Năm 2017 khép lại với nhiều niềm vui của cộng đồng fan Kpop. Chưa khi nào các thần tượng đến từ xứ kimchi lại "chăm" ghé Việt Nam như năm qua. Trong một năm đã có tới hơn 10 sự kiện lớn với sự góp mặt của các ngôi sao Hàn.
Không ít người hâm mộ cho rằng đã tới thời điểm để nền công nghiệp âm nhạc lớn nhất nhì châu Á tăng cường tập trung vào Việt Nam. Tuy nhiên liệu các ông lớn của Kpop đã thật sự để mắt đến thị trường Việt hay chưa và Vpop có thật sự "mở cửa" với nhạc ngoại vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Năm 2017 là năm các thần tượng Kpop ồ ạt ghé thăm Việt Nam. Ảnh: CJ E&M. |
Kpop chiếm lĩnh thị phần âm nhạc Việt?
Nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng Kpop đang dần nuốt trọn nhạc Việt. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác có thể thấy "ông lớn" của âm nhạc châu Á chưa thực sự có ý định chen chân vào thị trường nước ta.
Trên thực tế, nghệ sĩ Hàn tấn công các nên âm nhạc khác như Nhật, Trung, Đài... đều có sự chuẩn bị kỹ càng. Khâu chuẩn bị bắt đầu từ việc học ngôn ngữ bản địa, tiếp đó học về văn hóa và quy các ứng xử... Việc chuẩn bị có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm, đặc biệt là với các kế hoạch có sự tham gia của thực tập sinh ngoại quốc.
Khi thành thạo về ngôn ngữ bản địa, các nhóm nhạc này sẽ dễ dàng được chấp nhận tại một vùng đất xa lạ hơn. Đó là nguyên nhân ngôn ngữ bản địa là một bước chuẩn bị quan trọng để các nhóm nhạc Kpop "mang chuông đi đánh xứ người".
Bên cạnh đó, vẫn có một cách dễ dàng hơn để gia nhập thị trường bên ngoài Hàn Quốc. Những nhóm nhạc có kế hoạch vươn khỏi lãnh thổ đều có thành viên ngoại quốc.
Có thể kể đến Super Junior với cựu thành viên Han Geng cùng nhóm nhỏ Super Junior - M làm tiền đề cho việc tiến vào Trung Quốc về sau. EXO cũng chia thành 2 nhóm nhỏ với 4 thành viên người Hoa, TWICE có tới 3 cô gái Nhật Bản. Vì vậy nhóm đang được yêu mến vô cùng tại thị trường lớn số một châu Á này...
TWICE có tới 4 thành viên ngoại quốc nhằm giúp nhóm dễ dàng vươn xa ra thị trường châu Á. |
Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn đã lan rộng ra toàn châu Á. Và Việt Nam cũng nằm trong phạm vi tiếp nhận làn sóng văn hóa này. Giới trẻ nghe nhạc Hàn, hâm mộ thần tượng Hàn, tiêu thụ album... như một cách giải trí lành mạnh giống thế hệ trước nghe nhạc Âu - Mỹ hay nhạc Hoa.
Các thần tượng Hàn Quốc biểu diễn tại Việt Nam phần lớn đều nằm trong khuôn khổ các chương trình tổng hợp lớn với mục đích ngoại giao. Họ chỉ tập luyện vài tiết mục tiếng Việt với mục đích làm cho fan vui lòng chứ chưa khi nào có kế hoạch nghiêm túc tập luyện ngôn ngữ của ta.
Cho đến nay, chỉ có nhóm 4Men từng có ý định nghiêm túc tấn công thị trường nhạc Việt với động thái đổi tên thành V4Men. Nhóm đã phát hành ca khúc Nước mắt kết hợp cùng MTV từ năm 2006 và nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng.
Gần đây, 2 nhóm nhạc trẻ M-Tiful và I.C.E cũng tuyên bố tấn công thị trường Việt nhưng vẫn chưa có bước đi rõ ràng.
M-Tiful là nhóm nhạc hiếm hoi tuyên bố chính thức tấn công thị trường nhạc Việt. |
Trên thực tế, thay vì "xâm lấn", Kpop có lẽ đơn giản chỉ muốn thu được lợi nhuận từ Việt Nam giống những gì đã làm ở Thái Lan, Singapore, châu Âu hay Mỹ Latin.
Nền âm nhạc Việt cũng thu được lợi ích riêng
Việc các nghệ sĩ quốc tế nói chung, Hàn Quốc nói riêng ghé thăm Việt Nam liên tục có những tác động tích cực đối với âm nhạc nước nhà. Nếu như Kpop "hạ cánh" ở Việt Nam để thu lợi nhuận, thì ngành giải trí nước nhà lâu nay đều có xu hướng mượn Kpop để làm mô hình học tập.
Không ít ý kiến từ người trong giới cho rằng chính những lần xuất hiện của nghệ sĩ Hàn Quốc khiến các ca sĩ Việt nhìn lại và rút ra bài học cho chính mình.
Ái Phương cho biết tham gia vào sự kiện lớn cùng các ngôi sao Hàn Quốc giúp cô học hỏi được nhiều điều cho sự nghiệp của cô. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Không chỉ học hỏi trong phong cách biểu diễn... mà nền giải trí Việt còn đang nhanh chóng học theo cả cách thức hoạt động của mô hình âm nhạc thần tượng nổi danh của Hàn Quốc.
Thái Lan cũng là một đất nước có nền giải trí phát triển. Showbiz Thái đã học được nhiều "chiêu" từ Hàn và Nhật để đẩy mạnh thế giới giải trí của riêng mình mà vẫn giữ được bản sắc riêng.
Cũng giống như Thái Lan, Việt Nam đang "tranh thủ" học hỏi từ những nền giải trí lớn mạnh và phát triển hơn để tìm ra lối đi riêng.
Thị trường âm nhạc Việt Nam thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện các công ty giải trí chuyên nghiệp nhằm đào tạo và quản lý các nghệ sĩ như St.319, WePro, 6th Sense (công ty do Ông Cao Thắng - Đông Nhi quản lý) hay M-TP Entertainment...
Đây là bước đi đầu tiên để chuyên nghiệp hóa nền công nghiệp giải trí trong nước. Trước đây hầu hết các nghệ sĩ của thế hệ cũ đều hoạt động dưới hình thức độc lập và chỉ có sự hỗ trợ của một vài trợ lý. Nay các công ty giải trí chuyên nghiệp xuất hiện và giúp nghệ sĩ trẻ hoạt động bài bản hơn.
Bên cạnh đó, mô hình đào tạo của các công ty Việt cũng đang hướng đến quy trình giống như Hàn Quốc. Kết quả đầu ra của quy trình này là những nhóm nhạc, những ca sĩ mang hơi hướng Hàn như Monstar, Uni5, Suni Hạ Linh, Cara...
Nhóm Monstar được định hình theo đuổi phong cách giống như các boygroup Hàn Quốc. |
Không thể phủ nhận những ca sĩ, nhóm nhạc này có nhiều ưu thế như ngoại hình đẹp, sản phảm trau chuốt, ê-kíp hỗ trợ hùng hậu và chuyên nghiệp. Tuy nhiên để cho Vpop không bị quá "Hàn Quốc", những nhân tố trẻ này cần tìm ra điểm mạnh của riêng mình nhằm duy trì bản sắc riêng.
Nhạc Việt đang ở trong giai đoạn chuyển mình để hoàn thiện và bắt kịp với các nền giải trí khác trên thế giới, đặc biệt là nơi có nhiều điểm tương đồng với âm nhạc trong nước như Hàn Quốc.
Tương lai Vpop đang đặt trên vai những người trẻ với khát vọng vươn lên mạnh mẽ và thị trường âm nhạc hiện nay đang tạo điều kiện để học hỏi được nhiều hơn từ các ngôi sao trên thế giới.
Điều quan trọng là nền âm nhạc Việt hiện nay nói chung có thể chắt lọc đồng thời tìm ra "chất" riêng không, hay chỉ chạy theo và sao chép một cách hời hợt từ những người bạn Kpop, J-Pop...