Nhiều vụ tai nạn liên quan đến mất lái hay mất phanh khi lái xe đổ đèo, xuống dốc, thường là gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Tất nhiên tai nạn là hi hữu và không thể tính trước được mọi thứ khi điều khiển xe, nhưng nhưng lưu ý dưới đây cũng sẽ giúp bạn an toàn hơn khi lái xe ở đường dốc, cũng như cảnh giác hơn với các xe xung quanh.
Dùng phanh, số thế nào?
Nhiều vụ tai nạn liên quan đến đổ đèo, xuống dốc có nguyên nhân liên quan đến hệ thống phanh gặp sự cố. Điều này thường xảy ra khi phanh xe hoạt động quá nhiều trong quá trình xuống dốc.
Trên thực tế, các hệ thống phanh đã được thiết kế để có thể chịu được tải của xe khi xuống dốc, dù là xe du lịch hay xe tải, xe đầu kéo, vì vậy các trường hợp lỗi phanh cũng là hi hữu.
Để giảm tỉ lệ xảy ra lỗi, việc kiểm tra xe thường xuyên là cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng với các xe chở khách, chở hàng có tải trọng lớn. Chỉ kiểm tra khi tới các đợt đăng kiểm có thể là chưa đủ, những chiếc xe nên được kiểm tra lại các hệ thống an toàn nói chung và hệ thống phanh nói riêng mỗi hành trình dài để phát hiện kịp thời các lỗi và khắc phục sớm.
Chủ động chuyển về cấp số thấp khi đổ dốc nhằm tận dụng hiệu suất từ phanh động cơ để hãm tốc độ xe thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phanh cơ khí của ôtô cũng là cách nhiều tài xế có kinh nghiệm thường sử dụng, dù là xe du lịch hay xe tải.
Một trong những ưu điểm của việc xuống dốc, đổ đèo bằng phanh động cơ là giúp tránh được tình trạng quá nhiệt của đĩa phanh. Nếu tài xế sử dụng phanh liên tục trên đoạn đường xuống dốc hoặc đổ đèo kéo dài, bộ phanh không có thời gian làm mát có thể dẫn đến hiện tượng tăng nhiệt, thậm chí mất phanh.
Về cấp số thấp khi điều khiển xe số sàn xuống dốc hoặc đổ đèo là một trong những lưu ý quan trọng. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Với xe số sàn, việc chuyển về cấp số thấp khi đổ đèo hoặc xuống dốc là cần thiết, còn người điều khiển xe số tự động có thể chuyển sang chế độ bán tự động để tận dụng phanh động cơ.
Nhìn chung, khi đưa xe về chế độ vận hành ở cấp số thấp hoặc chuyển sang chế độ bán tự động, vòng tua máy của động cơ trên ôtô sẽ được đẩy lên mức cao, giúp tăng lực phanh động cơ và giảm phụ thuộc vào hệ thống phanh cơ khí trên xe.
Trên xe số tự động, tài xế có thể chuyển sang chế độ bán tự động bằng cách gạt cần số về vị trí “2”, “3”, “L” hoặc “B” và “S”, tùy vào từng dòng xe. Một số dòng xe số tự động cũng được trang bị lẫy chuyển số sau vô lăng, giúp tài xế có thể dễ dàng tùy chỉnh cấp số mong muốn cho động cơ.
Người lái ôtô số tự động có thể chuyển sang chế độ bán tự động khi thay đổi vị trí cần số, ví dụ với Toyota Wigo 2023 là các vị trí "S" hoặc "B". Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Trên các dòng ôtô thuần điện, chế độ bán tự động không xuất hiện. Tuy nhiên, người điều khiển ôtô điện vẫn có thể vận hành xe xuống dốc hoặc đổ đèo một cách an toàn thông qua hệ thống phanh tái tạo.
Cụ thể, khi chuyển sang chế độ phanh tái sinh cao, xe điện sẽ được hãm tốc độ rất nhanh nhằm “sạc” lại một phần năng lượng cho bộ pin. Do đó khi ở chế độ này, lúc rời chân ga, người điều khiển xe điện sẽ nhận thấy rõ chiếc xe được hãm lại và di chuyển ở dải tốc độ tương đối thấp, tức tương đương hiệu quả khi sử dụng hệ thống phanh cơ khí.
Tận dụng công nghệ
Hiện, một số dòng xe được trang bị tính năng HDC (Hill Descent Control) hay DAC (Down Hill Assist Control) giúp kiểm soát tốc độ ôtô khi xuống dốc.
Một số người thường gọi hệ thống này là hỗ trợ đổ đèo. Tuy nhiên, tên gọi của tính năng này trong tiếng Anh có nghĩa “kiểm soát xuống dốc” và trên thực tế, hệ thống chỉ vận hành tốt nhất khi xe xuống dốc ở dải tốc độ thấp và quãng hành trình ngắn.
Cụ thể, hệ thống hỗ trợ xuống dốc và đổ đèo kết hợp nhiều hệ thống an toàn khác như hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS) nhằm điều chỉnh lực phanh cũng như điều chỉnh mô-men động cơ để kiểm soát tốc độ trên từng bánh xe.
Thông thường, nút kích hoạt hệ thống hỗ trợ xuống dốc sẽ được bố trí trên táp-lô, vô lăng hoặc bệ trung tâm. Khi người điều khiển cho xe xuống dốc và kích hoạt tính năng này, các cảm biến góc nghiêng sẽ truyền tín hiệu về bộ xử lý, từ đó can thiệp vào hệ thống phanh, hệ thống phân bổ mô-men xoắn để điều chỉnh tốc độ xe sao cho phù hợp với độ nghiêng của mặt đường.
Nút kích hoạt hệ thống hỗ trợ xuống dốc nằm tại bệ trung tâm của MG RX5. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Nhờ có tính năng này, người lái không cần quan tâm đến thao tác ở chân phanh hay phải cân nhắc vận hành xe ở cấp số nào. Tuy nhiên, hệ thống HDC hoặc DAC chưa quá phổ biến trên ôtô phổ thông tại Việt Nam, đồng thời cũng không thể vận hành ở dải tốc độ cao.
Ví dụ, chế độ Off-Road trên Volvo XC90 vận hành cùng chức năng hỗ trợ đổ đèo sẽ tự động bị tắt nếu tốc độ xe vượt quá 40 km/h. Với các dòng xe Mercedes, tính năng Downhill Speed Regulation cũng sẽ ngừng hoạt động nếu người điều khiển cho xe chạy quá 45 km/h.
Với các xe có trang bị hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control), tác dụng duy trì tốc độ ổn định cho xe sẽ không phát huy tối đa hiệu quả khi điều khiển xe đi xuống những con dốc dài. Cụ thể, so với tốc độ đã được người lái thiết lập, chiếc xe sẽ có xu hướng di chuyển nhanh hơn do ảnh hưởng của quán tính. Điều này có thể khiến tài xế có cảm giác không thể kiểm soát hoàn toàn đối với phương tiện của mình.
Nhìn chung, con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình điều khiển ôtô. Không chỉ với khi lưu thông xuống dốc hay đổ đèo, người điều khiển luôn cần phải chú ý kiểm soát tốc độ xe, sử dụng hợp lý hệ thống phanh và kết hợp với những trang bị, tính năng có sẵn trên xe để đảm bảo quá trình lái xe diễn ra an toàn.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.