Sáng 5/6, TAND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phiên xét xử cấp phúc thẩm đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng (lái xe container, 35 tuổi, ở Thái Bình). Người bị VKS truy tố về tội Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Hoàng là một trong 2 bị cáo trong vụ xe Toyota Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, va chạm với xe đầu kéo đi phía sau khiến 5 người tử vong, nhiều người bị thương hồi cuối năm 2016.
Tại phiên phúc thẩm này, bị cáo Lê Ngọc Hoàng là người duy nhất kháng cáo, không chấp nhận bản án sơ thẩm. Bị cáo Ngô Văn Sơn (lái xe Innova) chuyển sang làm nhân chứng.
Bác kháng cáo, giữ hình phạt 4 năm 6 tháng tù
Kết thúc phần tranh luận, sau khoảng thời gian nghị án, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Ngọc Hoàng, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo Hoàng bị xử phạt 4 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Thời gian áp dụng hình phạt tính từ ngày 17/2/2017 - ngày bị cáo Hoàng bị tạm giam.
Về trách nhiệm bồi thường, bị cáo Hoàng phải bồi thường tổng 530 triệu đồng cho các gia đình bị hại.
Chủ tọa Đặng Minh Tuân tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Hải Nam. |
Căn cứ vào kết quả giám định, điều tra, lời khai và diễn biến phiên tòa, chủ toạ phiên tòa Đặng Minh Tuân nhận định vụ tai nạn có lỗi của cả Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng.
Bị cáo Sơn vi phạm các lỗi điều khiển ôtô khi có nồng độ cồn trong hơi thở, chở quá số người cho phép và đi lùi trên cao tốc.
Còn bị cáo Lê Ngọc Hoàng phạm lỗi không giảm tốc độ xuống dưới tốc độ tối thiểu cho phép, khi đi trên đoạn đường có biển cảnh báo "đi chậm" dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc. Ngoài ra, bị cáo Hoàng không giảm tốc độ đến mức an toàn khi gặp xe innova phía trước đang bật đèn cảnh báo khẩn cấp.
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị bác kháng cáo. Ảnh: Hải Nam. |
"Hành vi phạm tội của 2 bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trật tự công cộng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác", chủ tọa nói.
Trước đó, bị cáo Lê Ngọc Hoàng được nói những lời sau cùng. Bị cáo bước lên bục khai báo với tâm trạng xúc động. “Khi viết lá đơn kháng cáo, bị cáo biết sẽ lại làm khổ, khơi lại nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Bị cáo xin chân thành gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân những nạn nhân”.
Bị cáo Hoàng nhắn gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè, đặc biệt là những người đồng hành không quen biết luôn hỗ trợ, động viên bị cáo về tinh thần và vật chất.
Cuối lời, bị cáo Hoàng nói đây là lần thứ 4 bị cáo đứng trước bục khai báo và khẳng định bị cáo vô tội.
Nhiều thắc mắc chưa được làm rõ
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên trích dẫn công văn số 1514 của Tổng cục Đường bộ, cho rằng tài xế Lê Ngọc Hoàng phải giảm tốc độ khi gặp biển báo “đi chậm”.
Đối đáp lại, luật sư bào chữa cho bị cáo lại dẫn công văn số 2884 của Cục quản lý đường bộ 1, cung cấp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên cuối năm 2016. Trong công văn, biển báo “đi chậm” được xác nhận không có hiệu lực điều chỉnh đối với xe đầu kéo của bị cáo Hoàng đang đi thẳng (chỉ có hiệu lực với xe rẽ ra nút giao, rời cao tốc).
Luật sư Giang Hồng Thanh, bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng. Ảnh: Hải Nam. |
Luật sư Giang Hồng Thanh đặt vấn đề tại sao VKS không tranh luận thêm căn cứ để xác định bị cáo Hoàng mắc lỗi, mà lại chỉ chọn công văn 1514 của Tổng cục Đường bộ để khép tội bị cáo.
Cũng theo công văn 1514 của Tổng Cục đường bộ, luật sư chỉ ra biển báo đi chậm trên đường cao tốc không cho phép tài xế đi chậm hơn tốc độ tối thiểu cho phép (60 km/h). “Bị cáo Hoàng chạy xe 62 km/h là rất an toàn, không thể chạy chậm hơn nữa”, luật sư của bị cáo Hoàng nói.
Ngoài ra, các luật sư nhận định VKS không có đủ căn cứ để xác định bị cáo Hoàng có phanh xe hay không, bởi hộp đen xe tải chỉ xác định tốc độ ở một thời điểm duy nhất, sau đó mất tín hiệu.
Luật sư dẫn công văn 336 của Cục Đo đạc bản đồ, thể hiện trong 52 giây trước khi xảy ra tai nạn, xe của bị cáo Hoàng đã di chuyển được 96,1 m, tương đương 5-10 km/h.
Kiểm sát viên Lưu Thái Hưng đề nghị HĐXX xử bị cáo Hoàng đúng người, đúng tội. Ảnh: Hải Nam. |
Người bào chữa cho bị cáo còn nêu quan điểm mâu thuẫn trong chính lập luận của VKS, khi đại diện VKS đã xác định tài xế Hoàng không chịu sự điều chỉnh của biển Giao nhau với đường không ưu tiên nhưng lại cáo buộc bị cáo vi phạm biển “đi chậm” đặt ở phía sau.
“Nếu Hoàng không chịu sự điều chỉnh của biển giao nhau với đường không ưu tiên thì biển “đi chậm” cũng sẽ không có hiệu lực với Hoàng”, luật sư Thanh lập luận.
Khi HĐXX đề nghị VKS đối đáp, đại diện VKS trả lời “không có gì để đối đáp”.
Tại tòa sơ thẩm ngày 14/2, TAND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng 4 năm 6 tháng tù và Ngô Văn Sơn 9 năm tù, về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Về phần dân sự, tòa buộc 2 tài xế bồi thường cho gia đình các bị hại tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Vụ án xảy ra 4 năm trước. Qua nhiều lần xét xử, HĐXX đều nhận định cả 2 tài xế có lỗi.
Ngày 21/11/2018, sau khi gia đình bị cáo Hoàng kêu oan, TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với vụ án để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Một tuần sau đó, Ủy ban Thẩm phán của TAND Cấp cao đã chấp nhận kháng nghị. Vụ án được Công an Phổ Yên điều tra lại từ đầu.
Chiều 22/8/2019, cơ quan chức năng thực nghiệm hiện trường vụ tai nạn nhưng Sơn và Hoàng không có mặt.
Ngày 14/2/2020, TAND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng 4 năm 6 tháng tù và Ngô Văn Sơn 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.