“Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp 2020 thành 2 đợt trong bối cảnh hiện nay hiển nhiên tốn kém và vất vả, nhưng trên hết phải vì quyền lợi thí sinh. Phương án tổ chức kỳ thi hợp lý nhưng chúng ta phải có biện pháp phòng dịch an toàn”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.
“Một năm học lịch sử với kỳ thi đặc biệt”, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - mở đầu cầu câu chuyện với Zing khi nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/8.
Học sinh nghỉ 3 tháng vì dịch. Học online thay vì đến lớp bởi giãn cách xã hội. Đổi tên kỳ thi từ THPT quốc gia thành tốt nghiệp THPT. Hai lần lùi kỳ thi. Đà Nẵng, một số địa phương ở Quảng Nam và thành phố Buôn Ma Thuột của Đắk Lắk thi đợt hai.
Trước hàng loạt khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trở lại, TS Nguyễn Đức Nghĩa - chuyên gia có nhiều năm gắn bó công tác thi, tuyển sinh đại học - cho rằng chúng ta vẫn kiên định tổ chức kỳ thi vì quyền lợi của thí sinh trên cơ sở phòng, chống dịch an toàn.
- Sau năm học đặc biệt vì nghỉ dài ngày, giãn cách xã hội, học online, kỳ thi tốt nghiệp THPT được xem là lịch sử khi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhiều năm theo dõi kỳ thi này, ông thấy phương án tổ chức thi 2 đợt có hợp lý?
- Tình hình dịch bệnh làm khung thời gian năm học kéo dài, kỳ thi phải lùi lại, kéo theo hàng loạt cột mốc tuyển sinh đại học, cao đẳng thay đổi. Tên kỳ thi, theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung, cũng đổi từ THPT quốc gia thành tốt nghiệp THPT. Đề thi sẽ được tinh giản…
Ban đầu, Bộ GD&ĐT có phần lúng túng với việc tổ chức thi trong hoàn cảnh đặc biệt như năm nay. Một số phát biểu làm học sinh, lãnh đạo trường đại học, THPT có phần lo lắng.
Nhưng sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh đại học chính quy 2020, có thể thấy, kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, về cơ bản, thay đổi không nhiều so với kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Việc tổ chức kỳ thì thành 2 đợt (đợt một ngày 9-10/8) trong bối cảnh hiện nay hiển nhiên tốn kém và vất vả, nhưng trên hết vì quyền lợi thí sinh. Phương án tổ chức hiện nay hợp lý. Tất nhiên, chúng ta phải có biện pháp phòng dịch an toàn.
- Nhiều người lo ngại quyền lợi xét tuyển vào các trường đại học của thí sinh thi đợt hai sẽ bị hạn chế. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Các trường đại học phải tính toán và Bộ GD&ĐT cũng cần có sự điều chỉnh trong khâu xét tuyển đại học.
Các trường có thể căn cứ nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh để lại số chỉ tiêu tương ứng. Bộ GD&ĐT cũng có thể điều chỉnh mốc thời gian xét tuyển của trường đại học, chờ thí sinh thi xong đợt hai, có kết quả, để các em điều chỉnh nguyện vọng rồi cùng tham gia xét tuyển chung với những bạn thi đợt một.
Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là thành phố thực hiện giãn cách xã hội sau Đà Nẵng và một số vùng của Quảng Nam. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương sẽ kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 15-17/8. Khi không có thay đổi lớn, chúng ta nên tổ chức thi đợt 2 ngay khi kết thúc giãn cách ở các địa phương này.
Theo kịch bản đó, lịch xét tuyển đại học sẽ không bị xáo trộn nhiều. Thí sinh thi đợt 2 có thể cùng tham gia xét tuyển với những bạn thi đợt một, nếu Bộ GD&ĐT lùi mốc thời gian xét tuyển.
- Khác với THPT quốc gia, đại diện các trường đại học chỉ làm nhiệm vụ thanh tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Việc tổ chức thi ở địa phương, không có sự tham gia sâu của các trường đại học, liệu có ảnh hưởng sự nghiêm túc, khách quan của kỳ thi năm nay?
- Tôi rất lo lắng về việc này và có lẽ các trường đại học cũng rất băn khoăn. Những biện pháp răn đe, xử lý sai phạm của vụ gian lận thi cử năm 2018 chưa được thực hiện theo đúng quy chế và quá chậm.
Gian lận xảy ra năm 2018, đến năm 2020 vẫn chưa xử lý xong, tính chất răn đe có thể chưa cao. Một số người có tư tưởng và ý đồ gian lận để trục lợi cho cá nhân, đơn vị của mình.
Những năm 2015-2016, kỳ thi THPT quốc gia vẫn tồn tại cụm thi do các trường đại học chủ trì, song song những cụm thi do các sở GD&ĐT quản lý. Con số thí sinh bị kỷ luật ở 2 cụm thi này cũng giúp chúng ta hình dung về mức độ nghiêm túc của những cụm thi do địa phương chủ trì.
Số thí sinh bị nhắc nhở, cảnh cáo, đình chỉ thi ở những cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn hẳn. Con số này ở các cụm thi địa phương rất ít, thậm chí không có.
Do đó, năm nay, chúng ta phải tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
- Mỗi năm, kỳ thi THPT có những vấn đề về công tác tổ chức thi, đề thi, chấm thi và xét tuyển đại học. Vụ việc gian lận điểm thi năm 2018 là ví dụ điển hình. Có phải sự thay đổi liên tục khiến chúng ta khó kiểm soát được những khâu trên một cách hiệu quả?
- Những vi phạm nghiêm trọng quy chế thi có phần do các quy chế, quy định thi và xét tuyển thay đổi liên tục, dễ tạo lỗ hổng cho kẻ xấu gian lận.
Những thay đổi liên tục về công tác tổ chức thi và xét tuyển qua mỗi năm, theo tôi, năm sau tích cực hơn năm trước. Nhưng cũng chính thực tế trên cho thấy Bộ GD&ĐT chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa hình dung, lường hết những thay đổi của kỳ thi.
Từ năm 2015-2017, bộ có những thay đổi liên tục và rất mạnh đối với kỳ thi. Từ năm 2017, kỳ thi tương đối ổn định. Nếu không có sự kiện gian lận thi cử năm 2018, kỳ thi đã khá ổn định và hoàn thiện cho cả thí sinh và trường đại học.
Dù đánh giá lạc quan, tích cực về kỳ thi THPT quốc gia, nếu tiếp tục kỳ thi này (và kỳ thi tốt nghiệp THPT), bộ vẫn phải hoàn thiện ở mọi khâu.
- Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia sau 5 năm, ông đánh giá như thế nào, xét một cách toàn diện?
- Nếu đánh giá một cách toàn diện sau 5 năm (từ 2015 đến 2019), chúng ta thấy rằng kỳ thi THPT quốc gia ngày càng được hoàn thiện, nhất là từ năm 2017.
Nếu như không phải điều chỉnh theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1/7), tôi nghĩ kỳ thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ được thực hiện tiếp, mặc dù có sự gian lận về điểm thi ở một số địa phương phía Bắc năm 2018.
Nếu phải dùng đồ thị để miêu tả sự phát triển của kỳ thi, tôi vẫn nghĩ đồ thị có hướng đi lên, có thể là nhánh parabol hướng lên.
- 2020 là năm cuối cùng thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2021, kỳ thi này sẽ có nhiều thay đổi. Ông dự đoán việc này thế nào?
- Hiện tại, những chi tiết của kỳ thi năm 2021 vẫn còn là dấu hỏi vì Bộ GD&ĐT chưa công bố bất cứ thông tin, phương hướng nào. Thi trên giấy hay máy tính, có còn hệ thống đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học khi đăng ký thi không, bài thi quy về một đầu điểm hay mỗi môn thành phần một đầu điểm... hiện còn là câu hỏi.
Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung hiện hành quy định học sinh phải dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu chỉ để xét tốt nghiệp THPT, kỳ thi này có vẻ không cần thiết vì tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, tăng dần theo thời gian, có những năm tiệm cận 100%.
Nếu dùng kết quả kỳ thi làm cơ sở xét tuyển, các trường đại học vẫn chưa thấy được quyền tự chủ của mình trong tuyển sinh, do có quá nhiều quy định ràng buộc của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, tiêu cực trong chấm thi và xử lý kết quả thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018 đã làm toàn xã hội và các trường đại học nghi ngờ tính nghiêm túc và kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.
Như vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới cần được xem xét, điều chỉnh hết sức căn cơ, triệt để mới có thể đạt được mục tiêu xác định.
Bộ GD&ĐT cần công bố sớm định hướng và lộ trình thực hiện về chính sách, quy chế, kể cả khâu tổ chức, đề thi và định hướng trong xét tuyển để các trường đại học có thể điều chỉnh, thay đổi xét tuyển cho phù hợp.