Nhiều bất cập
Dù đã nghỉ hưu nhưng GS Nguyễn Minh Hạc vẫn theo dõi sát tình hình giáo dục nước nhà, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia nhiều đổi mới. Với kỳ thi này, GS Nguyễn Minh Hạc ghi nhận Bộ GD&ĐT đã cố gắng triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, kỳ thi này đã “chệch” khỏi mục đích ban đầu: "Kỳ thi được thực hiện dưới hình thức gộp hai trong một. Kết quả thi vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, có đến 170 trường đại học, cao đẳng công bố phương án tuyển sinh riêng. Vậy, ghép hai thành một giờ lại... trở về hai. Mục đích ban đầu của kỳ thi hoàn toàn không đạt được” – GS Nguyễn Minh Hạc nói.
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Minh Hạc. Ảnh: Quyên Quyên. |
GS Hạc cho rằng, định hướng của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng không rõ rằng, hướng nghiệp còn nhiều thiếu sót. Bộ GD&ĐT không cho người dân thấy được nước ta có sự phát triển kinh tế như thế nào, ngành nào cần thiết, cần bao nhiêu nhân lực cho mỗi ngành nghề để phục vụ nguồn lao động.
Theo đánh giá chung của GS Phạm Minh Hạc, kỳ thi THPT quốc gia đã qua hơn nửa thời gian xét tuyển NV1 và lộ nhiều bất cập. Ông Hạc nhận định, đến ngày 20/8, các trường chưa chắc tuyển xong đợt 1 và những đợt tuyển nguyện vọng tiếp theo sẽ còn nhiều phức tạp.
"Có những thí sinh ba ngày chưa rút được hồ sơ, rất mệt mỏi. Tôi thương học sinh và phụ huynh phải đi thi và rút hồ sơ xa. Nếu một kỳ thi được tổ chức không khéo sẽ gây mệt mỏi cho thí sinh và ảnh hưởng uy tín của ngành giáo dục”, GS Nguyễn Minh Hạc chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, cho rằng, nói kỳ thi thất bại hoàn toàn là quá nặng nề. Tuy nhiên, kỳ thi còn nhiều bất cập và rắc rối trong việc xét tuyển nguyện vọng.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Quyên Quyên. |
Nên trao quyền tự chủ cho các trường
Sau khi nêu lên những bất cập, GS Phạm Minh Hạc đưa ra đề xuất các trường THPT tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp.
“Tại sao lại phải ghép 2-3 tỉnh vào một cụm thi? Tại sao cả nước chỉ có 38 cụm thi? Hãy để kỳ thi tốt nghiệp cho các trường THPT tự tổ chức. Họ có thể đào tạo thì cũng có thể tổ chức thi tốt nghiệp. Đề thi của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT sẽ quản lý thi nơi mình phụ trách. Học sinh thi tại trường mình học, giấy chứng nhận tốt nghiệp ghi rõ tên trường", GS Hạc nói.
Cũng theo nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ nên có tiêu chí về chỉ tiêu và giao cho các trường tự tuyển sinh sẽ đỡ tốn kém hơn. Các trường tuyển sinh theo nhu cầu của mình, cũng như chủ động trong đào tạo.
Đồng tình với nhận định trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, Bộ GD&ĐT cần tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường, sẽ bớt rắc rối như năm nay. Sự thực là các trường chưa được giao tự chủ hoàn toàn nên mới có những sự rắc rối nảy sinh như vừa qua.
Trước đó, trả lời báo chí, PGS Văn Như Cương khẳng định: "Kỳ thi này cùng với những đề án sau đó, sẽ thất bại một cách toàn diện. Nếu cứ tiếp tục thực hiện cách thức này cho các năm sau nữa thì nền giáo dục Việt Nam sẽ thất bại một cách thảm hại".
Trong khi đó, sáng 12/8, tại hội nghị trực tuyến với 6 điểm cầu trên cả nước, tổng kết năm học 2014-2015, triển khai nhiệm vụ 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thành công.
Bộ GD&ĐT nhận xét, kỳ thi THPT quốc gia được chuẩn bị chu đáo từ trung ương đến các địa phương, tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kết quả thi phản ánh tương đối đúng trình độ người học, làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét truyển sinh.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi này diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận những bất cập hiện nay trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 và sẽ có biện pháp để điều chỉnh hợp lý hơn.