Vào một buổi tối mùa đông lạnh giá, Xiaoyue (28 tuổi) cùng vợ trở về căn hộ ở Bắc Kinh sau khi ăn tối. Tuy nhiên, họ bất ngờ gặp vợ chồng chủ nhà đang đứng trước cửa nhà và thay ổ khóa.
Do Xiaoyue chưa trả tiền thuê nhà trong nhiều tháng, người chủ yêu cầu họ lập tức rời khỏi căn hộ. Vợ chồng Xiaoyue không khỏi choáng váng.
Anh cho BBC biết mình đã đóng tiền nhà đầy đủ, đôi khi trả 1 lần 6 tháng. Không rõ lý do người chủ nhà chưa hề nhận được đồng nào.
Hàng nghìn thanh niên Trung Quốc là khách hàng của Danke bất ngờ mất chỗ trú thân. Ảnh: Yan Cong/Bloomberg. |
Xiaoyue và chủ cho thuê nhà đều là nạn nhân của Danke Apartment - ứng dụng cho thuê nhà tại các khu đô thị Trung Quốc.
Tưởng chừng sẽ đem lại sự thay đổi lớn trong xã hội, Danke lại phơi bày sự bấp bênh của những lao động trẻ xứ tỷ dân lên thành phố làm việc.
Hàng nghìn thanh niên Trung Quốc bất ngờ mất chỗ trú sau 1 đêm. Một số buộc phải ra đường giữa mùa đông lạnh giá, thậm chí có người chọn cách tự sát.
Không nơi trú thân
Danke Apartment từng được coi là một trong những công ty khởi nghiệp triển vọng nhất của Trung Quốc.
Khi lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2015, nó lập tức gây tiếng vang lớn đối với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp và chuyên gia trẻ tuổi muốn chuyển đến các thành phố lớn để lập nghiệp.
Ứng dụng cam kết cung cấp cho họ các căn hộ với giá cả phải chăng tại những siêu đô thị như Thượng Hải, Bắc Kinh hay Quảng Châu - nơi mà bất động sản vô cùng đắt đỏ.
Danke, có nghĩa là “vỏ trứng” trong tiếng Trung, có mô hình kinh doanh rất đơn giản. Công ty thuê dài hạn căn hộ từ chủ nhà và cải tạo chúng, sau đó cho khách hàng thuê lại từng phòng hoặc cả căn hộ theo nhu cầu.
Hình ảnh quảng cáo một căn hộ cho thuê của Danke. Ảnh: Danke Apartment. |
Tuy nhiên, có vẻ như Danke Apartment thực sự gặp rắc rối trong những tháng gần đây, bất chấp việc nó bác bỏ thông tin đã phá sản.
“Chúng tôi không phá sản, cũng chẳng bỏ trốn! Đừng tin những lời đồn đại!”, công ty tuyên bố trên tài khoản Weibo chính thức vào tháng 11/2020.
Khi thị trường cho thuê nhà hạ nhiệt trong thời gian đại dịch Covid-19, công ty bị cáo buộc ngừng trả tiền cho chủ nhà, dù họ vẫn thu tiền của khách hàng từng tháng. Đó là nguyên do khiến các chủ nhà thẳng tay đuổi người thuê.
Thế nhưng, những khách thuê căn hộ cũng từ chối rời đi, cho rằng họ có quyền ở lại vì đã nộp đầy đủ tiền. Thậm chí, có người đã trả hẳn 1 năm tiền thuê nhà cho Danke để được nhận ưu đãi chiết khấu.
“Chủ nhà muốn hủy hợp đồng với Danke, đuổi vợ chồng tôi đi và cho người khác thuê lại. Nhưng hợp đồng giữa tôi và công ty đó vẫn còn hiệu lực”, Xiaoyue nói.
Cuối cùng, anh và chủ nhà quyết định chấm dứt mọi thỏa thuận liên quan đến Danke và ký một hợp đồng mới với nhau thông qua một đại lý bất động sản khác. Chàng nhân viên ngân hàng tự cho mình còn may mắn hơn nhiều người vì không bị đuổi ra khỏi đường.
“Tôi chỉ là một lao động trẻ tuổi. Tôi không có khả năng hay đủ lực để đâm đơn kiện và tìm cách lấy lại tiền”, anh chia sẻ.
Mức giá bất động sản ở các siêu đô thị thường quá khả năng chi tiêu của nhiều bạn trẻ. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng được như Xiaoyue. Kể từ tháng 11/2020, nhiều bài đăng trên Weibo chia sẻ những cách khác nhau mà khách thuê từ Danke bị chủ nhà ép phải rời đi, đính kèm các hashtag như “vỏ trứng vỡ tan” hoặc “Danke đã hoàn tiền cho chúng tôi chưa”.
Một cô gái cho biết chủ nhà xông vào phòng và ném đồ đạc cá nhân của cô. Một số khác nói rằng họ bị cắt điện, nước đột ngột hoặc phải đối mặt với dân xã hội đen.
Do bị đuổi đi đột ngột, nhiều bạn trẻ phải ngủ tạm trong các cửa hàng đồ ăn nhanh để tránh cái rét mùa đông trong khi cố gắng tìm nhà ở thay thế.
Tháng 12/2020, Zhong Chunyuan (20 tuổi) thậm chí phóng hỏa căn hộ Danke của mình ở phía nam thành phố Quảng Châu trước khi nhảy lầu tự tử. Một hashtag liên quan đến cái chết của chàng trai này được xem hơn 250 triệu lần và tạo ra 42.000 bài đăng liên quan.
Mẹ của Zhong cho biết con trai kể với bà rằng chủ nhà đuổi cậu đi với lý do “người môi giới cầm tiền thuê chạy mất rồi”.
“Bất kể lý do gì, Danke Apartment phải chịu trách nhiệm cho cái chết của em trai tôi”, anh trai Zhong tuyên bố. Gia đình anh đang xem xét việc kiện cáo công ty.
Giá để mua một căn hộ bình thường ở Thâm Quyến gấp 43,5 lần mức lương trung bình hàng năm của một cư dân. Ảnh: Bloomberg. |
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết
Các chuyên gia phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng Danke đã bộc lộ điểm yếu, sự bấp bênh của hàng trăm nghìn thanh niên Trung Quốc chuyển đến các thành thị mỗi năm để tìm cơ hội việc làm tốt.
"Dịch chuyển lao động ở bộ phận giới trẻ Trung Quốc là phổ biến, nhưng nhiều người trong số họ không có khả năng chi trả cho thị trường bất động sản tại các thành phố lớn. Đó là lý do xảy ra nhu cầu lớn trong việc tìm kiếm căn hộ có giá thuê hợp lý”, Kevin Tsui, Phó giáo sư ngành Kinh tế ở Đại học Clemson, nói với BBC.
Để khuyến khích khách hàng tham gia, Danke hứa sẽ chiết khấu nếu họ trả trước 1 năm tiền thuê nhà bằng cách vay tiền từ WeBank - ngân hàng đối tác được hỗ trợ bởi “gã khổng lồ công nghệ” Tencent.
Các chuyên gia cho biết Danke đã mở rộng mô hình vay nợ quá mạnh và nhanh. Chỉ trong 5 năm, công ty đã có mặt tại 13 thành phố lớn, với số lượng căn hộ tăng từ 2.400 lên hơn 415.000. Tháng 1/2020, công ty được niêm yết trên Sàn chứng khoán New York, huy động được 149 triệu USD.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu sụp đổ khi virus SARS-CoV-2 tấn công và mọi thành phố phải đóng cửa. Thời điểm đó, không có đủ người thuê mới tham gia chương trình để duy trì dòng vốn của công ty.
Denka đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tài chính của giới trẻ. Ảnh: Getty. |
“Công ty chắc chắn thất bại về mặt tài chính, nhưng tác động của nó thậm chí còn tồi tệ hơn nếu đứng từ góc nhìn xã hội. Công ty đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của rất nhiều thanh niên”, Edith Yeung, đối tác tại công ty đầu tư Race Capital, cho biết.
Phó giáo sư Tsui nói thêm: “Giới trẻ đã quá quen với các sàn thương mại điện tử, nhưng đồng thời có quá ít kinh nghiệm trong thế giới tài chính. Đó là lý do tại sao họ là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong những tình huống như thế này”.
Tháng 12/2020, WeBank cam kết sẽ miễn trả lãi và gia hạn khoản vay cho khách hàng của Danke đến cuối năm 2023.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang điều tra Danke Apartment vì các vấn đề liên quan đến dòng tiền, đồng thời đưa công ty mẹ của nó vào danh sách đen “tín dụng xã hội" của chính phủ.
Tuy nhiên, điều đó không đủ để an ủi khách hàng của Danke. Những người này cho biết trong thời gian gần đây, họ gặp khó khăn khi đăng nhập vào ứng dụng Danke trên điện thoại vốn chứa nhiều thông tin cá nhân của họ. Ngoài ra, đường dây nóng của công ty cũng không ai bắt máy.
“Ngay cả khi bước sang năm mới rồi, chúng tôi vẫn chưa thể tiễn biệt cái vấn đề rắc rối này được”, một người thuê cho biết.