Kế hoạch về cụm thi tại TP HCM cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 đã có. Theo đó, tại TP HCM sẽ có 6 cụm thi do các trường ĐH chủ trì gồm ĐH Quốc gia, ĐH Nông Lâm, ĐH Y Dược, ĐH Sư phạm, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công nghiệp.
Thí sinh tỉnh lân cận có thể thi tại TP.HCM
Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn trong quá trình lấy ý kiến của các trường ĐH, các sở GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trong đó, vấn đề cụm thi là một trong những nội dung được quan tâm nhất.
Theo đó, Bộ GD-ĐT vừa có cuộc gặp với các trường được giao chủ trì tổ chức kỳ thi tại TP.HCM để rà soát năng lực tổ chức thi của các trường. Sau khi khảo sát năng lực tổ chức của các trường, dự kiến ĐH Quốc gia sẽ tổ chức thi cho 45.000 thí sinh, trường ĐH Nông Lâm: 30.000, trường ĐH Sư phạm: 30.000, trường ĐH Y Dược: 20.000, trường ĐH Công nghiệp: 25.000 và trường ĐH Tôn Đức Thắng: 25.000. Như vậy, dự kiến số lượng thi sinh dự thi tại TP.HCM là 175.000. Hai đơn vị được giao in sao đề thi là ĐH Quốc gia và ĐH Sư phạm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại điểm thi trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP .HCM. |
Hiện nay, chưa có thông tin thí sinh trường THPT nào sẽ đăng ký thi ở cụm nào. Việc phân luồng thi sinh vẫn phải đợi quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, theo thống kê, hằng năm, số người dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM chỉ khoảng 100.000-120.000, do đó với quy mô mà Bộ GD-ĐT giao cho các cụm thi tại TP.HCM, nhiều khả năng thí sinh các tỉnh lân cận không có các trường ĐH đủ năng lực tổ chức cụm thi như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… có thể đăng ký dự thi tại TP.HCM.
Nhiều lo lắng về khâu tổ chức
Theo đại diện một số trường ĐH tổ chức cụm thi tại TP.HCM, một trong những vấn đề lo lắng là địa điểm tổ chức thi (phòng thi) sẽ ra sao khi cùng lúc có 175.000 thí sinh dự thi tại nội thành và giá thuê phòng thi cũng là một trong những khó khăn mà các trường tổ chức cụm thi phải đối mặt. Một phần lo lắng này đã được giải tỏa khi Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ hỗ trợ các trường về việc bố trí địa điểm thi vì đây là kỳ thi quốc gia.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác được nhiều thí sinh và các trường ĐH quan tâm là đơn vị nào sẽ in giấy báo thi. Theo dự kiến, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tại trường THPT, sau đó các trường gửi dữ liệu về Sở GD-ĐT và sở sẽ in giấy báo thi chứ không phải các cụm thi.
Dữ liệu của thí sinh sẽ chuyển về cụm thi để các cụm bố trí phòng, số báo danh. Các trường ĐH tổ chức cụm thi sẽ huy động cán bộ coi thi, giáo viên chấm thi, in kết kết quả thi để gửi cho thí sinh lấy căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đại diện một cụm thi cho biết việc chấm thi trắc nghiệm tương đối thuận lợi nhưng chấm tự luận khá phức tạp nên việc huy động giáo viên chấm thi cần có sự hỗ trợ của Sở GD-ĐT TP HCM để giảm áp lực cho các trường.
Trước đây, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ là để cho các trường ĐH lấy thí sinh cho trường mình. Còn năm nay, việc các trường ĐH đảm trách tổ chức cụm thi là để cho thí ính có kết quả vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào nhiều trường ĐH, CĐ khác nhau nên một trong những vấn đề còn nhiều băn khoăn là kinh phí sẽ hoạch định thế nào cho các trường tổ chức cụm thi không bị thiệt thòi.
Theo đại diện một số trường, hằng năm, để tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường phải chịu lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ, do đó Bộ GD-ĐT cần xem xét công bố mức lệ phí thi hợp lý cho từng môn, đồng thời có sự hỗ trợ về mặt tài chính để các trường giảm lỗ.
“Chúng tôi phải xem thí sinh dự thi là của mình nên chấp nhận lỗ, tuy nhiên bộ phải tính toán để mức lỗ nằm trong phạm vi chấp nhận được để các trường có thể tổ chức tốt kỳ thi mà không quá nặng nề” - đại diện một trường ĐH tổ chức cụm thi đề nghị.