Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lái tàu vụ tai nạn cầu Ghềnh đòi bồi thường 2,4 tỷ đồng

Lái tàu liên quan vụ tai nạn cầu Ghềnh ở Đồng Nai vào năm 2011 đòi bồi thường 2,4 tỷ đồng vì bị truy tố oan. Ông không chứng minh được thiệt hại nên chỉ nhận được 270 triệu đồng.

Ngày 28/9, TAND thị xã Thuận An (Bình Dương) tuyên án và yêu cầu VKSND TP Biên Hòa (Đồng Nai) xin lỗi công khai ông Nguyễn Văn Túy vì truy tố oan. Đồng thời, buộc VKSND TP Biên Hòa bồi thường cho ông với số tiền 270 triệu đồng.

Số tiền trên được tính dựa trên tổn thất tinh thần, chi phí kêu oan và tổng tiền lương của ông Túy trong thời gian bị tạm giam.

Tai nan cau Ghenh anh 1
Chiếc ôtô bị biến dạng vì tàu tông trúng trong vụ tai nạn cầu Ghềnh ngày 6/2/2011. Ảnh: Người Lao Động.

Theo hồ sơ vụ án, ông Túy (ngụ thị xã Thuận An, Bình Dương) là lái tàu được phân công điều khiển chuyến SE2 từ ga Sài Gòn (TP.HCM) đến ga Mường Mán (Bình Thuận) vào tối 6/2/2011.

Khi đến cầu Ghềnh (TP Biên Hòa), thấy tín hiệu đèn cho qua nên người này điều khiển phương tiện tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, khi đến gần thì phát hiện ôtô kẹt trên cầu nên ông hãm phanh nhưng không kịp nên xảy ra tai nạn.

Va chạm làm 2 người chết, 22 người bị thương. Sau vụ việc, cơ quan điều tra bắt giam 4 nhân viên gác chắn, nhân viên thông tin tín hiệu, tài xế taxi và lái tàu Nguyễn Văn Túy cùng phụ lái Nguyễn Xuân Phú.

Ông Túy bị truy tố với tội danh Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Theo lái tàu, ông bị cơ quan chức năng bắt giam đúng 287 ngày. Thời gian sau, VKSND Biên Hòa xác định hành vi của ông Túy chưa cấu thành tội phạm nên ra quyết định đình chỉ vụ án với người này.

Theo ông Túy, khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội có ý kiến thì tháng 3/2016, VKSND Biên Hòa mới xác định ông không có tội. Bị oan nhưng cơ quan này tìm cách né tránh nên ông kiện đòi danh dự và bồi thường.

Ông yêu cầu VKSND Biên Hòa bồi thường với số tiền 2,4 tỷ đồng. Trong đó bao gồm tổn thất tinh thần, mất thu nhập, tiền gia đình thăm nuôi, chi phí khiếu kiện, tiền thuê người nuôi vợ sinh lúc ông bị bắt giam.

Tại phiên tòa ngày 28/9, HĐXX cho rằng, lái tàu không chứng minh rõ một số thiệt hại, có những khoản chi phí quá cao nên không được chấp nhận.

Kết thúc phiên tòa, người từng bị truy tố oan cho biết sẽ kháng cáo. Ông cho rằng tinh thần, thu nhập giảm sút suốt 5 năm qua nhưng mức bồi thường lại chỉ tính số ngày tạm giam nên không đồng ý. 

Một người liên quan vụ sập cầu Ghềnh được công an trả tự do

Chiều 30/3, Nguyễn Văn Lẹ, một trong hai người đi trên chiếc tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai đã được công an cho về nhà.


Ngọc An

Bạn có thể quan tâm