Phở Thìn 13 tại khu Mỹ Đình (Hà Nội) có thêm sườn bò, kim chi. Ảnh: Thu Trang. |
Sau khi thưởng thức phở tại quán Phở Thìn tại Mỹ Đình, anh Đoàn Hiếu Minh (Hà Nội) cho biết món phở tại quán có nước dùng khác biệt với hương vị phở truyền thống Việt Nam. Khẩu phần ăn cũng nhiều hơn, một bát phở có giá 149.000 đồng.
“Nguyên liệu chính vẫn dùng bánh phở, nhưng những thứ còn lại thì không. Mình ăn không trôi bát phở này. Nước dùng mang đậm hương vị kim chi và có màu đỏ. Nhiều sả, nhiều hành, thêm kim chi. Thịt bò được thay thế bởi một miếng sườn bò hầm kiểu Hàn”, anh Hiếu Minh chia sẻ trên mạng xã hội.
Được biết, quán phở này thuộc khu vực tập trung nhiều người Hàn Quốc làm việc và định cư. Người đại điện là ông Lê Chí Dũng, Tổng giám đốc công ty CP ĐT&PT Phở Thìn Hà Nội.
Ban đầu, ông Dũng có mua nhượng quyền thương hiệu của ông Nguyễn Trọng Thìn (chủ quán Phở Thìn 13 Lò Đúc) từ 6/2019. Nhưng sau thời gian ngắn kinh doanh, ông Dũng nhận thấy quán không được bảo quyền về thương hiệu như đã cam kết. Do đó, công ty đã tự phát triển, mở rộng quy mô quán, cũng như sáng tạo món phở lòng bò Korea và phở sườn bò Korea.
Lo ngại mất hương vị truyền thống
Khách hàng Gia Hân (34 tuổi, Hà Nội) cho rằng quán kinh doanh tại khu vực tập trung đông người Hàn Quốc sinh sống, càng cần giữ hương vị truyền thống. Điều này giúp khách quốc tế cảm nhận rõ vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.
“Có thể để kim chi ở phía ngoài. Nếu để cả vào nước dùng như vậy sẽ khiến mất hương vị truyền thống. Không lẽ phở bán cho khách châu Âu sẽ thay bò bằng jamon, steak, nước dùng cho thêm hương thảo, khách Trung Quốc lại thêm xì dầu vào nước dùng?”, cô chia sẻ.
Phở với nước dùng kim chi chủ yếu thu hút thực khách Hàn Quốc. Ảnh: Thu Trang. |
Quán Phở Thìn 13 tại Mỹ Đình ngoài mở bán phở “kiểu Hàn", vẫn phục vụ các món phở truyền thống Việt Nam. Yun Ha Jun (20 tuổi) đã đến Việt Nam từ năm 10 tuổi chia sẻ anh và gia đình rất yêu thích món ăn Việt Nam. Anh đã đến quán phở này nhiều lần, nhưng chưa từng muốn thử phở “kiểu Hàn".
“Tôi không muốn cho thêm các topping nào khác vì sợ lẫn vị, mất hương vị đặc trưng từ phở. Tôi biết quán ăn này qua bạn bè giới thiệu và hay dẫn gia đình đến đây. Nói đến ẩm thực Việt Nam, không thể không nhắc tới phở. Món ăn luôn lọt top nổi tiếng nhất thế giới và cũng nổi tiếng bên Hàn”, Ha Jun cho hay.
Haejin (34 tuổi) cùng con gái 6 tuổi thưởng thức phở tại quán. Ảnh: Thu Trang. |
Trái lại, Haejin (34 tuổi) cùng con gái 6 tuổi, đến Hà Nội được 15 ngày, chia sẻ rằng món phở “kiểu Hàn" rất hấp dẫn, phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc.
“Tôi biết quán qua mạng xã hội, món ăn rất ngon miệng. Tôi thích cả phở truyền thống Việt Nam lẫn loại phở mới này. Đây là sự kết hợp hoàn hảo, giao thoa giữa hai nền văn hóa ẩm thực”, cô nói.
Đồng quan điểm, Yeongil Nam (38 tuổi), đến Việt Nam lần đầu tiên, cho biết anh biết đến quán qua bạn bè giới thiệu. Anh cho rằng phở “kiểu Hàn" rất mới lạ và sáng tạo.
“Tôi rất ấn tượng với bánh phở Việt Nam, sợi phở mềm, dẻo, kết hợp và nước dùng hơi hướm canh sườn bò hầm của Hàn Quốc. Điều này giúp món ăn vừa tạo cảm nhận mới lạ vừa mang đến sự gần gũi, thân thuộc. Tôi cảm thấy được chào đón và hòa hợp ở đây", Yeongil Nam cho hay.
Thường chỉ bán cho người Hàn Quốc
Vốn có kinh nghiệm về thị trường ẩm thực Hàn Quốc, ông Dũng, Tổng giám đốc công ty CP ĐT&PT Phở Thìn Hà Nội, cùng các cổ đông trong công ty đã nghiên cứu và phát triển độc quyền món Phở lòng bò Korea và Phở sườn bò Korea.
So với phở truyền thống, món phở “kiểu Hàn" chiếm 20-30% doanh số quán phở, chủ yếu phục vụ khách Hàn. Tuy nhiên, quán vẫn giữ các món phở truyền thống Việt Nam. Menu thiết kế có hình ảnh các món đầy đủ, để khách có thể dễ dàng lựa chọn món ăn mà họ yêu thích.
“Người Hàn đến Việt Nam du lịch, ban đầu, họ sẽ trải nghiệm món truyền thống địa phương. Nếu hợp khẩu vị, chắc chắn sẽ quay lại và gắn bó. Khi họ được giới thiệu món truyền thống, nhưng mang phong vị của quê hương, sẽ cảm thấy muốn thử”, ông Dũng nói.
So với phở truyền thống, món phở “kiểu Hàn" chiếm 20-30% doanh số tại quán. Ảnh: Thu Trang. |
Theo ông Dũng, Hàn Quốc nổi tiếng với các loại mì, nhưng lại không hề có bánh phở tươi. Món phở lòng bò được kết hợp từ nước hầm xương truyền thống của người Việt và một số gia vị đặc trưng của xứ sở kim chi. Ngoài mở bán ở Mỹ Đình, quán còn mở rộng tại các khu vực tập trung nhiều cộng đồng người Hàn Quốc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đà Nẵng… Hiện, công ty sở hữu 13 cơ sở Phở Thìn Hà Nội.
“Đây là món ăn độc quyền của hệ thống phở chúng tôi, với các gia vị đặc trưng nhập khẩu từ Hàn. Mỹ Đình là khu vực có nhiều người Hàn Quốc lưu trú nên chúng tôi quyết định sáng tạo món ăn phù hợp với người dân Hàn Quốc tại Hà Nội. Sau khi mở bán, chúng tôi rất vui vì được nhiều người đón nhận và biết đến. Tôi hy vọng, món ăn này sẽ đem lại trải nghiệm mới lạ cho cả thực khách Việt Nam”, ông Dũng cho hay.
Một số người Hàn biết đến quán qua mạng xã hội. Ảnh: Thu Trang. |
Ông Lê Chí Dũng, cho biết ban đầu có mua nhượng quyền thương hiệu của ông Nguyễn Trọng Thìn (chủ quán Phở Thìn 13 Lò Đúc) từ 6/2019.
“Sau khi hoàn tất chi phí sang nhượng, tôi mới tìm hiểu và phát hiện ông Thìn không sở hữu thương hiệu và nhãn hiệu Phở Thìn. Ngoài món ăn truyền thống là tái lăn, chúng tôi có phát triển thêm các món phở khác để phục vụ đa dạng khách hàng", ông Dũng nói.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.