Sau trà sữa hành lá, trà chanh giò heo hay trà chanh phèo non, trà bánh tráng trộn là món đồ uống tiếp theo gây tranh cãi. Thức uống này xuất hiện trong menu tại quán cà phê ở quận 1, TP.HCM của TikToker Bông Tím (Nguyễn Hoàng Chính Nghĩa), được giới thiệu có công thức đặc biệt, hương vị chua ngọt cùng topping bánh tráng, trứng cút, rau răm và xoài bào.
Trên mạng xã hội, những video nhận xét về món trà xuất hiện khá nhiều với ý kiến khen - chê trái chiều. Một số cho rằng thức uống này có hương vị chấp nhận được dù khó lòng thành "món tủ". Số khác lại lập tức "dán nhãn" tránh xa, đặc biệt với những ai bụng dạ kém.
Đồng thời, như những màn kết hợp ẩm thực tréo ngoe khác từng xuất hiện gần đây, cộng đồng mạng cho rằng trà bánh tráng trộn là chiêu quảng cáo cho quán cà phê, không phải món đồ uống được bổ sung vào menu nghiêm túc.
Theo thạc sĩ Lê Thu Cúc, nhà nghiên cứu truyền thông kiêm giảng viên khoa Quan hệ Công chúng (trường Đại học Văn Lang, TP.HCM), content (nội dung) mang yếu tố hài hước, giật gân dễ "đánh" vào tâm lý tò mò của thực khách, đặc biệt là Gen Z. Nhờ vậy, các món uống dị biệt nhận về sự chú ý lớn chỉ sau thời gian ngắn.
Chưa kể, dạng content "gây sốc" đang chiếm ưu thế xu hướng trên các nền tảng video ngắn như TikTok, Reels (Facebook, Instagram), Short (YouTube)... Chính vì vậy, các quán không ngần ngại áp dụng chiêu này để tiếp cận được lượng khách hàng lớn với chi phí gần như bằng 0.
Chiêu quảng cáo cũ kỹ
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn công bố hồi cuối tháng 3 cho thấy 65,3% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn món ăn, đồ uống theo xu hướng (trend). Điều này chứng tỏ các trào lưu ẩm thực càng phổ rộng sẽ càng ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người tiêu dùng.
Trong thời đại kỹ thuật số, mạng xã hội là phương tiện quảng cáo hiệu quả. Đây đồng thời cũng là nơi những người kinh doanh F&B (dịch vụ ăn uống) tìm kiếm đối tượng khách hàng tiềm năng.
Trà bánh tráng trộn làm dấy lên ý kiến trái chiều vì sự kết hợp chưa từng có tiền lệ của trứng cút, muối và bánh tráng dẻo. Ảnh: Cái tiệm cà phê. |
Việc các quán tung ra những sản phẩm độc lạ như trà bánh tráng trộn, trà chanh giò heo, trà chanh phèo non, trà sữa hành lá... nhằm tạo hiệu ứng quảng cáo, tăng độ nhận diện thương hiệu. Thậm chí, trà bánh tráng trộn còn được bán cố định trong menu, mặc cho những tranh cãi và cái nhìn e dè của nhiều thực khách.
"Các món uống 'không giống ai' chủ yếu nổi lên từ TikTok. Con người ngày càng bận rộn, nền tảng này có thể xem nhanh lại rất vui, giúp các quán thu hút sự quan tâm của thực khách tức thì, đạt được mục tiêu chính là lan tỏa thương hiệu. Xét về góc độ nào đó, đây là sự sáng tạo có hiệu quả", thạc sĩ Cúc nói với Tri Thức - ZNews.
Cùng với đó, nhiều TikToker có sức ảnh hưởng như Dưa Hấu Hấu, Tít Tung Tăng, Phương Oanh Daily, Linh Thịt Gà... sẵn sàng quay video trải nghiệm khiến trà bánh tráng trộn tăng lượt tiếp cận.
Theo khảo sát của YouNet Media, công ty cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu mạng xã hội tại Việt Nam, sau video review trà sữa hành lá đăng tải ngày 31/3 của TikToker Hoàng Anh Panda, thực khách bắt đầu có xu hướng phản đối và sẵn sàng thảo luận về món uống kết hợp các nguyên liệu không liên quan.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Trần Ngọc Anh Vũ, giảng viên khoa Quan hệ Công chúng (trường Đại học Văn Lang, TP.HCM), cũng cho rằng những người kinh doanh F&B luôn phải nảy sinh nhiều ý tưởng quảng cáo khác biệt để gây ấn tượng về thương hiệu, tránh sự lãng quên của thực khách trong thị trường đầy sức cạnh tranh.
"Đối tượng chính cho chiêu trò quảng cáo này là người trẻ. Thấu hiểu tâm lý thích tìm tòi cái mới, thường xuyên sử dụng mạng xã hội, các quán tung ra món uống 'đánh thức' cả 5 giác quan, làm tăng lượt thảo luận, đề cập đến thương hiệu trên nhiều nền tảng khác nhau", thạc sĩ này nói.
Món ăn và đồ uống là những thứ đáp ứng được nhu cầu cơ bản của con người, đa phần thực khách lựa chọn vì cảm xúc mà sản phẩm mang lại. Mặt khác, người trẻ quá quen thuộc với những content "gây sốc" nên dễ chấp nhận và lan tỏa một cách tự nhiên, miễn phí cho các món uống độc lạ.
Ngoài ra, việc tận dụng dạng content UGC (User-Generated Content - nội dung do người dùng tạo ra) cũng mang lại cảm giác gần gũi, khơi dậy sự tò mò và dễ tạo cho thực khách tâm lý "thấy tận mắt, thử tận miệng".
Con dao hai lưỡi
Trong ẩm thực, sáng tạo và biến tấu là điều cần thiết để tạo ra các món mới mẻ, nhưng phải dựa trên nền tảng vốn có. Chẳng hạn như cà phê muối, trà chanh giã tay, bánh đồng xu… vẫn đáp ứng chất lượng vì hình thức hợp lý, hương vị thơm ngon và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thực khách.
Theo thạc sĩ Lê Thu Cúc, sử dụng chiêu trò trong quảng cáo chỉ hiệu quả vào giai đoạn đầu và không phù hợp với đối tượng khách hàng trưởng thành. Sau chiến lược "gây sốc", có 2 trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, thương hiệu tạo sự chú ý chỉ là bước đầu trong công cuộc quảng cáo. Sau khi gây ấn tượng mạnh, các quán phải chuyển sang làm truyền thông "sạch", chân chính để đưa thái độ của thực khách về hướng tích cực, đồng thời tạo nên sự gắn bó giữa thương hiệu và thực khách.
Ví dụ, "ông lớn" KFC, thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ, từng tung ra kem chống nắng mùi gà rán và sơn móng tay có thể ăn được tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) để tạo sức hút truyền thông vào năm 2016. Sau đó, thương hiệu này ra mắt loạt món ăn mới, việc thúc đẩy tương tác thành công.
Nếu chỉ chăm chú vào chiêu trò, không màng đến chất lượng món uống, thực khách có thể quay lưng, thậm chí là phản pháo mạnh mẽ trên chính những video quảng cáo, review. Trà sữa hành lá và trà chanh giò heo là một ví du. Ảnh: YOUNG Tea & Coffee, Yang. |
Thứ hai, nếu lạm dụng chiêu trò, cộng thêm món uống thực tế không như kỳ vọng, phục vụ kém chuyên nghiệp vì quá tải hoặc không thể cho ra mắt những sản phẩm chất lượng để xoa dịu sẽ dẫn đến phản ứng ngược. Hiện nay, các thực khách đều có tài khoản mạng xã hội, họ có thể phản ứng mạnh mẽ với món uống không phù hợp chuẩn mực, thậm chí là kêu gọi tẩy chay.
"Mạng xã hội là một sân chơi, nơi những người kinh doanh ghé vào 'chơi ké chút'. Thế nên, dùng chiêu trò gây chú ý nhưng không quay về giá trị thực của món uống thì chóng nở chóng tàn. Cái thực khách cần sau cùng vẫn là hàng hoá và dịch vụ thật, đáp ứng được nhu cầu và sự mong đợi", vị thạc sĩ nói.
Nhìn cách các thương hiệu F&B lớn làm truyền thông, nhãn hàng nào hướng đến sự bền vững cũng chọn con đường tử tế, giới thiệu sản phẩm mang đến lợi ích cho cộng động, lấy được sự rung động và tin yêu từ thực khách.
Chia sẻ về chiến lược truyền thông, thạc sĩ Trần Ngọc Anh Vũ cho biết thêm trong lĩnh vực F&B, việc tạo nội dung "bắt trend", có điểm nhấn để tạo sự tò mò nhưng vẫn mang giá trị chân thật về món ăn, thức uống là cách quảng cáo thông minh nhất.
Thay vì dùng chiêu trò, các thương hiệu chỉ cần tạo sự khác biệt theo từng nền tảng mạng xã hội. Chẳng hạn như TikTok thiên về review, Instagram cập nhật hình ảnh đẹp của món ăn, YouTube xoanh quanh câu chuyện làm ra món ăn...
Minh chứng là Dunkin', công ty bánh rán và cà phê đa quốc gia của Mỹ, đã tạo một story (hình ảnh và video giới hạn trong 24 giờ) thăm dò ý kiến trên Instagram bằng bức ảnh bánh donut ngon mắt. Điều này tạo được sự phấn khích và tăng tương tác từ thực khách.
"Với thực khách bị động, họ sẽ nảy sinh nhu cầu khi bị tác động trực tiếp từ các video xu hướng. Tuy nhiên, mỗi người cần chọn lọc, nâng cao quan điểm ăn uống, tránh cổ súy cho những trào lưu không mang giá trị cốt lõi của ẩm thực. Đồng thời, các quán cũng cần cân nhắc, sáng tạo ra món ăn có thể tiếp cận đến thực khách một cách tích cực ngay từ ban đầu", thạc sĩ này bày tỏ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.