Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ lục tái thông mạch não cho 6 bệnh nhân đột quỵ chỉ trong một ngày

Từ 7h đến 22h ngày 29/5, nhóm bác sĩ của khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đã điều trị tái thông mạch não thành công cho 6 bệnh nhân.

Đây là con số kỷ lục về số lượng ca điều trị nhiều nhất trong một ngày và dẫn đầu trong hệ thống y tế toàn quốc. Không những thế, thời gian điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân đột quỵ được mở rộng đến 24 giờ sau đột quỵ, trong khi bình thường là 6 giờ.

Kỷ lục về số lượng bệnh nhân điều trị đột quỵ

Sau hơn 10 tiếng nhập viện, bệnh nhân đột quỵ Nguyễn Thị Tú (53 tuổi) đã có thể vận động tay chân một cách bình thường, tinh thần hoàn toàn minh mẫn. Theo các bác sĩ, khi được đưa vào cấp cứu tại khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân đã liệt nửa người không thể nói được, mê man do đột quỵ khi đang ở nhà.

cap cuu dot quy anh 1
Bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống.

Chị Hoàng Thanh Hậu - người nhà bệnh nhân - cho hay sáng 29/5, sau khi đi vệ sinh xong, bà Tú không cử động, đứng lên được, tay phải và chân phải yếu liệt, hầu như không cử động được và có cảm giác tê. Người nhà đo huyết áp thấy tăng cao liên tục và đã đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị lấy huyết khối tái thông mạch não kịp thời và bệnh nhân may mắn qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân Tú chỉ là một trong 6 bệnh nhân được nhóm các bác sĩ điều trị đột quỵ của khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, tái thông mạch chỉ trong một ngày 29/5, lập kỷ lục về số lượng bệnh nhân điều trị nhiều nhất trong một ngày và dẫn đầu trong hệ thống y tế toàn quốc.

Thông thường, khoa Cấp cứu A9 trong một ngày chỉ thực hiện được 1-2 ca tái thông mạch. Thời gian có thể thực hiện thành công không để lại biến chứng tối đa khoảng 6 giờ kể từ khi bệnh nhân bị đột quỵ.

PGS.TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Điều khác biệt đối với các nơi hiện nay là duy nhất tại Bệnh viện Bạch Mai áp dụng các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật lấy huyết khối từ các nước tiên tiến trên thế giới”.

“Hiện nay, chúng tôi mở rộng thời gian điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân đột quỵ có thể tới 24 giờ. Đó là điều khác biệt mà chưa có bệnh viện nào ở nước ta làm được kỹ thuật này", bác sĩ Tôn nói.

Thành công này có được là nhờ sự phối hợp và triển khai nhịp nhàng giữa khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, giữa chẩn đoán chính xác và triển khai tái thông mạch nhanh. Chính vì vậy, đơn vị này đã có 6 ca được tái thông mạch thành công, trong đó có những ca đã qua 6 giờ, thậm chí đã sau 16 giờ.

Theo các bác sĩ, việc tái thông mạch thành công ở giai đoạn sau đột quỵ dài quá 6 giờ sẽ mở ra cơ hội sống khỏe mạnh không để lại di chứng cho nhiều bệnh nhân mắc đột quỵ.

cap cuu dot quy anh 2
Một bệnh nhân đột quỵ được tái thông mạch thành công chỉ sau vài giờ. Ảnh: Sức khỏe Đời sống.

Cảnh giác nguy cơ làm đột quỵ khởi phát

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này là nơi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ lớn nhất khu vực miền Bắc. Một nhóm bác sĩ đột quỵ thường xuyên cập nhật các ca bệnh và trao đổi với nhau liên tục thông qua Viber để giải quyết một cách nhanh nhất các ca bệnh nhập viện.

Chuyên gia này cũng chỉ rõ các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ, trong đó điển hình là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì. Những người mang yếu tố nguy cơ này thì khi gặp điều kiện thuận lợi dễ làm các yếu tố nguy cơ khởi phát và gây đột quỵ.

Bác sĩ Chi cảnh báo đột quỵ không chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng bị bệnh này nếu không có ý thức kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ nói trên.

Căn bệnh này có các dấu hiệu điển hình là méo miệng, tê bì, yếu liệt chân tay, nói khó,… Do đó, một người có các dấu hiệu như trên cần được đưa đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian. Chính vì vậy, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế uy tín có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để được khám tư vấn và điều trị kịp thời, tận dụng "thời gian vàng" của não, tránh đột quỵ não gây di chứng nặng nề.

Để phòng bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày), giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì, hạn chế rượu bia, tránh hút thuốc lá. Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị đái tháo đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.

Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay,… làm mất “thời gian vàng” điều trị mà cần đưa đi cấp cứu ngay giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế.

Nắng nóng gay gắt dễ dẫn tới nguy cơ đột quỵ Thời tiết nắng nóng rất dễ dẫn tới nguy cơ đột quỵ, đặc biệt với những người bị tăng huyết áp, mắc bệnh tiểu đường, tim mạch.


https://suckhoedoisong.vn/ky-luc-tai-thong-mach-nao-cho-6-benh-nhan-chi-trong-mot-ngay-n158375.html

Theo Dương Thiên / Sức khỏe và Đời sống

Bạn có thể quan tâm