Từ khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt tại làn sóng bùng phát lần thứ tư, chúng ta nhiều lần chứng kiến liên tiếp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại một số chung cư, tòa nhà cao tầng.
Đáng nói hơn, thời gian qua, một số tòa nhà chung cư còn ghi nhận các trường hợp dương tính với nCoV trên cùng trục đứng. Nhiều người phân tích và đặt ra nghi vấn về khả năng lây lan của virus thông qua hệ thống thông gió của tòa nhà.
Trao đổi với Zing, các chuyên gia dịch tễ khẳng định hiện nay, chúng ta chưa thể kết luận chính xác về nguy cơ này bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Dù không thể loại trừ hoàn toàn, người dân cũng không nên quá lo lắng và cần chú trọng tới các biện pháp phòng dịch tại căn hộ của mình.
Có nguy cơ nhưng không lớn
Không chỉ hệ thống thông gió, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng nguy cơ lây nhiễm tại các tòa nhà chung cư còn đến từ nhiều yếu tố khác như điều hòa nhiệt độ trung tâm, các khu vực dễ tiếp xúc với virus như hành lang, thang máy, sảnh tòa nhà, siêu thị mini.
Ông Nga nhận định: “Tôi nghĩ khả năng lây nhiễm virus qua hệ thống thông gió của chung cư không cao. Thực tế, hiếm trường hợp đến hít thở trực tiếp tại ống thông gió. Ngoài ra, không khí trong các hệ thống này thường được đưa ra ngoài hoặc lên mái thay vì luân chuyển từ phòng này sang phòng khác”.
Không loại trừ nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại chung cư qua ống thông gió. Tuy nhiên, tỷ lệ là không cao do mật độ virus thấp. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định SARS-CoV-2 vẫn là virus lây qua đường hô hấp. Do đó, chúng ta chỉ có thể nhiễm nCoV trong quá trình tiếp xúc gần hoặc ở cùng không gian kín với F0.
“Trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, người mắc Covid-19 làm văng các giọt bắn ra ngoài không khí, đồ vật. Người khỏe mạnh sau đó chạm vào các đồ vật này và đưa lên mũi, miệng có thể lây nhiễm virus. Ngoài ra, việc ở cùng thang máy, phòng kín với người bệnh cũng mang đến nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao”, vị chuyên gia này giải thích.
Dựa trên nguyên lý này, PGS Phu cho rằng đối với các tòa nhà chung cư, việc lây nhiễm chỉ có thể xảy ra khi không khí từ căn hộ có bệnh nhân Covid-19 bị thổi sang nhà của người khỏe mạnh.
“Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm lúc này cũng rất thấp vì mật độ không khí thường không quá dày. Số lượng virus không đủ nhiều để lây lan khi phần lớn hệ thống thông gió của các tòa nhà chung cư sẽ hút và đưa không khí lên trời. Dẫu vậy, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này”, ông nhận định.
Từ đây, để xác định việc một người có thể lây nhiễm virus từ hệ thống thông gió của chung cư hay không, PGS Phu cho rằng lực lượng chức năng sẽ phải đánh giá rất kỹ về cấu trúc tòa nhà cũng như các yếu tố dịch tễ khác.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói: “Chúng ta cần điều tra dịch tễ thật kỹ những trường hợp này. Trong nhiều hoàn cảnh, người dân có thể nhiễm SARS-CoV-2 thông qua các vật thể, không gian tại chung cư như tay nắm cửa, nút ấn thang máy hay hành lang, thậm chí tiếp xúc với F0 ở bên ngoài mà không biết thay vì yếu tố thông gió. Qua điều tra, chúng ta mới có thể kết luận chính xác vấn đề này”.
Chủ động phòng tránh lây nhiễm virus tại chung cư
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng giải pháp hiện nay giúp người dân tránh lây nhiễm trong các tòa nhà chung cư là thực hiện tốt 5K kết hợp tích cực tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ông nói: “Khi di chuyển trong chung cư, người dân cũng nên đặc biệt cẩn trọng trong thang máy, tránh nói chuyện và luôn đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Mọi người cần hạn chế đi lại, ngồi ở tiền sảnh, hành lang hay cầu thang. Đây là những không gian rất dễ tồn tại virus cùng các nguồn lây khác nhau”.
Người dân không nên hoang mang và cần chú trọng vào giữ không gian sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng việc cần làm nhất hiện nay là người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế ngay tại căn hộ chung cư mình sinh sống. Việc đảm bảo các biện pháp phòng dịch, hạn chế tiếp xúc sẽ giúp người dân tránh được những nguồn lây bệnh.
“Mọi người cũng không nên đóng kín cửa sổ đối với căn hộ của mình. Chúng ta nên mở cửa, giữ không gian thông thoáng nhất có thể. Khi đó, virus sẽ nhanh chóng được khuếch tán ra ngoài, hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người trong nhà”, vị chuyên gia này khuyến cáo.
Ngoài ra, người dân cũng không nên quá hoang mang và lo ngại việc lây nhiễm trong tòa nhà. Thay vào đó, mọi người cần thường xuyên lau dọn, vệ sinh và khử khuẩn không gian sống, giữ căn nhà luôn sạch sẽ, thông thoáng.