Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Là lãnh đạo nơi có điều dưỡng đầu tiên mắc Covid-19, tôi rất áp lực'

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, tâm sự bản thân đã có nhiều khó khăn, thử thách trong suốt thời gian qua.

Người “đứng mũi chịu sào” ở nơi đầu tiên ghi nhận ca mắc là nhân viên y tế, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tâm sự bản thân đã có nhiều khó khăn, thử thách trong suốt thời gian qua.

0h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai được chính thức gỡ phong tỏa sau 15 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Còn với Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, niềm vui nhân lên gấp bội khi được quay trở lại công việc, cuộc sống bình thường sau 24 ngày, kể từ khi hai điều dưỡng được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Khi tất cả đã bình yên và trở về nhà, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, không giấu nổi cảm xúc vui mừng và trải lòng đã có nhiều giây phút khó khăn, áp lực trong suốt thời gian qua.

- Bệnh viện Bạch Mai đã được gỡ phong tỏa sau 15 ngày, cảm giác của anh lúc này ra sao?

- Cảm giác khó tả lắm, sự vui mừng được vỡ òa vì nó kìm nén suốt cả tuần qua, như ngày giải phóng đất nước vậy.

Ngay khi có bắt đầu có phát hiện 2 nhân viên điều dưỡng đầu tiên của chúng tôi mắc bệnh, chúng tôi ngay lập tức tiến hành vòng cách ly thứ nhất kéo dài 14 ngày. Sau đó, chúng tôi lại vướng vào lệnh phong tỏa mới của thành phố sau khi ghi nhận thêm các ca mắc của Công ty Trường Sinh nên bị “chồng cách ly”, thời gian kéo dài đến 24 ngày.

Theo công văn của quận Đống Đa, chúng tôi cần phải cách ly tiếp đến ngày 24/4, tức là chịu cách ly đến 36 ngày. Đó là một sự chờ đợi quá lâu mặc dù toàn bộ cán bộ viên chức của trung tâm đều được xét nghiệm âm tính tới lần 3. May mắn là sự việc diễn biến theo chiều hướng tốt như hiện nay.

Đối với tôi, đây là một sự giải tỏa tâm lý rất lớn. Trước đó, tôi rất lo vì là giám đốc trung tâm, nơi có hai điều dưỡng mắc bệnh, hơn ai hết, tôi là người chịu nhiều trách nhiệm và phải lo lắng cho hàng trăm nhân viên của mình với nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc gần với hai điều dưỡng kia.

Ở trong khu cách ly, không chỉ lo cho bản thân mình, nhân viên của trung tâm mình mà còn lo cho hàng trăm nhân viên của các đơn vị khác nữa, tổng cộng lên tới 208 người. Chúng tôi cũng không biết bao giờ mới được gỡ lệnh phong tỏa nên rất lo tương lai của bệnh viện, của trung tâm mình khi mà số các ca xét nghiệm dương tính cứ tăng theo hàng ngày. Công tác khám chữa bệnh sẽ ra sao trong khi mình lại là tuyến đầu, trung tâm đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ chính là phòng chống dịch bệnh. Nói thật, cảm xúc những ngày đấy cực kỳ căng thẳng, áp lực.

- Trung tâm là đơn vị tham mưu cho bệnh viện song lại ghi nhận 2 ca mắc đầu tiên. Anh đánh giá nguồn lây từ đâu?

- Ngay từ đầu, bệnh viện cũng xác định trung tâm tôi là đầu sóng ngọn gió để chống dịch. Chúng tôi đã tổ chức khám sàng lọc Covid-19 với hàng trăm lượt bệnh nhân có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp và những người đi từ vùng dịch về, nhiều khả năng trong số đó là có người đã bị bệnh.

Khi xảy ra ca bệnh dương tính đầu tiên, lại là ở nhân viên y tế, chúng tôi thực sự bất ngờ vì các nhân viên của chúng tôi luôn ý thức được việc mang bảo hộ phòng tránh lây nhiễm.

Về nguồn lây nhiễm từ đâu thì chưa xác định cụ thể vì lúc đó dịch đã bắt đầu lây ra cộng đồng. Trong hai điều dưỡng của chúng tôi, một cô tiếp xúc nhiều với bệnh nhân HIV, một cô khám sàng lọc mỗi ngày cả trăm bệnh nhân. Lúc đó, bệnh viện chúng tôi chưa được phép làm xét nghiệm nên có khả năng có bệnh nhân trà trộn vào, kể cả trong Trường Sinh lây ra như thế nào mình không thể biết được vì sau này phát hiện ra một số ca bệnh đã đến khám bệnh viện Bạch Mai từ trước khi phát hiện ra 2 ca điều dưỡng mắc bệnh.

Trong một môi trường lớn như Bệnh viện Bạch Mai, một ngày, mỗi người tiếp xúc hàng trăm nhân viên và nhiều người khác nên nguy cơ phơi nhiễm là lớn. Trong khi đó, virus gây bệnh Covid-19 thật đáng sợ, mức độ lây lan nhanh, nhiều người không có triệu chứng hoặc ủ bệnh kéo dài mà cho đến nay vẫn chưa thực sự hiểu hết về mức độ nguy hiểm của nó.

- Khi biết tin đồng nghiệp mắc bệnh, tâm trạng của những y bác sĩ ở trung tâm lúc đó thế nào?

- Trong các dịch trước, chẳng hạn dịch SARS năm 2003, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới lúc đó là Viện Y học Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, là nơi tiếp nhận và chữa trị bệnh nhân, chúng tôi đã kiên cường chiến đấu và cuối cùng đã chiến thắng, không nhân viên nào nhiễm bệnh, tử vong. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố hết dịch.

Còn ở dịch lần này rất khác, với mức độ lây lan nguy hiểm hơn nhiều, nguy cơ phơi nhiễm cao nên chúng tôi phải cách ly toàn bộ. Trung tâm phải đóng cửa, ngừng hoạt động, chúng tôi gần như vô hiệu hóa. Cảm giác rất bất ngờ và sốc khi chính mình là người chống dịch mà phải cách ly.

Tuy nhiên, với vai trò lãnh đạo, tôi phải bình tĩnh để giải quyết mọi chuyện. Ngay khi điều dưỡng đầu tiên mắc, chúng tôi xin chỉ đạo và có kế hoạch ngay. Lúc đó, trung tâm đang có hàng trăm bệnh nhân nội trú. Sau khi rà soát toàn bộ, phát hiện thêm ca thứ 2. Tất cả bệnh nhân nội trú đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 nhờ điều trị, còn nhân viên thì di dời sang cách ly tại khu 9 tầng.

noi co dieu duong dau tien mac Covid-19 anh 1

Sự việc diễn ra đột ngột. Chúng tôi bị cách ly luôn không kịp đem quần áo, tư trang cá nhân vào hay chuẩn bị, dặn dò người ở nhà. Từng ấy con người phải cách ly trong điều kiện ăn ở, sinh hoạt có nhiều bất tiện. Chưa kể trong số nhân viên, nhiều người có vấn đề sức khỏe, ví dụ có một chị bị ung thư phải chạy hóa chất mà quá nhiều tuần không được truyền.

Có những cháu mang thai đến 38 tuần lại mắc tiểu đường, nguy cơ chuyển dạ bất cứ lúc nào. Nhiều người có bệnh nền chưa kịp mang thuốc vào, rồi những cháu còn trẻ, bị ảnh hưởng về tâm lý vì chưa bao giờ đi cách ly xa nhà hàng mấy chục ngày. Thế nhưng, tất cả đều chấp nhận hy sinh cá nhân và đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết.

Sau khi chuyển sang khu cách ly ở khu 9 tầng, chúng tôi tiếp tục tiếp quản những người trong bệnh viện có liên quan tới các ca mắc lên tới hàng trăm người từ nhiều khoa như chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, ngoại, nhân viên của Công ty Trường Sinh,... Chúng tôi hàng ngày vẫn tổ chức khám, theo dõi triệu chứng, xét nghiệm lấy mẫu cho hàng nghìn lượt nhân viên của bệnh viện với tinh thần đúng kiểu “vừa đánh giặc, vừa tăng gia sản xuất”.

Dù cách ly, bệnh viện vẫn hoạt động, các khoa nếu cần, tôi phải tham gia rồi hội chẩn trực tuyến, cập nhật tình hình dịch bệnh, viết hướng dẫn rồi gửi bài qua email,... chứ không ngồi yên.

- Bản thân anh thì sao? Đã bao lâu anh chưa gặp gia đình?

- 0h ngày 12/4, sau lệnh dỡ phong tỏa của Bệnh viện Bạch Mai là tròn 24 ngày tôi chưa về nhà. Các nhân viên của tôi được về sớm hơn trước đó mấy ngày nhưng tôi cùng với một số anh em khác của trung tâm xin ở lại để tham gia hỗ trợ chống dịch. Con tôi còn bé, ngày nào điện thoại nhìn thấy ba cháu cũng khóc đòi ba về. Tôi cứ hứa ngày mai về, nhiều quá đến mức cháu không còn tin nữa.

Đêm được dỡ lệnh phong tỏa, biết tin tôi về nên cháu rất háo hức xin đến cổng bệnh viện đón ba. Khi nhìn thấy ba, cháu hét to chạy đến ôm chầm lấy tôi, thực sự nước mắt trào dâng, mừng vui khôn xiết.

- Ngày 10/4, điều dưỡng đầu tiên đã được công bố khỏi bệnh. Anh đã liên lạc với cô ấy chưa?

- Tôi gọi cho cô ấy ngay rồi. Cô ấy khỏi bệnh là rất mừng. Với 2 ca mắc đầu tiên lại là nhân viên y tế, chúng tôi áp lực rất lớn. Lúc nào chúng tôi cũng đau đáu lo cho hai cô ấy. Cả hai mắc bệnh đều có nguy cơ diễn biến nặng.

Hàng ngày, tôi nhắn tin, gọi điện hỏi thăm động viên, nghe báo cáo về tình trạng sức khỏe của họ, rồi gọi điện nhờ các đồng nghiệp bên đó quan tâm, cập nhật tình hình và hội chẩn để có phác đồ điều trị tối ưu nhất.

Cô điều dưỡng 54 tuổi này vừa có bệnh nền, khi nằm viện, có giai đoạn phổi tổn thương trắng xóa, ho nhiều, khó thở liên tục,.. tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề nên chúng tôi rất lo. Hiện tại, sóng gió tạm thời đã qua, chúng tôi vui mừng vì nhân viên của mình được về nhà và không ai mắc bệnh, mừng vì bệnh viện được gỡ phong tỏa, mừng vì cô điều dưỡng đầu tiên đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn chờ đợi ở phía trước.

- Ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã được khống chế nên mới được gỡ phong tỏa. Theo anh, điều gì làm nên sự thành công đó?

- Bệnh viện Bạch Mai vốn đã kiên cường, có truyền thống và kinh nghiệm chống dịch bệnh hàng trăm năm nay. Gần đây, có nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, HIV, tả, sởi, cúm A H5N1, sốt xuất huyết,... Có điều trận chiến này nguy hiểm quá, chúng tôi bị động ở giai đoạn đầu. Nhưng sau đó, nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, mọi người cũng xử lý tốt, với từng ấy khối lượng công việc, biến cố xảy ra, chúng tôi đã thích ứng được rồi vượt qua.

Chúng tôi đánh trận chống lại kẻ thù vô hình, không có súng đạn nhưng sự mất mát, hy sinh, lo lắng là có thật, là hữu hình. Nhưng tất cả đều quyết tâm, chấp hành tốt chỉ đạo, hy sinh những lợi ích nhỏ nhặt của cá nhân, mong một ngày bệnh viện được trở lại yên bình, được quay trở lại điều trị với các bệnh nhân thân yêu.

Có nhân viên nhắn cho tôi báo cáo bà ngoại mất trong khi cả nhà cháu cách ly mỗi người một nơi, bà ở với cậu, giờ bà mất cả làng không cho ai đến viếng. Tôi rất thương nhưng rồi bảo cháu phải chấp nhận hoàn cảnh này. Nhiều hoàn cảnh cả 2 vợ chồng đều phải cách ly, con cái gửi ông bà hoặc hàng xóm, hàng ngày gọi điện mẹ khóc, con khóc rất tội. Trong hoàn cảnh cách ly, nhiều khó khăn như bữa ăn thiếu rau, thức ăn không đến đúng giờ, quần áo, chăn màn không đủ đêm đông rét, tắm rửa, vệ sinh thiếu thốn... nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận.

Trong một môi trường cách ly lớn, người nọ tiếp xúc người kia, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nên nếu không có tinh thần cảnh giác, kỷ luật cao thì rất nguy hiểm, virus lây lan ngay. Tôi cùng ban lãnh đạo họp và đưa ra những quy định bắt buộc phải chấp hành như những điều lệnh trong quân ngũ. Chẳng hạn không được hút thuốc, không tụ tập đông người, thực hiện đeo khẩu trang, cặp nhiệt độ, khai báo y tế hàng ngày, lấy mẫu xét nghiệm,... Với từng ấy con người, để quản lý được trong một bối cảnh đặc biệt là điều không đơn giản.

Khi chữa cho bệnh nhân, dù có nặng đến mấy, khó đến mấy nhiều khi cũng thành đơn giản với chúng tôi. Nhưng khó khăn lần này là thử thách lớn, chưa bao giờ gặp. Chúng tôi phải tổ chức chiến đấu, không chỉ trên giường bệnh mà là tập thể lớn. Tất cả cùng chung tay vào mới được như ngày hôm nay.

- Ngoài 2 nữ điều dưỡng mắc bệnh, Bệnh viện Bạch Mai không có thêm nhân viên y tế nào nhiễm SARS-CoV-2, trong khi có tổng cộng 44 trường hợp mắc Covid-19 có liên quan. Điều này có bất thường?

- Thực tế là vậy đó. Có lẽ do may mắn. Bản thân tôi những hôm đầu bị ho, hắt hơi, cũng lo bị nhiễm bệnh nhưng cuối cùng xét nghiệm 3 lần đều âm tính. Những người khác cũng thế, nếu có triệu chứng, chúng tôi vừa xét nghiệm vừa lên phương án sẵn sàng cách ly những người liên quan tới họ.

Tất nhiên, không phải bỗng dưng có được kết quả đó. Nếu không tổ chức tốt, kỷ luật tốt, mọi người không ý thức thì tình hình đã khác. Giả sử nếu như có thêm một ai đó trong khu cách ly mà bị dương tính thì hậu quả có thể diễn biến khôn lường.

Nhiều người nói Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch tương tự quán Bar Budda. Điều đó khiến chúng tôi thấy bị tổn thương. Không thể nào so sánh một quán bar với những nhân viên y tế. Bản thân chúng tôi luôn có ý thức về phòng bệnh dịch. Kể cả 2 nhân viên của tôi bị nhiễm, một cô chăm sóc bệnh nhân HIV thì luôn đeo khẩu trang, bệnh nhân HIV cũng vậy, còn cô làm nhiệm vụ sàng lọc thì luôn mặc quần áo bảo hộ, khẩu trang lúc nào cũng kín mít. Nói thế để thấy tất cả đều rất có ý thức, bình thường đã thế chứ không phải đợi có dịch bệnh nguy hiểm thế này.

Còn với ổ dịch Trường Sinh, họ có vấn đề nhưng không thuộc Bệnh viện Bạch Mai quản lý. Tất nhiên chúng tôi phải có trách nhiệm nhưng không thể đánh đồng với tất cả nhân viên y tế. Chúng tôi lúc đầu bị kỳ thị, xã hội nhìn nhận không đúng. Nhiều bác sĩ đã lên tiếng Bệnh viện Bạch Mai là chiến trường chứ không phải ổ dịch là vì thế.

Bây giờ chúng tôi được gỡ phong tỏa. Chúng tôi rất hoanh nghênh và vui mừng. Bạch Mai phải được quay lại để chữa bệnh. Nhiều người mất cơ hội được cứu sống vì Covid-19 rồi.

Đối với chúng tôi, dịch là nghề, chúng tôi không bao giờ sợ. Chúng tôi đã chiến đấu qua nhiều dịch rồi. Hiện nay, chúng tôi cũng có kịch bản sẵn sàng để quay lại điều trị và rất sẵn sàng tham gia chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nếu có điều kiện.

- Là một chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm, anh đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay như thế nào?

- Việt Nam đang đi đúng hướng, tốc độ lây lan được kiểm soát với những chỉ đạo quyết liệt. Tôi tâm đắc với hiệu lệnh của thủ tướng “Chống dịch như chống giặc”. Người Việt có truyền thống đánh giặc, khi đất nước bị lâm nguy bởi ngoại xâm, thì bất kể ai, hãy gác bỏ lại hết để đồng lòng chống dịch và đều thắng lợi.

Hãy tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu chúng ta tiếp tục cách ly xã hội, phát hiện sớm, tăng cường xét nghiệm, điều trị triệt để các ca mắc thì sẽ thành công.

Việt Nam là một trong những quốc gia điều trị thành công những bệnh nhân Covid-19 được thế giới ghi nhận. Nhưng phải cảnh giác vì virus này khôn lường, mình chưa hiểu hết. Nó có thể biến đổi, tăng độc lực, dịch có thể bùng phát trở lại nên không được chủ quan.

Trên thế giới, nhiều quốc gia chủ quan và đã phải trả giá. Mức độ thiệt hại về nhân mạng và kinh tế phụ thuộc vào thái độ ứng phó của mỗi quốc gia, chứ không phải virus thay đổi khác nhau ở từng nước. Cuộc chiến sẽ kéo dài những tháng tiếp theo, chưa thể kết thúc. Còn chúng tôi thì luôn sẵn sàng chiến đấu.

Cảm xúc vỡ òa khi Bệnh viện Bạch Mai được gỡ lệnh cách ly Nhiều bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai không giấu được niềm vui khi hàng rào cách ly chính thức được gỡ bỏ từ 0h ngày 12/4.

Bác sĩ, y tá Bệnh viện Bạch Mai bật khóc khi được gỡ lệnh cách ly

Hơn 500 y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai vỡ oà trong niềm vui sướng khi kết thúc 14 ngày cách ly. Một vài người lại không kìm nén được sự xúc động, họ đã bật khóc.

Ai co nguy co mac viem phoi? hinh anh

Ai có nguy cơ mắc viêm phổi?

0

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm phổi bao gồm người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, mắc bệnh phổi mạn tính hoặc thường xuyên hút thuốc, tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Hà Quyên

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm