những bất công trong ngành công nghiệp âm nhạc. Tác giả Roger Wilson - người khởi xướng phong trào ​​Black Lives in Music - cho rằng định kiến vẫn hiện hữu trong âm nhạc, giới giải trí phải đối mặt thay vì cố tình lảng tránh.

Nghiên cứu được tổng hợp từ cuộc khảo sát lớn nhất từ ​​trước đến nay về các nhạc sĩ và chuyên gia da màu trong ngành âm nhạc tại Anh. Phần lớn 1.718 người tham gia cho rằng môi trường làm việc thiếu công bằng khiến họ khó phát triển.

Báo cáo cho thấy cứ 10 người da màu làm trong lĩnh vực âm nhạc thì có 6 người bị phân biệt chủng tộc. 86% người thực hiện nghiên cứu nói họ gặp rào cản trong sự nghiệp âm nhạc chỉ vì màu da, những ngôi sao da màu thành công chỉ là số ít.

Người gốc Phi hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhất là nhân viên hậu trường thường nhận mức lương thấp. Họ kiếm ít hơn đồng nghiệp da trắng khoảng 400 USD/tháng.

Một người giấu tên nói với BBC rằng anh phải liên tục yêu cầu nghệ sĩ khác ngừng những trò đùa về chủng tộc. Trong khi một người khác nói cô mệt mỏi với những câu đùa liên quan màu da, nguồn gốc châu Phi và câu hỏi cô thực sự đến từ đâu.

mat trai cua nganh cong nghiep am nhac anh 1

Nghệ sĩ da đen chịu nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp da trắng. Ảnh: BBC.

Gần đây, Alexandra Burke, quán quân chương trình X Factor 2008, cho biết cô được một số đồng nghiệp khuyên nên đi tẩy da để trông trắng hơn. “Có người thậm chí nói thẳng với tôi rằng tôi phải làm việc gấp 10 lần để đạt được thành công như những nghệ sĩ da trắng”, Burke nói.

Leigh-Anne Pinnock - thành viên ban nhạc nữ Little Mix - cho biết cô cảm giác bản thân chỉ xuất hiện trong ban nhạc để “cho đủ đội hình”. Ngôi sao da màu cảm giác cô như người vô hình mỗi khi biểu diễn trước công chúng.

Đầu tháng 10, rapper Tinie Tempah cho biết các nghệ sĩ gốc Phi ít được quan tâm, ủng hộ hơn so với đồng nghiệp da trắng. “Ngày nay, Internet giúp chúng ta nổi tiếng dễ dàng. Nhưng khi tham gia vào làng giải trí, bạn nhận ra làng nhạc là nơi phân biệt chủng tộc”, Tempah nói với BBC.

Black Lives in Music được thành lập vào tháng 3/2021. Tổ chức hứa hẹn phơi bày những mặt tối trong làng nhạc và trao quyền cho nhạc sĩ, người da màu hoạt động âm nhạc.

Theo BBC, việc thực hiện khảo sát là công việc đầu tiên của tổ chức. Tác giả cho rằng kết quả nghiên cứu sẽ gây khó chịu cho giới âm nhạc vì nhiều người chưa dám đối mặt hiện thực. “Nghiên cứu chỉ ra rằng nhạc sĩ da đen là nạn nhân của sự chênh lệch lương và khó có cơ hội để tiến bộ”, Roger Wilson nói.

Báo cáo đồng thời chỉ ra rằng phụ nữ da màu là người chịu sự kỳ thị nhiều nhất. Theo kết quả khảo sát, có đến 31% người cho biết sức khỏe tinh thần của họ trở nên tồi tệ khi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc. Con số này tăng lên 42% với phụ nữ da màu.

Gần 50% người tham gia khảo sát nói họ bị gán cho những thứ không thuộc về mình, từ ngoại hình đến nghệ danh. Có nhiều nghệ sĩ gốc Phi gặp căng thẳng khi phải đổi tên để đáp ứng kỳ vọng của hãng thu âm.

Đầu năm 2021, nghiên cứu của UK Music cho thấy người da đen, gốc Á độ tuổi 16-24 hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc 30,6%, tăng so với con số 25,9% năm 2018.

Tuy nhiên, BBC cho rằng nghiên cứu của tác giả Roger Wilson chứng tỏ ngành công nghiệp âm nhạc có nhiều mặt tối, số lượng người da màu tăng không đồng nghĩa với việc sự kỳ thị giảm đi.

Ngành công nghiệp âm nhạc phải thay đổi

Kima Otung, sao trẻ đang lên tại Anh nói với BBC rằng cô biết được nhiều câu chuyện, ngộ ra nhiều thứ khi đọc được các báo cáo. “Tôi trải qua những thứ đáng sợ. Một hãng thu âm gọi tôi là tự cao, hung hăng chỉ vì tôi đề nghị họ trả lời mail đã gửi hai tuần trước đó”, Otung nói.

Nhạc sĩ 27 tuổi nói cô quyết định bỏ qua những hãng thu âm lớn ở Anh, tìm cách hoạt động độc lập sau khi nghe những câu chuyện khó chịu, mặt trái về ngành công nghiệp âm nhạc.

“Số lượng nghệ sĩ da màu được hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc không nhiều. Các hãng thu âm nói họ chỉ có một vị trí cho nghệ sĩ da đen. Nếu có gia hạn hợp đồng, đó thường là ngắn hạn, mang tính thử nghiệm hơn là tạo điều kiện cho nghệ sĩ”, Otung nói thêm.

Otung đồng thời cho rằng các hãng thu âm thường mang tư tưởng ban ơn cho các nghệ sĩ gốc Phi, nhất là với nghệ sĩ trẻ. “Các công ty gần như nói rằng bạn nên thấy may mắn vì được ở đây, hãy chấp nhận các điều khoản thay vì làm giá, bởi vì có hàng dài nghệ sĩ da đen thay thế bạn bất cứ lúc nào”, nhạc sĩ 27 tuổi nói.

Nhạc sĩ trẻ hy vọng phong trào Black Lives in Music của tác giả dẫn đến sự thay đổi nhận thức của nhiều người. “Chúng tôi không đòi tẩy chay hay chỉ bảo ai. Chúng tôi muốn đối thoại và đặt ra những mục tiêu lớn trong 5 năm tới, tạo ra sự thay đổi bền vững”.

Roger Wilson cho biết mục tiêu của chiến dịch Black Lives in Music là đưa ngành công nghiệp âm nhạc đến với sự bình đẳng. Sau cái chết gây chấn động của George Floyd, nhiều hãng và tổ chức đã cam kết tài trợ, cố vấn và quyên góp cho người da màu ở nhiều lĩnh vực. Ngành công nghiệp âm nhạc cũng cần tuân thủ điều đó.

Sau khi tác giả Roger Wilson khởi xướng phong trào, một số thay đổi đã diễn ra. Chiến dịch Power Up của Quỹ PRS tuyên bố tài trợ cho các giám đốc điều hành, nghệ sĩ đa đen, giúp họ phát triển sự nghiệp sau đại dịch.

Hãng thu âm BMG cho biết họ đang tiến hành xem xét lại hợp đồng, thay đổi mức phí bản quyền âm nhạc có lợi cho các nghệ sĩ da đen. Họ đồng thời hứa hẹn thực hiện các biện pháp để mang lại lợi ích cho nghệ sĩ thu âm bị trả lương thấp.

"Thông qua báo cáo này, tôi hy vọng những ông lớn trong ngành nhận ra vấn đề và đưa mọi thứ đi đúng hướng. Điều đó có thể sẽ mất thời gian nhưng tôi vẫn lạc quan về tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc”, Roger Wilson nói với BBC.

Hollywood trước ngày diễn ra vụ đình công lớn nhất lịch sử

Trước ngày diễn ra vụ đình công lớn nhất Hollywood, Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim đưa ra kế hoạch cụ thể cho các thành viên để đòi quyền lợi tại kinh đô điện ảnh.

Nhà làm phim Hollywood không nhượng bộ 60.000 nhân viên đòi đình công

Sau 8 cuộc đàm phán căng thẳng, nhà sản xuất Hollywood từ chối nhượng bộ yêu cầu đòi tăng lương, thay đổi chất lượng cuộc sống của nhân viên làm việc trong hậu trường.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm