Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên đổi chỗ trọ, chuyển sang đi xe buýt thời 'bão giá'

Nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá trong thời gian qua khiến không ít sinh viên phải tìm cách chi tiêu hợp lý, tăng cường làm thêm kiếm tiền.

Giá xăng liên tục lập đỉnh. Nguyễn Thị Huệ (22 tuổi, đến từ Lạng Sơn) đau đầu khi phải ngồi cân đo đong đếm từng khoản chi trong các tháng sắp tới. Cô đang cân nhắc việc dừng đi xe máy, chuyển sang xe bus để giảm chi phí.

Không chỉ có Huệ, nhiều bạn sinh viên cũng lao đao, tìm cách "sống sót" giữa cơn bão giá.

Sinh vien doi cho tro anh 1

Nguyễn Huệ chật vật chi tiêu khi giá xăng lập đỉnh. Ảnh: NVCC.

Chật vật khi giá cả leo thang

Nguyễn Thị Huệ hiện là sinh viên năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Tranh thủ thời gian rảnh, Huệ ngồi liệt kê các khoản cần chi tiêu trong một tháng.

Cô gạch chi phí xăng xe ra khỏi danh sách chi tiêu trong tháng tới. Thời gian này, Huệ tính làm vé tháng xe buýt đi học thay vì di chuyển bằng xe máy như trước kia.

Chia sẻ với Zing, Huệ cho biết phòng trọ cách trường 8 km. Mỗi ngày đi học, cô mất khoảng 25 phút di chuyển. Trung bình, cứ 3-4 ngày, nữ sinh phải đổ xăng một lần. Những hôm đi lại nhiều như vừa đi học lại làm thêm, đi chơi với bạn, Huệ đổ xăng 2 ngày một lần.

Nữ sinh tính toán trước đây, cô chỉ cần đổ 70.000 đồng để đầy bình xăng xe máy. Nhưng bây giờ, mỗi lần, cô chi ít nhất 90.000 đồng. Giá xăng tăng khiến cô lo lắng.

Sinh vien doi cho tro anh 2

Dù chưa đến cuối tháng, Thùy Dung đã tiêu hết số tiền dành cho tháng đó. Ảnh: NVCC.

Tương tự, Thùy Dung (21 tuổi, từ Cao Bằng, sinh năm 3 tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) cũng đang trải qua ngày tháng cân đong đo đếm.

Trước đây, mỗi tháng, Dung có khoản sinh hoạt phí khoảng 4-5 triệu đồng. Với số tiền đó, cô chi tiêu thoải mái, còn dư 200.000-300.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chưa đến cuối tháng, nữ sinh đã hết tiền.

“Mọi chi phí sinh hoạt đều tăng chóng mặt. Nhiều khi, bố mẹ phải hỗ trợ thêm”, Dung chia sẻ.

Trần Long (21 tuổi, từ Thanh Hóa) cũng rơi vào cảnh tương tự. Hồi năm nhất, khi ra Hà Nội học đại học, từ năm nhất, muốn yên tĩnh, nam sinh chọn thuê trọ một mình ở những nơi không tập trung đông người dân, ít phương tiện đi lại, có không gian riêng tập trung cho việc học.

Thế nhưng, khi giá cả leo thang, chi phí tiền trọ, xăng xe đều cao hơn nhiều so với trước đây. Long phải cân nhắc lại nhiều thứ.

Thay đổi để thích nghi

Trong thời "bão giá", Trần Long quyết định chuyển từ phòng trọ với giá thuê 2,5 triệu đồng/tháng sang nơi rẻ hơn, khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhà trọ mới gần trường để tiết kiệm chi phí đi lại.

Bên cạnh đó, nam sinh tính ở ghép chung với người khác để san sẻ tiền thuê dù trước đây, cậu thích sống một mình. Trần Long cũng tính toán chi tiết để bản thân không chi tiêu quá đà dưới tác động thời bão giá.

“Đúng là có chút mệt mỏi, mình chưa quen lắm. Nhưng cũng vì vậy, mình thay đổi được thói quen chi tiêu không có kế hoạch, tiết kiệm hơn để phù hợp với túi tiền sinh viên", Long tâm sự.

Sinh vien doi cho tro anh 3

Trần Long tự nấu ăn tại nhà, tận dụng đồ ăn mẹ gửi từ quê lên. Ảnh: NVCC.

Trước kia, vừa học vừa làm khiến nam sinh khá mệt mỏi, không có thời gian nấu nướng. Tối về, Long thường ăn quán, sử dụng đồ ăn sẵn hay đặt món trên ứng dụng. Gần đây, cậu tính đến việc tự nấu tại nhà, tận dụng đồ ăn mẹ gửi từ quê lên.

“Đi học, đi làm về, mình cũng mệt. Bản thân là con trai nên cũng ngại nấu ăn. Nhưng thời buổi này, mình phải thay đổi. Mình nhờ mẹ mua rau, củ, quả từ nhà lên, giá cả ở quê phải chăng hơn nhằm tiết kiệm được một khoản phí”, Long nói.

Còn với Nguyễn Thị Huệ, nữ sinh cân nhắc việc chuyển từ đi xe máy sang di chuyển bằng xe buýt. Nếu vậy, cô phải rời nhà sớm hơn một tiếng đồng hồ để đề phòng trường hợp tắc đường hoặc thời gian đợi xe quá lâu. Huệ thừa nhận đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng có nhiều bất tiện. Nhưng với tình hình hiện tại, xe buýt là lựa chọn tốt.

Nữ sinh tính toán làm vé xe buýt hết 100.000 đồng/tháng. Đổi lại, cô giảm đáng kể chi phí cho việc đổ xăng.

Trong khi đó, Thùy Dung chọn cách tăng cường làm thêm. Hai tháng trước, cô bắt đầu làm part-time tại một trung tâm tiệc cưới. Với 5 ca/tuần, Dung nhận lương 2,5 triệu đồng/tháng. Nữ sinh dùng khoản tiền này để chi trả cho sinh hoạt phí như ăn uống, sinh hoạt cá nhân.

Gần đây, Thùy Dung tranh thủ thời gian rảnh để tăng cường làm thêm. Số tiền kiếm thêm được từ tăng ca được dành cho chi phí xăng xe hay các khoản phát sinh.

Nữ sinh từng tính toán di chuyển bằng xe buýt để giảm tiền xăng. Tuy nhiên, cô bị say xe nên không thể sử dụng phương tiện công cộng.

Thừa nhận bản thân là chi tiêu khá “hoang”, Dung cho biết hiện tại, cô bắt đầu nghiêm túc hơn với việc quản lý tài chính. Gần đây, cô hạn chế gặp bạn bè, giảm bớt việc mua sắm quần áo, giày, mũ, chỉ tập trung vào những đồ sinh hoạt cá nhân.

Tạm dừng 1-2 năm để đi làm kiếm tiền đóng học phí

Trước thông tin học phí tăng, một số thí sinh, sinh viên suy nghĩ tạm dừng việc học 1-2 năm để đi làm, tích góp tài chính, sau đó mới quay trở lại trường.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm