Thể loại: Tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Greta Gerwig
Diễn viên chính: Saoirse Ronan, Laurie Metcalf, Tracy Letts, Lucas Hedges, Timothée Chalamet
Zing.vn đánh giá: 9/10
Lady Bird là bộ phim về tuổi trưởng thành được giới phê bình quốc tế đánh giá rất cao trong năm qua. |
Được chọn là thủ phủ của tiểu bang California, Sacramento thực tế chỉ là một thành phố nhỏ, xanh mướt và hiền hòa, nếu so với các đại đô thị rộng lớn, đông đúc, náo nhiệt ở vùng bờ Tây nước Mỹ như Los Angeles hay San Francisco.
Cái chất trầm lắng, yên bình dưới ánh nắng Cali của Sacramento làm nhiều người mê đắm, nhưng đồng thời khiến không ít cô nhóc, cậu nhóc sinh ra và lớn lên tại nơi đây cảm thấy buồn chán và muốn chạy trốn khỏi sự tĩnh lặng.
Cô gái 17 tuổi Christine McPherson (Saoirse Ronan), hay còn tự gọi là “Lady Bird” (tạm dịch: Điểu cô nương), là một trong số đám thiếu niên ấy. Cô không may mắn được sinh ra trong nhung lụa, khi mà cha mẹ - bà y tá Marion (Laurie Metcalf) và ông Larry (Tracy Letts) - luôn phải vật lộn để nuôi nấng cô con gái và cậu con nuôi Miguel (Jordan Rodrigues) trong căn nhà xập xệ thuộc khu phố nghèo của Sacramento.
Bản thân Lady Bird phải theo học tại một trường trung học Công giáo với nhiều điều kiện ngặt nghèo để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Như để bù lại, mỗi ngày của cô gái luôn tràn đầy niềm vui và sự yêu thương từ cha mẹ, từ cô bạn thân “quá khổ” Julie (Beanie Feldstein), hay từ cậu bạn trai rụt rè Danny (Lucas Hedges) trong những ngày cuối cấp.
Song, sự bao bọc của ông bà McPherson, hay những buổi tập kịch ở trường trung học chỉ càng khiến Lady Bird muốn tung cánh thoát khỏi mảnh đất Sacramento buồn chán, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang chuyển mình sau hàng loạt biến cố lịch sử như vụ khủng bố 11/9, hay sự kiện quân đội Mỹ bắt đầu tấn công Iraq.
Cô gái trẻ muốn được yêu, muốn trải nghiệm “làm người lớn” cùng Kyle (Timothée Chalamet) hoặc Jenna (Odeya Rush) - đám bạn “sành điệu” và thời thượng hơn Julie chất phác rất nhiều. Trên hết, Lady Bird muốn có cơ hội được sống và theo học đại học tại những thành phố ngập tràn ánh sáng văn minh ở bờ Đông nước Mỹ như New York.
Liệu sự bình yên của Sacramento cùng tình cảm giản dị nhưng đậm sâu của những con người nơi đây có thể níu chân Lady Bird? Hay “Điểu cô nương” khi đã đủ lông đủ cánh ở tuổi 18 sẽ bay đi mãi mãi và chẳng còn quay đầu trở lại?
Bước ngoặt thực sự của Greta Gerwig
Lady Bird là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Greta Gerwig trên cương vị đạo diễn, và cô đồng thời là tác giả kịch bản của bộ phim. Tuy mới lần đầu ngồi trên ghế chỉ đạo, nhưng Gerwig thực tế là gương mặt quen thuộc trong dòng phim độc lập của điện ảnh Mỹ trong suốt gần một thập kỷ qua.
Cô vốn là “nàng thơ” của đạo diễn phim độc lập nổi tiếng Noah Baumbach qua một số tác phẩm gây tiếng vang như Greenberg (2010), Frances Ha (2012) hay Mistress America (2015). Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực diễn xuất, Greta Gerwig còn góp công lớn vào chất hài hước vừa đời thường, vừa độc đáo của chính Frances Ha và Mistress America trong vai trò đồng biên kịch.
Nữ đạo diễn Greta Gerwig (bìa phải) bên cạnh ngôi sao Saoirse Ronan trên trường quay của Lady Bird. |
Dẫu vậy, Lady Bird có lẽ mới là dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Gerwig tính đến hiện tại. Lý do không chỉ bởi cô có lần đầu đứng sau máy quay để chỉ đạo diễn xuất thay vì đứng trước máy quay trong vai trò diễn viên, không chỉ bởi cô bỏ hẳn ra 12 tháng để phác thảo kịch bản bộ phim với cái tên ban đầu là Mothers and Daughters, mà trên hết là bởi tác phẩm phản ánh phần nào đó cuộc sống và suy tư của chính nữ đạo diễn ở thời khắc cô chập chững bước vào đời.
Giống như “Điểu cô nương” trong phim, Greta Gerwig sinh ra và lớn lên tại Sacramento trong tình yêu thương của một bà mẹ làm nghề y tá, và tham gia học phổ thông tại một ngôi trường Công giáo chỉ dành cho nữ giới. Bối cảnh chính của Lady Bird - nước Mỹ vào những năm 2002, 2003 - cũng là thời điểm mà nữ nghệ sĩ sinh năm 1983 đang bước vào độ tuổi trưởng thành.
Chính sự gần gũi giữa Lady Bird và tuổi trẻ của Greta Gerwig có lẽ đã giúp kịch bản phim duy trì được chất sống động từ đầu đến cuối với đủ mọi trạng thái cảm xúc. Tất cả được đặc tả một cách gần gũi, tự nhiên, không hề khiên cưỡng.
Gợi nhắc tuổi ẩm ương của mỗi người
Khi thời lượng bộ phim chỉ là 93 phút, có người sẽ cho rằng việc giữ vững sự nhịp nhàng, lúc sôi nổi với những cuộc vui tuổi trẻ, lúc trầm lắng trong những tâm sự gia đình, hoàn toàn nằm trong khả năng của một ngòi bút đã được ghi nhận như Gerwig. Quả vậy, nhưng nữ đạo diễn 34 tuổi còn khiến người xem phải thán phục trong việc đưa vào tác phẩm mạng lưới dày đặc từ nhân vật cho đến tình tiết.
Ở đó, không chỉ Lady Bird có ước mơ, suy nghĩ và cuộc sống riêng, mà ngay cả những nhân vật phụ với thời lượng xuất hiện trên phim ít hơn cô bé 17 tuổi rất nhiều như ông bố Larry, cô bạn phúc hậu Julie, hay cậu bạn trai rắc rối Danny, đều ít nhiều giành được tình cảm của khán giả bằng sự chân thật và suy nghĩ ấm áp của họ.
Đặc biệt, Lady Bird còn vượt qua khuôn khổ của một bộ phim hài về lứa tuổi mới lớn thông thường bằng việc khắc hoạ thành công tình mẹ con sâu nặng, phức tạp, và đầy cảm động giữa nhân vật chính và bà y tá Marion.
Câu chuyện về tình mẫu tử giữa Lady Bird và bà mẹ Marion trong phim rất tự nhiên, gần gũi, và không bị giáo điều. |
Ai từng trải qua cái tuổi ẩm ương 17, 18 hẳn đều mang trong mình kỷ niệm về những lần hỗn hào, không nghe lời cha mẹ, về những thời khắc hiểu lầm, coi sự nghiêm khắc của cha mẹ là biểu hiện của sự thiếu hụt tình thương. Để rồi, tất cả chỉ nhận ra tình cảm thực sự của các bậc phụ huynh khi đã trưởng thành, hoặc khi trải nghiệm thất bại trong cuộc sống.
Đó chính là hình ảnh của Lady Bird và mẹ của cô trên phim: một đứa con sống nội tâm tới mức vô tâm, và một bà mẹ cố lấy tấm màn nghiêm khắc để phủ lên tình yêu thương, lòng quan tâm vô bờ bến mà bản thân dành cho con gái.
Trong một năm xuất hiện nhiều bộ phim hay về gia đình, có lẽ tình mẹ con giữa Lady Bird và bà Marion ở Lady Bird, hay tình cha con giữa Elio và ông Perlman trong Call Me by Your Name, chính là những bức chân dung đẹp đẽ nhất về tình cảm, về sự hy sinh mà cha mẹ dành cho con cái thân yêu.
Có một điều tình cờ thú vị rằng người sắm vai chính Elio ở bộ phim đồng tính Call Me by Your Name - Timothée Chalamet - cũng rất thành công trong vai anh bạn lãng tử, ham triết lý có tên Kyle ở Lady Bird.
Nữ quyền chính là đây
Sau thành công vang dội với vai diễn Eilis Lacey trong Brooklyn (2015), nữ diễn viên trẻ Saoirse Ronan người Ireland tiếp tục nằm trong top các ngôi sao triển vọng của điện ảnh thế giới. Song, cô lại dành cả năm 2016 để tham gia sân khấu kịch, và chỉ trở lại màn ảnh rộng trong năm 2017 bằng một tác phẩm duy nhất là Lady Bird.
Nhưng chỉ một vai diễn Lady Bird cũng là quá đủ để Ronan chứng tỏ với khán giả rằng vô số đề cử và giải thưởng mà cô nhận được với Brooklyn không phải là nhờ may mắn hay thành công nhất thời, mà là bởi người đẹp thực sự tài năng với sự nhạy cảm tuyệt vời ẩn dưới vẻ đẹp vừa mong manh, vừa tràn đầy sức sống.
Sau Brooklyn (2015), Saoirse Ronan lại có cơ hội chinh phục các giải thưởng điện ảnh bằng Lady Bird. |
Nữ diễn viên 23 tuổi đã thể hiện thuyết phục không chỉ nụ cười, giọt nước mắt, hay sự ngốc nghếch của một cô bé sắp tròn 18, mà còn cả phút giây rung động đầu đời hay những thời khắc tuyệt vọng, cô đơn trong tâm hồn của một thiếu nữ mà Gerta Gerwig đã dùng chính trải nghiệm cuộc đời mình để đưa vào kịch bản.
Đối lập với sự ngây thơ, trẻ trung của Saoirse Ronan trong vai Lady Bird là sự chín chắn, ý nhị đậm màu thời gian của Tracy Letts trong vai ông bố Larry, và đặc biệt là Laurie Metcalf trong vai bà mẹ Marion.
Vốn chủ yếu xuất hiện trên sân khấu kịch và truyền hình, nữ diễn viên gạo cội Metcalf đã giúp nâng tầm Ronan bằng vai diễn có chiều sâu không hề thua kém nhân vật chính, nếu không muốn nói là có phần khó khăn hơn.
Bởi trong khi Saoirse Ronan được vào vai một thiếu nữ sẵn sàng bộc lộ mọi suy nghĩ, tình cảm, thì bà Marion của Laurie Metcalf lại luôn phải kìm nén cảm xúc dưới vỏ ngoài tưởng chừng chai sạn, cứng rắn của một người phụ nữ phải bôn ba lo toan cho cả gia đình.
Chính sự ăn ý giữa bộ đôi một già, một trẻ đã giúp Lady Bird trở thành tác phẩm điện ảnh tiêu biểu cho nữ quyền trong những năm gần đây, khi mà các nhân vật phái đẹp trong phim luôn chủ động với ước muốn định đoạt tương lai, số phận của bản thân, nhưng không vì thế mà đánh mất đi tình cảm sâu sắc, chân thành dành cho người mà họ yêu quý.
Lady Bird có thể là một phim nhỏ, nhưng xứng đáng được coi là một tác phẩm lớn của điện ảnh thế giới trong năm 2017. |
Là tác phẩm thuộc dòng độc lập với kinh phí sản xuất chỉ rơi vào khoảng 10 triệu USD, Lady Bird có thể được coi là một phim “nhỏ” với bối cảnh đơn giản, đời thường, vắng bóng những đại cảnh hay kỹ xảo phức tạp.
Nhưng ẩn dưới vẻ ngoài giản dị ấy, nội dung phim lại vô cùng đa dạng và cảm động khi khai thác những trăn trở đầu đời của cô thiếu nữ Lady Bird đang gắng tìm kiếm cho mình chân trời mới, sự vô giá của tình yêu thương giữa người thân trong gia đình, và cả mối dây liên hệ vô hình giữa mỗi cá nhân với nơi chôn nhau cắt rốn của bản thân.
Do đó, dù là phim “nhỏ”, Lady Bird hoàn toàn có thể xứng đáng được xem như một tác phẩm “lớn”, nơi mỗi khán giả sau khi thưởng thức đều có thể tự tìm ra một câu chuyện hoặc một tình tiết nào đó gợi nhắc tới quá khứ bản thân.
Con chim chỉ có thể đủ lông đủ cánh để bay đi tìm kiếm chân trời mới từ tổ ấm vững chãi. Con người chỉ có thể thực sự vươn lên phía trước, hướng tới tương lai nếu như họ biết trân trọng nguồn cội và quá khứ.
Đó có lẽ là một phần thông điệp mà Greta Gerwig muốn gửi gắm đến khán giả thông qua Lady Bird, hay là chính câu chuyện cuộc đời cô - một tác giả nữ tài năng chắc chắn sẽ trở thành gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Hollywood trong những năm tới đây.