Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng: "Năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Điều này phù hợp với xu thế tuyển sinh của các nước trên thế giới: thi xong, có kết quả rồi mới nộp hồ sơ xét tuyển ĐH. Nhìn vào bản chất của kỳ thi như vậy, tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia đã thành công. Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế cần phải điều chỉnh và khắc phục".
Bốn nguyện vọng là sai lầm
- Hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: một bên cho rằng kỳ thi “thành công” trong khi chiều ngược lại nói rằng “thất bại hoàn toàn”. Là một người làm tuyển sinh lâu năm, ông đánh giá thế nào về kỳ thi này?
- PGS.TS Đỗ Văn Xê: Theo tôi, kỳ thi đã thành công về mục đích, cách tổ chức, chấm thi. Việc công bố điểm thi lúc đầu có trục trặc nhưng sau đó đã được khắc phục và quan trọng nhất là giấy chứng nhận kết quả đã đến được tay thí sinh - căn cứ pháp lý quan trọng nhất để xét tuyển ĐH.
Cụm thi địa phương lúc đầu cũng có nhiều ý kiến lo lắng nhưng kết quả đã phần nào phản ánh đúng thực lực thí sinh.
Trước đây, thí sinh đăng ký trường ĐH trước, dự thi sau, điều này khiến nhiều thí sinh chưa đánh giá đúng khả năng của mình nên nhiều khi thi đạt điểm cao nhưng lại không trúng tuyển do ngành đăng ký có nhiều thí sinh cao điểm hơn hoặc muốn thay đổi ngành học sau khi biết rằng điểm mình có thể vào được ngành đó nhưng không thể thực hiện được.
Năm nay thì khác, thí sinh biết điểm trước và có quyền lựa chọn ngành, trường phù hợp với khả năng của mình. Thí sinh có điểm càng cao, quyền lựa chọn càng lớn.
Kho dữ liệu chung của bộ cũng là một điểm thành công của kỳ thi năm nay khi các trường dựa vào đó để in giấy chứng nhận kết quả, xét tuyển. Tuy nhiên bộ cũng có sự chủ quan dẫn đến những rối rắm trong xét tuyển, thí sinh hoang mang, tốn kém cho xã hội. Do vậy, nếu nói rằng kỳ thi thất bại hoàn toàn là không đúng mà thành công hoàn toàn cũng có điểm chưa chính xác.
PGS-TS Đỗ Văn Xê. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
- Trong nhiều ngày qua, thí sinh và phụ huynh nháo nhào, mất ăn mất ngủ vì việc xét tuyển, nộp rồi rút hồ sơ và việc đi lại còn tốn kém hơn thi ĐH những năm trước. Liệu đây có phải là một “thất bại” của bộ không khi một trong những mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia là giảm áp lực, tốn kém cho xã hội?
Việc xét tuyển ĐH năm nay cũng như việc đi đò vậy, bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý. Nếu người rành, ngồi lên đò và bình tĩnh, đò sẽ không sao. Nếu người không rành sẽ bị chao qua chao lại.
Một người chao đảo dẫn đến nhiều người khác cũng lo lắng và chao đảo theo gây nên tình trạng hỗn loạn, đò sẽ bị chìm.
Việc nhốn nháo mấy ngày qua một phần cũng bắt nguồn từ tâm lý của thí sinh.
Về bản chất, việc xét tuyển nguyện vọng 1 năm nay cũng giống như các đợt xét tuyển bổ sung của kỳ tuyển sinh ĐH năm 2014 trở về trước.
Điểm khác là việc xét tuyển bổ sung những năm trước lượng thí sinh không nhiều, đa số thí sinh điểm cao đã trúng tuyển. Còn năm nay toàn bộ thí sinh tham gia xét tuyển nguyện vọng 1 (đợt 1) một lượt, lượng thí sinh lớn trong khi lại được đăng ký đến bốn nguyện vọng dẫn đến tình trạng ảo rất cao.
Quyết định sai lầm của bộ là cho thí sinh đăng ký đến bốn nguyện vọng, tạo ra thí sinh ảo khủng khiếp.
Thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ tại ĐH Công nghiệp TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Đăng ký trực tuyến thì tốt hơn
- Nên chăng cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến để giảm áp lực đi lại và chi phí cho thí sinh và phụ huynh? Để thực hiện điều này thì bộ và các trường cần phải làm gì?
- Dĩ nhiên là tạo điều kiện để có thể đăng ký trực tuyến thì tốt hơn làm thủ công. Chỉ cần nhìn vào kết quả mà Trường ĐH Cần Thơ (và một số trường ĐH khác) đang làm sẽ rõ. Thực chất thì khi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ kể cả những người đến nộp hồ sơ trực tiếp đều phải đăng ký trực tuyến.
Thí sinh nào biết sử dụng Internet thì tự vào trang web của trường đăng ký và lập phiếu đăng ký xét tuyển, em nào không biết làm thì khi đến trường nộp hồ sơ trực tiếp sẽ được SV tình nguyện hỗ trợ.
Khi thí sinh đã nộp hồ sơ trực tuyến rồi thì được gửi mật khẩu đến email cá nhân và khi cần chuyển ngành, thí sinh vào trang web của trường lập phiếu đăng ký mới rồi đóng tiền bằng cách nhắn tin bằng điện thoại di động theo số quy định thì việc đăng ký mới sẽ kích hoạt trong vòng vài giây. Không cần phải trực tiếp đến Trường ĐH Cần Thơ đăng ký chuyển ngành.
Tuy nhiên, thí sinh vẫn phải in phiếu đăng ký xét tuyển và gửi cho trường theo đường bưu điện để làm hồ sơ minh chứng. Việc làm hệ thống đăng ký online không khó, cái khó nhất là “có muốn làm hay không?”.
- Ông đánh giá kỳ thi đã thành công nhưng vẫn còn nhiều điều phải điều chỉnh để giảm áp lực cho xã hội. Theo ông, vấn đề mấu chốt cần phải thay đổi là gì?
- Việc tổ chức kỳ thi, duy trì kho dữ liệu chung là cần thiết và tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, để tránh ảo và các rắc rối phát sinh, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển.
Điều này sẽ giúp tránh ảo khi đăng ký xét tuyển. Thời gian mỗi đợt xét tuyển không cần thiết kéo dài 20 ngày gây tình trạng mệt mỏi mà chỉ nên gói gọn trong 10 ngày. Kết thúc, trường nào thiếu sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Bộ vẫn duy trì kho dữ liệu của mình nhưng không cần kiểm soát như năm nay, thí sinh chỉ có một giấy chứng nhận để xét tuyển nguyện vọng 1 nên không cần phải khóa dữ liệu của thí sinh, tạo nên những rắc rối không cần thiết. Việc xét tuyển nên để các trường tự chủ, sử dụng phần mềm của trường dựa vào dữ liệu từ kho dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT.
Cái ảo trong khi đăng ký xét tuyển tạo ra sự hoang mang
Chủ trương của bộ là đúng nhưng khi thực hiện có phần chủ quan. Việc phụ huynh hoang mang, ồ ạt đến các trường rút hồ sơ trong mấy ngày qua dẫn đến tình trạng nháo nhào xét tuyển có phần lỗi của cả ba phía: Bộ GD-ĐT, các trường ĐH và cả thí sinh.
Ngay từ đầu bộ đã chủ quan bằng phần mềm lọc ảo của mình nhưng phần mềm này hiện nay chưa chạy, chỉ chạy khi thí sinh hoàn tất nộp hồ sơ nên ảo rất lớn. Bộ đã không lường hết số lượng ảo khi nộp hồ sơ xét tuyển, không lường trước hết sự rắc rối.
Thêm vào đó, nhiều trường chưa làm hết trách nhiệm khi thống kê không rõ ràng, ảo theo ngành rất nhiều, không bố trí đủ nhân sự khiến thí sinh chờ đợi, chưa chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc xét tuyển. Trong khi đó phụ huynh, thí sinh cũng quá vội vàng khi rút hồ sơ. Chính cái ảo trong khi đăng ký xét tuyển tạo ra sự hoang mang.
Việc công khai và minh bạch thông tin xét tuyển nhiều trường thực hiện chưa tốt. Hiện nay Trường ĐH Cần Thơ và một số trường ĐH đã sử dụng phần mềm xét tuyển riêng, loại ảo các nguyện vọng và đưa ra con số chính xác thí sinh cũng như điểm số đến thời điểm hiện tại.
Căn cứ vào đó thí sinh sẽ biết chính xác khả năng của mình rồi quyết định có rút hồ sơ hay không. Nếu trường nào cũng làm như thế sẽ giảm được sự hoang mang của thí sinh và phụ huynh.
Hơn nữa, cách quy định về tên gọi của bộ cũng tạo ra sự hiểu lầm, rối rắm, đã xét nguyện vọng 1 rồi trong đó lại có nguyện vọng 1, 2, 3, 4.
Điều này khiến thí sinh hiều lầm rằng nguyện vọng 1 sẽ được ưu tiên hơn nguyện vọng 2 khi xét tuyển, nhưng thực tế điều này chỉ có giá trị với từng thí sinh. Khi xét tuyển, trường xét tuyển theo ngành căn cứ vào điểm số của thí sinh chứ không phân biệt đó là nguyện vọng 1, 2, 3 hay 4.