Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ luật học sinh theo thông tư cách đây 27 năm: Cũ và rối

Nhiều nội dung lạc hậu của thông tư 08 về khen thưởng và kỷ luật học sinh (HS) được Bộ GD-ĐT ban hành từ cách đây 27 năm, đang được các trường phổ thông sử dụng.

Giám thị là một nghề vất vả và không thể thiếu tại các trường phổ thông để giữ nề nếp kỷ luật nhà trường và quản lý các hoạt động của HS. Trong ảnh: Giám thị một trường THCS đang quan sát lớp học - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Căn cứ thông tư 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục về hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật HS” là đề dẫn của tất cả các văn bản quyết định kỷ luật HS phổ thông hiện nay. Trong đó có các quy định như đuổi học nếu sử dụng vũ khí như… lưỡi lê, súng lục, lựu đạn để đánh nhau...

Tuy nhiên, trên thực tế, các trường khó có thể sử dụng các điều của thông tư này vào việc quản lý, kỷ luật HS, bởi nó đã quá cũ, lạc hậu và không còn phù hợp với những đổi thay mạnh mẽ của giáo dục suốt gần ba thập niên vừa qua.  

Xử lý yếu xìu

Cho chúng tôi xem tệp bản gốc thông tư 08 dài 20 trang trên nền giấy cũ đã bạc, chữ đã mờ, hiệu trưởng một trường THPT quận 5, TP HCM cho biết, trải qua hơn 30 năm làm giáo viên và nhà quản lý, ông là người trực tiếp sử dụng thông tư này từ ngày đầu được ban hành.

Thông tư hướng dẫn cụ thể bảy mức khen thưởng và năm mức kỷ luật, trong đó phần kỷ luật lần lượt là khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.

Thầy cho biết: “Năm học 1987 - 1988 bộ ban hành thông tư 08, ngày đó tập thể xuất sắc thì được biểu dương và tặng giấy khen “Tập thể HS xã hội chủ nghĩa”. Sau 27 năm, đây vẫn là văn bản duy nhất các trường dựa vào để thi hành việc kỷ luật HS. Tuy nhiên, những điều trong thông tư đã quá cũ, trong khi quan điểm giáo dục, tâm lý HS, hoạt động nhà trường đã thay đổi quá nhiều. Một số quy định yếu xìu, không đủ sức răn đe HS, trong khi một số quy định khác lại khó thực hiện do không phù hợp thực tế hoặc dư luận xã hội không đồng tình cách kỷ luật này nữa”.

Cụ thể, thông tư quy định: HS được khen trước lớp nếu hăng hái tham gia các buổi lao động của trường như đi đúng giờ, mang đầy đủ dụng cụ, làm việc năng suất...

Trên thực tế, việc nhà trường tổ chức cho HS lao động hiện nay rất hiếm, đặc biệt là ở các thành phố lớn. HS chỉ được yêu cầu lao động vào dịp hè khi hạnh kiểm chưa đạt nhưng cũng chỉ là kiểu lao động... làm cho có.

Hình thức cho HS đi lao động đã mai một từ lâu vì hầu hết các trường đều có bộ phận vệ sinh và quản lý dụng cụ lao động, HS (nhất là ở thành phố) hiếm khi được tổ chức đi lao động vì bị gánh nặng sách vở, chương trình.

Về hình thức kỷ luật, thông tư hướng dẫn khiển trách trước lớp với những HS nghỉ học ba buổi không xin phép, nói tục, đánh bạc, hút thuốc lá, cảnh cáo trước toàn trường với các sai phạm như cướp giật...

"Đuổi học là hình phạt nặng và có chiều hướng tiêu cực trong quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT nhưng ngoài hình phạt này, những hình thức kỷ luật khác lại quá nhẹ, không có tính răn đe, giáo dục và cũng không phù hợp thực tế hiện nay".

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG 
(đại diện Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội)

Nhiều hiệu trưởng góp ý hình thức khiển trách trước lớp là quá nhẹ đối với những lỗi này, đặc biệt là nội quy riêng của các trường tư đưa ra mức kỷ luật nặng hơn nhiều vì đây là những lỗi khá nghiêm trọng liên quan đến đạo đức HS.

 

Mặt khác, các trường đều có bộ phận giám thị quản lý học sinh nên khi học sinh vắng không phép là liên lạc ngay với gia đình chứ không chờ HS nghỉ không phép đến ba lần trong tháng như thông tư hướng dẫn.

Thầy Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng trường tư thục THPT Nhân Việt (TP HCM), nêu ý kiến: “Ở các trường tư thục, do đặc thù nội trú nên việc quản lý, giáo dục đạo đức HS rất nghiêm ngặt. HS nghỉ học không phép nhiều buổi thì nhà trường phải báo với phụ huynh và làm việc với HS để có mức xử lý thích hợp chứ không thể chỉ khiển trách trước lớp theo thông tư.

Tương tự, với những lỗi như hút thuốc, đánh bạc hay quay cóp cần có mức kỷ luật cao hơn. Do vậy các trường tư thường có nội quy riêng để chiếu vào đó mà xử lý HS, còn với những sự việc phức tạp thì lập hội đồng kỷ luật để tìm cách uốn nắn HS chứ không thể chỉ căn cứ những hướng dẫn của thông tư 08”.

Không còn phù hợp

Theo một số giáo viên THPT ở Hà Nội, có rất nhiều lỗi phổ biến của HS như nói xấu thầy cô, bạn bè, cha mẹ trên Facebook, ẩn danh để xuyên tạc, bịa chuyện, “chửi hội đồng”, lập bè phái, nói tục, chơi games, đánh bài, trao đổi chất kích thích, vi phạm an toàn giao thông, cá độ, quay clip đánh nhau tung lên mạng... nhưng việc tìm hiểu và xử lý đều rất khó.

Những hình phạt như khiển trách trước lớp, trước trường của thông tư gần như không có tác dụng trong trường học hiện nay với muôn hình vạn trạng lỗi vi phạm của HS thời hiện đại.

Cô Hà Thanh, người có nhiều năm được giao phụ trách giáo dục HS tại Trường THPT Trương Định (Hà Nội), chia sẻ: “Hiện các trường đều thực hiện điều lệ trường trung học, trong đó cũng có quy định về kỷ luật HS nhưng quy định này vẫn bám vào thông tư 08 đã ban hành gần 30 năm trước, với các mức kỷ luật quy định khá chung chung. Vì thế, mỗi nhà trường cần có bộ quy định xử lý kỷ luật riêng cùng các biện pháp giáo dục đi kèm với hình phạt.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường quan tâm việc này một cách thấu đáo nên có trường xây dựng được hệ thống quy định cụ thể, có trường thả nổi việc này, cho đến khi xảy ra vấn đề của HS thì mới mang thông tư 08 ra áp dụng nên gặp nhiều bất cập”.

Theo lãnh đạo trường THPT Trương Định, việc HS mắc lỗi đến mức phải đuổi học không nhiều, nhưng những lỗi nhẹ thì phổ biến, trong khi các lỗi này lại khó chế tài xử lý nếu áp dụng thông tư 08.

“HS THPT lo chạy theo việc học để thi cử vào cuối cấp, thi đại học nên thầy cô giáo cũng chủ yếu cuốn vào việc dạy chữ mà sao nhãng, hoặc “tha bổng” cho HS nhiều sai sót. Điều này cũng do quy định về xử phạt HS không còn phù hợp và không được giám sát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc từ các cấp quản lý giáo dục” - một phụ huynh nhiều năm làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ở Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) nhận xét.

“Sở dĩ thông tư 08 trở nên lỗi thời vì hiện nay tâm sinh lý HS thay đổi và hành vi ứng xử cũng thay đổi theo. Ban hành cách đây đã lâu nên thông tư không cập nhật kịp những biến đổi của hành vi vi phạm của HS. Các em có tâm lý đám đông, sử dụng Internet và mạng xã hội để nói xấu người khác hay tụ tập, kích động, đánh nhau, quay video clip rồi tung lên mạng để nổi tiếng. HS của tôi từng hỏi thầy chuyện HS xăm mình có bị cấm không.

Ngoài ra, việc HS vi phạm luật giao thông, đi xe phân khối lớn, dùng các chất kích thích mới như thuốc gây ảo giác, shisha và cả vai trò của phụ huynh trong việc con mình bị kỷ luật thì bộ quy định như thế nào, cần có hành lang pháp lý để nhà trường dựa vào đó mà quản lý, kỷ luật và giáo dục HS” - thầy Hồ Hoàng Minh, hiệu trưởng trường THPT Trí Đức, TP HCM, nêu quan điểm.

Khen chê trước lớp đã hết thời

Những hướng dẫn về việc khen, chê HS trước lớp của thông tư 08 trước đây là sự khích lệ hoặc nhắc nhở để HS ngày càng tiến bộ, tuy nhiên với môi trường học đường ngày nay thì hình như thông tư đã… hết thời.

Hiện nay tỉ lệ HS đạt học lực khá giỏi ngày càng cao, việc khen thưởng dần mất đi ý nghĩa ban đầu. Trước đây, những HS đạt danh hiệu HS khá hay HS giỏi thật sự ít và là tấm gương cho các bạn phấn đấu noi theo.

Bây giờ, cứ đến cuối học kỳ là nhà trường gửi giấy khen về cho giáo viên phát tại lớp. Quà thưởng do chính lớp tự chuẩn bị, em nào cũng có phần. Thành tích chung đã khiến biện pháp giáo dục bằng cách khen thưởng trở nên đại trà.

Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm thường tận dụng tiết sinh hoạt hằng tuần để triển khai các công việc của trường, phát sổ sách giấy tờ liên lạc, hối thúc đóng học phí…

Thầy cô có quá nhiều áp lực trong việc quản lý lớp, công tác thi đua, chuyên môn nên không còn nhiều thời gian dành cho HS những lời khen công khai, tích cực trước lớp.

Đồng thời áp lực bài vở cũng khiến các em không còn quá chú ý đến những lời khen bằng lời nói trước lớp nữa. Điều đó dẫn đến thực tế hiện không còn hồ sơ khen thưởng trước lớp như thông tư quy định nữa.

Việc khiển trách HS trước lớp cũng không được coi là biện pháp kỷ luật nữa, hầu như tuần nào các em cũng bị nhắc nhở vì thành tích chung của lớp.

Và những lời khiển trách thường diễn ra bột phát trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, ít khi được giáo viên trao đổi trước với ban cán sự lớp hay cán bộ chi đoàn, cũng như báo cáo hiệu trưởng sau đó như thông tư 08 đã nêu. 

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150420/cu-va-roi/736346.html

Theo Lưu Trang - Vĩnh Hà - Thanh Châu/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm