Theo công bố từ OpenAI, hiện có hơn 200 triệu người trên toàn cầu sử dụng ChatGPT hàng tuần. Giờ đây, không chỉ ứng dụng vào công việc, nhiều người còn dùng công cụ chatbot này như một giải pháp trị liệu.
Trước đó, nữ ca sĩ Lily Allen thừa nhận sử dụng ChatGPT để soạn thảo tin nhắn hòa giải với chồng. Trong câu lệnh, cô còn bổ sung thêm chi tiết “những tranh cãi xảy ra có liên quan đến mẹ chồng” để nhận được kết quả cá nhân hóa và phù hợp hơn.
Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Reddit, nhiều bạn trẻ chia sẻ họ sử dụng ChatGPT hoặc một số chatbot AI khác, thay vì tìm đến dịch vụ trị liệu chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và chi phí trị liệu đắt đỏ, nhiều người tìm đến chatbot AI như một giải pháp thay thế. Dẫu vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc tìm kiếm và lắng nghe lời khuyên từ các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng.
Giải pháp trị liệu tạm thời
Chia sẻ với The Guardian, Yvette, người làm ở lĩnh vực từ thiện, không chỉ ứng dụng ChatGPT vào công việc hàng ngày, cô còn dùng vào mục đích cá nhân. Cụ thể, ChatGPT đã giúp cô thuyết phục chồng cũ tiếp tục trợ cấp cho con sau nhiều tranh cãi trước đó.
Kể từ đó, cô thường xuyên sử dụng ChatGPT để tìm kiếm lời khuyên mỗi khi con cô gặp rắc rối tại trường học. Dù đó không phải là giải pháp hoàn hảo, ChatGPT đưa ra cho cô nhiều lời khuyên thực tế và hữu ích.
Trong khi đó, đối với Tim, ChatGPT như “người thầy về trí tuệ cảm xúc”. Với tính năng ghi nhớ do OpenAI bổ sung vào tháng 2/2024, khi cần tìm kiếm lời khuyên về mối quan hệ tình cảm, công cụ này có thể đưa ra phản hồi cá nhân hóa dựa trên những thông tin anh cung cấp trước đó.
Nhiều người dùng ChatGPT như một giải pháp trị liệu tâm lý. Ảnh: @lanzeng/TikTok. |
Anh nói rằng ChatGPT giúp anh trở thành một người yêu tốt hơn, đồng thời có thêm sự thấu hiểu và đồng cảm với phái nữ.
Không chỉ Yvette và Tim, nhiều người cũng chia sẻ về trải nghiệm hữu ích khi dùng chatbot AI để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề trong cuộc sống.
Jeff Guenther, cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép tại Mỹ, nhận định rằng chi phí trị liệu tâm lý đắt đỏ khiến ngày càng nhiều người dùng ChatGPT dùng như một phương tiện giải tỏa cảm xúc và tìm kiếm lời khuyên.
Dẫu vậy, ông Guenther cũng bày tỏ sự lo ngại về khi cung cấp thông tin riêng tư cho các công cụ trí tuệ nhân tạo. Ông hoài nghi về mục đích sử dụng những thông tin đó của các công ty công nghệ.
Hơn nữa, vị cố vấn cho biết người dùng không thể biết rõ những phản hồi được đưa ra có nguồn gốc từ đâu. Đôi khi, đó có thể là dữ liệu đến từ những bình luận trên mạng xã hội như X (tiền thân của Twitter) hoặc Reddit, thay vì nguồn tin uy tín.
Mất khả năng kết nối
ChatGPT có thể mang lại những phản hồi hữu ích, nhưng có thể khiến người dùng trở nên phụ thuộc quá nhiều vào công cụ này.
Chẳng hạn, Tim thú nhận bản thân trở nên ám ảnh với ChatGPT khi có những ngày anh dành đến 2-3 giờ để sử dụng công cụ này.
Không chỉ vậy, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ em và thanh thiếu niên tìm kiếm lời khuyên từ AI. Hồi tháng 10, một cậu bé 14 tuổi người Mỹ đã quyết định kết thúc cuộc đời sau khi trở nên phụ thuộc quá mức về khía cạnh cảm xúc với công cụ Character.AI.
Theo nhà trị liệu tâm lý Susie Masterson ở Anh, khi phụ thuộc quá mức vào các công cụ trí tuệ nhân tạo, điều đó có thể khiến con người mất khả năng kết nối với bản thân và những người xung quanh.
Bà cho rằng việc sử dụng ChatGPT trong những cuộc trò chuyện đời thực phản ánh nỗi sợ về việc bộc lộ cảm xúc hoặc áp lực phải nói những điều hoàn hảo.
“Sai lầm là điều con người không thể tránh khỏi. Mối quan hệ nào cũng có thể tan vỡ, việc có thể hàn gắn mới là điều quan trọng. Do đó, khi nhiều người lạm dụng hành vi và lời nói của ai đó, họ có thể bỏ lỡ vẻ đẹp thật sự của cuộc sống”, bà Masterson chia sẻ với The Guardian.
Việc lạm dụng AI trong giao tiếp hàng ngày có thể dẫn đến sự mất kết nối với bản thân và người khác. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Trong khi đó, Rua Mae Williams, trợ giảng tại Đại học Purdue (Mỹ), cho biết khi việc sử dụng AI trong hội thoại hàng ngày trở nên phổ biến hơn, điều đó có thể khiến mọi người hoài nghi về sự chân thật của những người xung quanh.
Ông Williams chia sẻ một người đồng nghiệp từng chỉ trích ông sử dụng AI vì một email phản hồi “thiếu cảm giác gần gũi và thân thiện”. Sau khi biết ông không hề dùng AI, người đồng nghiệp kia cảm thấy hoang mang và bối rối.
Do vậy, Jacqueline Nesi, nhà tâm lý học và trợ giảng tại Đại học Brown (Mỹ), cảnh báo mọi người không nên dùng ChatGPT để tìm kiếm lời khuyên về vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bà Nesi cho biết việc lạm dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để trị liệu tâm lý có thể dẫn đến tình trạng mất kết nối, thiếu sự tin tưởng giữa nhà trị liệu và người cần tư vấn.
Rõ ràng, đối với nhiều người, ChatGPT là giải pháp trị liệu dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, hậu quả tiêu cực đi kèm là những phản hồi có thể thiếu chính xác do không có sự giám sát và hỗ trợ chuyên nghiệp cần thiết.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.