Kỳ tích của cậu học trò không ngón tay
Nhìn con trai chào đời với hai bàn tay không ngón, vợ chồng anh Trần Ngọc Trí (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chỉ biết ôm nhau khóc, bởi ngày đó trong cái nghèo, nghĩ về tương lai của con chỉ thấy xa mù.
“Con muốn học các môn năng khiếu như các bạn”
Về trường vùng sâu THCS Kế Sách (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hỏi em Trần Trí Thức - lớp 6A1, không có ngón tay ai - cũng biết. Người ta biết đến em vì em là cậu bé đặc biệt, sinh ra chỉ có “một bàn tay rưỡi” và không có ngón tay. Mọi người càng quý mến em, bởi tinh thần vượt lên số phận hiếm ai có thể sánh bằng.
“Thức học rất giỏi. Không có ngón tay nhưng mọi hoạt động của trường em đều tham gia rất tốt, thậm chí siêng năng và nhanh nhẹn hơn các bạn bình thường”, cô Quách Thị Khả Trân - giáo viên chủ nhiệm của em - cho biết.
Bước tới cửa nhà, chứng kiến cảnh Thức đang mò mẫm giải toán trên Internet bằng hai cùi tay, mới phục tài. Tay trái của em chỉ có nửa bàn tay và một ngón cái, cánh tay phải thì gần như không có bàn tay, có đủ hình dạng 5 ngón tay, nhưng những ngón tay ấy chỉ là những cục thịt nhỏ... bằng hạt đậu.
Em Trần Trí Thức. |
Thấy có khách lạ, em dừng tay đi lấy nước mời khách uống, Thức nói: “Sắp tới kỳ thi giải toán trên mạng Internet do ngành giáo dục tổ chức, em phải ôn tập thường xuyên cho đôi tay mình nhanh nhẹn. Em muốn mọi người biết rằng em vẫn học tập và hoạt động như các bạn bình thường. Bây giờ, cùi tay em hoạt động thay cho các ngón tay của em”.
Sinh ra và lớn lên tại ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách. Mẹ là giáo viên trường Mẫu giáo An Mỹ (Kế Sách), cha chạy xe ôm. Cuộc sống gia đình gói gọn trong căn nhà khoảng 36m2 mà cha mẹ Thức đã vay ngân hàng xây cất.
Cô Nguyễn Thị Mỹ (mẹ Thức) kể cho chúng tôi nghe về ngày đầu tiên làm mẹ với giọng trầm buồn: “Ngày Thức chào đời, tôi muốn ngất lịm khi thấy con không có ngón tay. Tôi chỉ biết bồng cháu trong tay mà khóc. Nhiều người lại xem, cho đây là chất độc màu da cam, rồi xa lánh”.
Chú Trần Ngọc Trí (cha Thức) nhớ lại: “Thấy cháu không có ngón tay, tui cũng ngại cho cháu học các môn năng khiếu, thể dục. Khi cháu hỏi: Tại sao con không được học tất cả các môn như các bạn? Nghe con hỏi mà tim tôi quặn thắt, không biết nên trả lời thế nào, nên đành cho con học những gì nó thích. Điều làm tui ngạc nhiên là tất cả các sinh hoạt ở trường cháu đều làm được, kể cả xếp chăn, tắm rửa. Đặc biệt cháu rất thích vẽ. Nhiều bữa đi đón con, tôi được các cô mời ở lại để cùng xem tài viết chữ, vẽ tranh của cháu. Thật vui khi thấy con mình làm được như thế”.
Từ cây bút chì Thức có thể vẽ ra những đường nét ngộ nghĩnh, rồi đâm ra mê vẽ. Thấy con mê nên vợ chồng anh Trí quyết định dạy cháu học vẽ, học viết chữ. Có những ngày theo mẹ đến trường mầm non, trong khi mẹ lên lớp thì với một cây bút trong tay, em có thể vẽ theo ý thích của mình. Chỉ ít hôm, Thức đã vẽ tặng mẹ hình cô giáo đứng lớp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, khiến mẹ em không khỏi bất ngờ.
Theo lời cô Mỹ, do bẩm sinh nên lớn lên, mỗi khi cầm vật dụng gì Thức đều sử dụng hai tay theo phản xạ tự nhiên và làm việc gọn gàng. Ăn cơm, quét nhà, rửa chén, cầm bút Thức đều kết hợp đều đặn 2 tay của mình. Thời gian đầu em cầm bút không chắc lắm nên chữ viết nghuệch ngoạc, cô giáo không thể cầm 2 tay em để luyện từng nét chữ, nên Thức phải tự mình tập viết. Bây giờ nét chữ của Thức không chỉ đẹp mà em còn viết rất nhanh.
Giỏi việc học, đảm việc nhà
Bắt đầu đến tuổi đi học, Thức càng tỏ ra siêng năng chăm chỉ. Tập cách tự sinh hoạt, ăn uống mà không cần ai giúp đỡ. Thức khiến thầy cô, bạn bè yêu quý hơn khi suốt 5 năm học thành tích của em luôn đứng đầu lớp.
Em Tôn Ngọc Bảo Trân - bạn cùng lớp 6A1 - nói: “Bạn Thức học rất giỏi và thường hướng dẫn em những bài tập khó. Em rất quý bạn vì bạn có tài, nhiều khi tới ngày trực của bạn khác nhưng Thức vẫn làm giúp, cả lớp ai cũng quý và nể tinh thần vì mọi người của bạn”.
Thức kết hợp 2 cùi tay cầm phấn. |
Cô Mỹ kể, năm 4 tuổi Thức đã biết sử dụng máy vi tính. Năm đó, cô là kế toán của trường nên được trường cấp một máy vi tính. Trong lúc chị được giới thiệu học tại trường nghề bổ túc kiến thức kế toán, cũng là lúc Thức được tiếp cận máy tính và học cùng mẹ. “Không ai giữ con nên đi học tôi cũng dắt cháu theo, cháu học rất nhanh” - cô Mỹ hãnh diện.
Chú Trí chia sẻ: “Nhiều khi thấy cháu xỏ kim bằng hai cùi tay, rớt lên rớt xuống, mồ hôi chảy tràn cả mặt mà thấy thương con biết nhường nào”.
Cô Quách Thị Khả Trân - giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1 - cho biết, điểm bình quân của em luôn đạt từ 9 chấm trở lên. “Em luôn nằm trong top 10 học sinh giỏi nhất trường từ bậc tiểu học cho đến bậc THCS. Năm trước, Thức đoạt giải ba cấp huyện cuộc thi tiếng Anh qua Internet và vừa thi xong kỳ thi cấp tỉnh ở môn này, chưa có kết quả. Tôi rất tự hào vì lớp mình có học sinh học giỏi như em” - cô Trân chia sẻ.
Thức nói: “Em ước mơ sau này trở thành giáo viên dạy toán. Em sẽ cố gắng học thật tốt để ba mẹ và thầy cô vui lòng”. Nói xong, Thức xin phép đi học bài, chuẩn bị cho giờ lên lớp ngày mai. Nhìn hai cùi tay tật nguyền của em đưa qua, đưa lại với những dòng chữ xinh xắn, tròn trịa hiện lên trên trang giấy, tôi càng nể phục em hơn về một tấm gương hiếu học.
Thầy Lý Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kế Sách - cho biết: “Cuộc sống gia đình anh Trí khá vất vả, dù khó khăn nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng vượt lên, không để cho cậu con trai của mình biết nỗi buồn của cha mẹ. Bao nhiêu tình yêu thương anh chị dành tất cả cho con.
Sau khi Trí Thức ra đời, thấy con như vậy, anh chị quyết định không sinh đứa thứ hai, để chăm sóc con cho trọn vẹn. Riêng Thức, học kỳ vừa qua em đạt 9.5, là một trong 5 học sinh giỏi toàn trường. Thức là một học sinh 'nhất dương chỉ', xứng đáng là một tấm gương để các bạn noi theo”.
Theo Lao Động