Tuy chỉ kéo dài 2 ngày, ngày hội khinh khí cầu trong khuôn khổ Festival Huế đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khách tham quan lẫn những phi công tham dự.
Chuẩn bị kỹ càng
Tham dự sự kiện khinh khí cầu quốc tế tại Festival Huế lần này là 9 đội bay đến từ Hà Lan, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines và đội chủ nhà Việt Nam. Do lần đầu tiên bay tại Việt Nam, nhóm 2 phi công khinh khí cầu người Hà Lan đã đến Huế từ rất sớm để có buổi bay khảo sát tại sân Hàm Nghi.
Phi công thực hiện kiểm tra thiết bị, chuẩn bị cho chuyến bay chính thức. |
“Khảo sát là khâu quan trọng nhất, bao gồm khảo sát địa điểm và thời tiết, đặc biệt là hướng gió”, phi công Wout Bakker cho biết. Ngoài ra, việc chọn lựa và chuẩn bị nhiên liệu LPG (khí hóa lỏng) tốt nhất cho khinh khí cầu, công tác hậu cần phục vụ các đội bay trong sự kiện cũng phải đáp ứng đúng chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho các chuyến bay. Phi công này cho biết thêm, đội cảm thấy may mắn khi đồng hành trong sự kiện này là Tập đoàn Total - đơn vị từng có kinh nghiệm tài trợ nhiều sự kiện khinh khí cầu lớn trên thế giới. Bởi vậy, mọi quy chuẩn an toàn đều được đảm bảo khắt khe.
Công tác hậu cần tại sự kiện được triển khai chu đáo, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho các đội bay. |
Trải nghiệm cảnh quan tuyệt vời
Các phi công cũng cho biết, dù đã bay rất nhiều lần qua nhiều nơi nhưng cảm xúc với mỗi chuyến bay mỗi khác, phụ thuộc vào quang cảnh thành phố, đất nước, thời tiết. Với sự kiện lần này, cảnh quan cổ kính của kinh thành Huế đã khiến các phi công cảm thấy vô cùng thú vị.
Không gian rộng lớn của cố đô Huế nhìn từ trên cao. |
“Cảnh quan nơi đây nhìn từ trên xuống rất đẹp, thời tiết rất hoàn hảo. Thật tuyệt là lễ hội khinh khí cầu lần này nằm trong khuôn khổ Festival Huế. Tôi mong chờ đến lần bay tiếp theo tại Việt Nam”, phi công Hà Lan Wout Bakker nhận định. Phi công Sobri Saad đến từ Malaysia cũng phấn khích chia sẻ: “Thật tuyệt vời! Chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội được bay trên thành phố cổ như thế này. Nhìn từ trên cao, mọi thứ trông thật đẹp, một vẻ đẹp mang nét cổ kính hiếm thấy trong sự nghiệp bay khí cầu của tôi”.
Sau chuyến bay đầu tiên, các phi công vui vẻ chụp hình bên chiếc Airship được điều khiển từ xa. |
Những sự cố nhỏ đáng nhớ
Do đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với các quy tắc an toàn khắt khe, sự kiện khinh khí cầu quốc tế tại Huế đã diễn ra suôn sẻ. Chỉ có một sự cố nhỏ là phi công của Anh hạ cánh sai chỗ và mắc kẹt ở khu vực bụi rậm. Nhưng rất nhanh sau đó, khinh khí cầu đã được đội hỗ trợ giải cứu.
Các phi công cũng chia sẻ rằng những sự cố như vậy không hiếm. Phi công Malaysia Sobri Saad nhớ lại một kỷ niệm khó quên trong đợt bay tại Mũi Né, Phan Thiết: “Lúc đó gió rất mạnh, vừa cất cánh một lúc là khí cầu bị thổi bay ra giữa biển với tốc độ rất nhanh. Phi hành đoàn phía dưới không kịp giữ dây neo lại. Lúc đó tôi có 3 phương án: một là giữ nguyên độ cao và quan sát quanh đó thật nhanh xem có bãi đáp nào an toàn không; 2 là hạ độ cao và cầu cứu các thuyền trên biển, nhờ họ nắm dây neo và kéo vào bờ. Lựa chọn cuối cùng, trong trường hợp 2 phương án trên không khả thi, đó là hi sinh quả khí cầu hàng chục nghìn đô của mình và nhảy xuống biển thoát thân. May mắn thay khi gần đó có một bãi đất nhỏ của vịnh. Tôi chỉ cần điều chỉnh khí cầu bắt theo hướng gió đó là tới”.
Dù đã từng gặp phải tình huống nguy hiểm khi bay tại Mũi Né, Sobri Saad vẫn muốn được bay tại Việt Nam nhiều lần nữa. |
Trong sự kiện bay ngày 4/5 tại Huế, Wico, phụ tá của phi công Wout Bakker cũng đã có một trải nghiệm đáng nhớ: “Mọi thứ đều ổn và hoàn hảo cho buổi bay. Có điều lúc hạ cánh xong, chúng tôi gặp chút trục trặc về khâu vận chuyển do xe bán tải quá to, không thể đi vừa đường xá trong khu vực thôn quê. Vất vả lắm chúng tôi mới ra được đường chính. Trên đường ra, chúng tôi may mắn được quan sát cuộc sống của con người thôn quê nơi đây, thật giản dị và yên bình”.
Một khinh khí cầu hạ cánh trên con đường làng. |
Cảm mến phong cảnh, đất nước, con người và yêu những trải nghiệm tuyệt vời tại Việt Nam, các phi công đều muốn trở lại dải đất hình chữ S vào một ngày không xa.
“Tôi mong chờ lần bay tiếp theo ở đất nước này”, Wout Bakker thổ lộ. Trong khi đó, phi công Sobri Saad cũng khẳng định: “Tuy cùng là khu vực Đông Nam Á nhưng Việt Nam là một vùng đất còn khá mới mẻ đối với tôi. Những ấn tượng ban đầu các bạn để lại cho tôi rất tốt. Tôi chắc chắn sẽ trở lại”.