Kỳ tích của cô gái xương thủy tinh
Cô gái xương thủy tinh (nặng 18kg và cao 80cm) Nguyễn Thị Thu Thương tâm sự về con đường để trở thành một "Anh hùng thầm lặng".
Thu Thương kết đèn bàn bằng cúc áo |
Có lẽ Thương sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người mẹ cặm cụi đạp máy may đến tận khuya để nhận được 2.000-3.000 đồng cho mỗi lần sửa một chiếc quần, chiếc áo của khách hàng, trong khi đó Thương cần cái gì là bố mẹ đều mua sắm cho đầy đủ, cả những thứ đắt tiền.
Một lần Thương ở trên tầng hai, bảo em gái bế xuống tầng một nơi mẹ đang ngồi đạp máy may, một người hàng xóm trông thấy liền hỏi: "Thương không ở trên đó, xuống đây làm gì? Xuống đây có làm giúp được cho mẹ đâu?". Mình đã òa khóc nức nở vì tủi thân, khóc như lần đầu tiên trong đời biết khóc vậy... Điều đó đã thôi thúc mình cần phải làm một điều gì đó có ích, cần biết tự nuôi sống bản thân. Và các sản phẩm thủ công của Thương đã lần lượt được ra đời!".
Sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo
Sinh năm 1983, trong một gia đình đông anh em và có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội, Thu Thương không may mắc phải căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, chỉ cần bất kỳ một va chạm mạnh nào cũng có thể khiến xương bị gãy, phải mất 2-3 tháng sau mới tự liền lại được. Do đó Thương phải tránh né bạn bè hay các cháu nhỏ vì sợ bị va chạm mạnh.
Chính vì vậy khi đến tuổi đi học, Thương không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Thương con, mẹ đã giảm bớt công việc đồng áng lại để dành thời gian dạy chữ cho Thương tại nhà. Thương cứ nằm lăn lóc và hì hụi viết trên nền nhà... Do có tư chất thông minh nên Thương ham học và học rất nhanh. Không chỉ có vậy, Thương còn học đan len từ mẹ và biết đan thành thạo sau một tuần cố gắng luyện tập với từng mũi kim đan nhiều lần đâm vào tay đến chảy máu.
Rồi một lần tình cờ xem được chương trình "Người tốt việc tốt" trên đài truyền hình, biết có một câu lạc bộ dành cho người khuyết tật mang tên "Vì ngày mai" do cô Lê Minh Hiền - một người khuyết tật lập ra, Thương rất muốn được tham gia sinh hoạt cùng các bạn, muốn làm được một điều gì có ích để giúp đỡ gia đình, nhưng bố mẹ Thương lo lắng cho sức khỏe của con nên không đồng ý.
Song trước quyết tâm và sự mong mỏi tha thiết của con, cuối cùng bố mẹ Thương cũng chấp nhận gác lại một số công việc của mình để đưa Thương đến trung tâm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Thương đều có mặt ở lớp dạy nghề, được mẹ bế trên tay ngồi trong lớp học và bố thì kiên trì ngồi đợi bên ngoài từ sáng đến trưa để đưa hai mẹ con Thương về.
Chỉ sau ba tháng học nghề, Thương đã có thể tự làm được sản phẩm đầu tiên là những chiếc giỏ kết bằng cúc áo. Rồi từ đó sự sáng tạo của Thương được thể hiện khi Thương nghĩ đến việc tạo ra cho mình một chiếc đèn bàn bằng cúc áo.
Và từ đó, các sản phẩm khăn, mũ len, tất, túi đeo điện thoại, đèn bàn bằng cúc áo đầy ấn tượng mang nhãn hiệu Thương Thương đã lần lượt được ra đời.
Chia sẻ yêu thương với cộng đồng
Trong căn phòng nhỏ trên tầng hai tại số nhà 13, ngõ 11, phố Lương Đình Của (Kim Liên, Hà Nội), hằng ngày cô gái xương thủy tinh Thu Thương miệt mài với niềm say mê sáng tạo sản phẩm thủ công của mình với một lịch làm việc "căng" không kém một người bình thường. Từ sáng đến chiều, trong tư thế nằm nghiêng trên chiếc chiếu mỏng trải trên nền nhà, đôi bàn tay của Thương không ngừng hoạt động với các mũi kim kiên trì, nhẫn nại.
Để làm được một chiếc đèn bàn, Thương cần đến khoảng 600 chiếc cúc áo và bảy ngày làm việc, thời gian để đan xong một chiếc khăn len phải mất bốn ngày". Mặc dù tốn nhiều công sức cho một sản phẩm như vậy, nhưng Thương lại sẵn sàng và tình nguyện trích 5% số tiền thu được từ mỗi sản phẩm bán được của mình để lập quỹ "Thắp sáng ước mơ” dành tặng những người khuyết tật khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Tháng 10/2008, với sự giúp đỡ của các bạn tình nguyện viên, một website mang tên thuongthuong.net đã ra đời - không chỉ là nơi để giới thiệu và bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Thương Thương Hand made mà còn là nơi hỗ trợ bán các sản phẩm khác của các bạn khuyết tật từ khắp nơi ký gửi, đồng thời website này đã trở thành nhịp cầu nhân ái giữa nhà hảo tâm với những người hoàn cảnh khó khăn và thiếu may mắn, giữa các cá nhân khuyết tật với doanh nghiệp cần tuyển dụng người khuyết tật thích hợp.
Hiện tại mơ ước lớn nhất của Thương là có một cửa hàng ở mặt đường để bán sản phẩm của mình được tốt hơn, từ đó sẽ có điều kiện mở một xưởng dạy thủ công cho người khuyết tật. Đã có lần Thương đăng tin tuyển người khuyết tật để dạy làm đồ thủ công miễn phí với điều kiện họ phải tự lo chỗ ăn ở. Cũng có được năm bạn khuyết tật tìm đến học nhưng chỉ được 2-3 ngày họ lại về quê bởi không kiên trì và cũng không có điều kiện để lo ăn ở nơi thành phố.
Chia tay Thu Thương, tôi cứ bị ám ảnh mãi - không chỉ vì nghị lực phi thường vươn lên và khẳng định mình trong cuộc sống, muốn chia sẻ những gì mình có thể cho những người có hoàn cảnh khó khăn khác của một cô gái chịu nhiều thiệt thòi với căn bệnh xương thủy tinh - mà còn bởi ấn tượng với cách trò chuyện khá thông minh và dí dỏm, niềm lạc quan trước cuộc sống từ những nụ cười luôn nở trên môi - đúng như câu hát Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ trong một ca khúc của Trịnh mà Thương hay hát.
Theo Tuổi Trẻ