Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm công nhân lương 12 triệu đồng/tháng thay vì chờ việc đúng ngành

Thay vì sống trong cảnh thất nghiệp, tiếp tục nhận trợ cấp từ gia đình, không ít cử nhân chọn làm công nhân để tự trang trải chi phí sinh hoạt.

"Công việc vất vả nhưng mức lương ổn, môi trường làm việc thoải mái", Hà Minh (26 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ với Zing sau một năm làm công nhân tại địa phương, nhận lương khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trước đó, cô tốt nghiệp đại học loại giỏi và từng làm hướng dẫn viên du lịch.

Tương tự, N.T. (27 tuổi) chọn nghề tay chân vì cho rằng làm việc gì không quan trọng, miễn sao đó là công việc mình yêu thích và chân chính.

Chọn làm công nhân khi khó xin việc đúng ngành

N.T. tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Địa lý từ một trường đại học tại Hà Nội. Hiện tại, anh làm công nhân công ty gần nhà, kinh tế còn khó khăn, nhưng ít nhất, anh có việc làm và thu nhập ổn định.

N.T. cho biết sau khi tốt nghiệp, anh thi viên chức tại địa phương. Hai lần thi, anh đều nhận kết quả không như mong muốn. Sau 2 năm chật vật tìm kiếm việc, anh quyết định xin vào làm ở một công ty gần nhà.

Làm được gần một năm, N.T. xin nghỉ để thử sức thi lại. Lần này, kết quả vẫn không như mong đợi.

Kinh tế gia đình khó khăn, mẹ lớn tuổi, chị gái lại đi làm ăn xa, anh không muốn mẹ phải vất vả thêm. Từ đó đến nay, N.T. quyết định làm công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng.

“Sống ở quê, tôi không phải thuê trọ, chi phí sinh hoạt rẻ hơn so với thành phố, lại được ở gần gia đình. Tôi nghĩ mức lương như vậy đủ để tôi sống tốt ở quê”, N.T. nói.

Lam cong nhan luong 12 trieu dong/thang anh 1

Không ít cử nhân chấp nhận làm công nhân để tự trang trải chi phí sinh hoạt. Ảnh minh họa: JobsGO.

Trong khi đó, Hà Minh tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành từ một trường đại học công lập có tiếng. Cô ra trường đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ngành du lịch, khách sạn gần như không hoạt động.

Lúc đó, Hà Minh không biết phải chờ đến bao giờ để tìm kiếm được công việc phù hợp. Không còn sự lựa chọn nào khác, cô quyết định chọn một công việc trái ngành nghề để chờ cơ hội.

“Ra trường, tôi không thể ở nhà mãi được nên đành cất tấm bằng đại học để xin vào làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Hải Phòng. Công việc chủ yếu tại xưởng là ngồi theo dõi máy móc, sản lượng”, Hà Minh nói.

Thời điểm cả hai về quê, N.T. và Hà Minh cho biết thêm không ít người bàn tán, gièm pha. Họ cho rằng học đại học ra mà đi làm công nhân thà đừng học, phí thời gian, tiền bạc. Người ta cũng nói có bằng cử nhân rồi làm công nhân là điều đáng xấu hổ.

“Họ vừa nói vừa cười. Ban đầu, tôi có chút chạnh lòng. Nhưng lâu dần, tôi quen, không còn để tâm nữa", N.T. tâm sự.

Không muốn quay lại làm đúng ngành

Mặc dù là lao động chân tay, cả N.T. và Hà Minh đều cảm thấy thoải mái khi làm công việc trái với ngành học, sẵn sàng trau dồi kiến thức để phát triển công việc hiện tại.

Chia sẻ với Zing, Hà Minh cho biết công việc trong khu công nghiệp không quá vất vả nhưng thời gian làm việc tương đối dài. Cô làm theo ca và có tăng ca. Cô thường làm việc từ 8h đến 20h hoặc từ 20h đến 8h hôm sau. Những hôm làm ca đêm, Hà Minh phải đi trước 19h để bắt xe buýt kịp giờ làm.

“Vì làm theo ca, tôi phải chấp nhận làm đêm. Nhưng tôi cảm thấy thoải mái với công việc này”, Minh nói.

Hà Minh nhớ lại khi còn là sinh viên, cô cũng từng làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty. Tuy nhiên, do tính chất công việc thường xuyên đi lại, nhiều khi, cô phải dậy lúc 3-4h sáng để chuẩn bị đồ đạc. Kết thúc một ngày dài, không ít hôm, đến 22h, cô mới trả khách xong. Công việc này khiến cô cảm thấy uể oải.

Vì thế, đến nay, khi cuộc sống trở lại bình thường, ngành du lịch hoạt động trở lại, Hà Minh cũng chưa từng nghĩ đến việc tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành.

“Tôi làm công nhân được hơn một năm. Mức lương cũng ổn hơn so với mặt bằng chung, khoảng 12 triệu đồng/tháng, chế độ bảo hiểm, ăn trưa đầy đủ. Nếu quay lại làm du lịch, tôi nghĩ nó sẽ khá hơn, nhưng nó không khiến mình cảm thấy thoải mái”, Minh chia sẻ với Zing.

Cô cho biết 1/3 số đồng nghiệp cùng xưởng đều là sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng nhìn chung, họ đều gặp khó khăn trong quá trình xin việc phù hợp với ngành học của mình.

Còn đối với N.T., trong khoảng thời gian tìm việc, nhiều người cũng khuyên anh xin vào các trường tư để giảng dạy. Tuy nhiên, việc này cũng tương đối khó khăn.

N.T. quyết định làm công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này ở quê, anh cho biết, mình tự trang trải chi phí sinh hoạt cả tháng, thậm chí là dư ra. Bên cạnh đó, anh cũng đỡ mẹ thêm một khoản.

N.T tính, nếu xin được việc ở thành phố, mức chi trả sẽ phải gấp 2-3 lần hiện tại. Nếu làm đúng ngành, anh sẽ phải làm thêm một công việc khác ngoài giờ đi làm để đủ chi phí.

Nói về dự định trong tương lai, N.T. cho biết thêm công việc hiện tại của anh cần nhiều thời gian để phát triển. Hiện tại, anh cần chú tâm học nhiều thứ hơn.

“Vì tôi mới vào lại công ty sau thời gian nghỉ ôn thi, mức lương chưa cao. Sau này, khi có cơ hội, tôi sẽ cố gắng thêm để vẫn có cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp", N.T. nói.

Sinh viên đổi chỗ trọ, chuyển sang đi xe buýt thời 'bão giá'

Nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá trong thời gian qua khiến không ít sinh viên phải tìm cách chi tiêu hợp lý, tăng cường làm thêm kiếm tiền.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm