Ra mắt năm 2008, Kung Fu Panda lập tức được khán giả đón nhận, trở thành một trong những tác phẩm ăn khách nhất năm. Thành tích này tạo bàn đạp để các nhà sản xuất thực hiện nhiều phần tiếp theo, giúp thương hiệu về chú gấu trúc bụng bự Po ngày càng nổi tiếng và ăn khách.
Không chỉ tung hoành màn ảnh rộng, câu chuyện về Po cũng được phát triển thành series thành công.
Hai loạt phim Kung Fu Panda: Legends of Awesomeness (2011-2014) và Kung Fu Panda: The Paws of Destiny (2018-2019) đều được đón nhận. Điều đó giúp các nhà sản xuất tiếp tục bắt tay thực hiện Kung Fu Panda: The Dragon Knight (Tựa Việt: Kung Fu Panda: Hiệp sĩ rồng).
Đặc biệt, đây là lần đầu tài tử Jack Black lồng tiếng cho nhân vật Po ở bản truyền hình. Trước đó, Mick Wingert từng giữ vị trí này nhưng không tạo được sức hút bằng ngôi sao School of Rock.
Mô-típ anh hùng cứu thế giới
Series gồm 11 tập, độ dài trung bình mỗi tập 25 phút nên khá dễ xem. Nội dung hoàn toàn độc lập so với các tác phẩm tiền nhiệm. Những ai chưa biết gì về nguồn gốc của Po đều có thể theo dõi mà không gặp khó khăn.
Chuyện phim lấy bối cảnh sau những sự kiện của Kung Fu Panda 3 (2016). Lúc này, Po đã nổi tiếng khắp nơi, được mọi người yêu mến và đặt cho biệt danh "Chiến binh Rồng".
Series Kung Fu Panda: The Dragon Knight kể về hành trình mới của gấu trúc Po (Jack Black). |
Vì không còn phải lo nghĩ về chuyện đánh đấm, Po quyết định thực hiện chuyến du lịch xuyên Trung Hoa để thưởng thức các món ăn ngon nhất nước.
Khi đến một ngôi làng, anh vô tình đụng độ hai chị em chồn là Klaus Dumont (Chris Geere) và Veruca Dumont (Della Saba). Bộ đôi âm thầm đến đây nhằm ăn cắp The Gauntlet – chiếc găng tay có sức mạnh thần kỳ vốn là một trong tứ đại bửu bối.
Ở trận chiến đầu tiên, Po thua cuộc vì bất cẩn và để mất The Gauntlet. Không còn cách nào khác, anh phải phối hợp với nữ hiệp sĩ Anh quốc bí ẩn tên là Luthera (Rita Ora) – mệnh danh Wandering Blade (Gươm lang thang).
Từ đó, họ cùng nhau bước vào cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới, vượt khỏi phạm vi Trung Quốc để truy bắt chị em nhà Dumont.
Thực tế, cốt truyện của Kung Fu Panda: The Dragon Knight khá đơn giản, đi theo mô-típ “anh hùng cứu thế giới” quen thuộc. Po và Luthera cũng được xây dựng theo hình mẫu nhân vật có tính cách trái ngược.
Một bên điềm tĩnh, suy nghĩ chín chắn, bên kia hậu đậu và bất cẩn. Một người đại diện cho phương Tây, người kia là phương Đông. Theo thời gian, các nhân vật hiểu nhau hơn và phối hợp ăn ý trong suốt chuyến đi.
Giống thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh
So với các tác phẩm tiền nhiệm, kịch bản của Kung Fu Panda: The Dragon Knight chưa sáng tạo. Biên kịch không tạo được nhiều tình huống hấp dẫn để dẫn dắt câu chuyện.
Kịch bản phim không sáng tạo bằng các tác phẩm tiền nhiệm. |
Nhiều tình tiết trong phim gợi nhớ tác phẩm khác. Chẳng hạn, The Gauntlet có ngoại hình giống găng tay Infinity Gauntlet của Thanos trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Hành trình của gấu bộ đôi Po - Luthera lại giống thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh trong Tây Du Ký. Qua mỗi tập, họ phải đối mặt nhiều thử thách khác nhau để đến được vạch đích.
Kịch bản sử dụng nhiều lời thoại hài hước nhưng không thực sự hiệu quả. Một số câu được viết đơn giản để phục vụ đối tượng trẻ em nên thiếu sự sâu sắc.
Bên cạnh đó, biên kịch cũng dành nhiều đất để phát triển nhân vật mới là Luthera. Suốt hành trình, tính cách nữ hiệp sĩ được khắc họa qua những đoạn hội thoại và câu chuyện cô kể lại cho Po. Hướng đi này vô tình khiến nhân vật chính bị lép vế.
Điểm trừ lớn nhất là Po gần như bị thay đổi hoàn toàn. Sau khi vượt qua nhiều thử thách, học nhiều bài học cuộc đời, chú gấu trúc trở lại với sự vụng về, ngô nghê như thể câu chuyện Kung Fu Panda (2008) chưa hề bắt đầu.
Dù lớn tuổi, nhân vật vẫn hành xử chẳng khác con nít. Đôi lúc, biên kịch ép Po trở nên khờ khạo để tạo tiếng cười nhưng lại làm cho nhân vật mất đi sự duyên dáng vốn có.
Ngoại trừ nhân vật chính Po và Ngỗng Ping (James Hong) - cha Po, tác phẩm cũng vắng mặt loạt nhân vật quen thuộc của thương hiệu.
Ngỗng Ping (James Hong) là nhân vật quen thuộc xuất hiện bên cạnh Po. |
Sư phụ Shifu hay nhóm Furious Five - gồm Đại sư tỷ Hổ Nương (Tigress), sư tỷ Mãng xà (Viper), sư huynh Sếu (Crane), sư huynh Bọ ngựa (Mantis), sư huynh Hầu (Monkey) - đều không xuất hiện.
Điều này khiến series chưa tạo được cảm giác thân thuộc với khán giả yêu thích Po qua các bản điện ảnh.
Jack Black là điểm sáng
Điểm cộng là series vẫn giữ được thế mạnh ở phần hình ảnh. Đồ họa 3D vi tính giúp thế giới trong phim hiện lên sống động, nhiều màu sắc.
Xuyên suốt phim, tạo hình các nhân vật phụ được chăm chút, dù là nhím, hưu, khỉ đột hay sư tử… Bối cảnh cũng luân phiên thay đổi từ sông núi đến sa mạc, giúp người xem đỡ nhàm chán.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng không sai lầm khi mời Jack Black lồng tiếng cho bản truyền hình.
Thương hiệu Kung Fu Panda khó thành công nếu thiếu tài tử sinh năm 1969. Giọng nói mạnh mẽ nhưng hài hước của anh là yếu tố quan trọng giúp chú gấu Po trở nên gần gũi với người xem.
Phần hình ảnh đẹp và giọng lồng tiếng của Jack Black là điểm cộng. |
Từng nhiều lần lồng tiếng nhân vật, Jack Black không gặp bất kỳ khó khăn. Tài tử vẫn mang đến cho khán giả không khí vui vẻ và cảm giác thoải mái khi thấy Po.
Ngoài Jack Black, thương hiệu Kung Fu Panda từng gây chú ý khi thu hút hàng loạt ngôi sao tham gia lồng tiếng như Angelina Jolie, Dustin Hoffman, Seth Rogen, Lucy Liu... Sự phối hợp nhịp nhàng của các diễn viên giúp loạt phim trở nên hấp dẫn hơn.
Trong bản phim 2022, ngôi sao duy nhất đứng cạnh Jack Black là Rita Ora. Dù lần đầu lồng tiếng, nữ ca sĩ vẫn thể hiện được nhiều sắc thái, mang lại cảm xúc cho nhân vật Luthera.
Màn phối hợp ăn ý giữa Jack Black và Rita Ora là điểm sáng của phim. Tuy nhiên, sau những tiếng cười, phim chưa tạo được câu chuyện sâu sắc, mang nhiều ý nghĩa.
Đánh giá của khán giả xem phim là 6.0/10 điểm trên IMDb. Phần lớn ý kiến cho rằng đội ngũ biên kịch khiến độ uy tín của thương hiệu Kung Fu Panda giảm sút.
Sau 11 tập, tác phẩm khép lại bằng một cái kết dễ đoán, không để lại nhiều bất ngờ cho người xem.
Series là lựa chọn phù hợp với đối tượng trẻ em, những người chưa từng xem qua loạt Kung Fu Panda trước. Hướng tới thị trường thiếu nhi có lẽ cũng là nước cờ của nền tảng này trong thời gian tới.