Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu tháng 120? trở lại đây, số ca tử vong do Covid-19 ở nước ta đều trên 200 trường hợp, trong đó có những ngày trên 250 ca như ngày 14/12 là 252 ca, ngày 9/12 là 256 ca, riêng ngày 15/12 là 283 ca…
Thống kê của Bộ Y tế trong ngày 15/12 cho thấy trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 241 ca, trong khi tuần trước đó là 204 ca. Điều này có thể thấy ca tử vong do Covid-19 đang tăng lên. Đâu là nguyên nhân?
Phần lớn F0 tử vong chưa tiêm vaccine, có bệnh nền, trên 50 tuổi
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy số lượng ca mắc tại các địa phương phía Nam tiếp tục tăng. Thực tế cho thấy phần lớn ca tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam là người trên 50 tuổi có bệnh nền và đa số chưa tiêm vaccine.
Ví dụ, tại An Giang lãnh đạo Sở Y tế cho biết trước ngày 1/10, địa phương này có 5.000 ca Covid-19. Tính đến hết ngày 14/12, số F0 đã tăng lên trên 28.000 ca. 33 cơ sở thu dung điều trị F0, trong đó tầng 3 gồm 3 cơ sở điều trị, tầng 2 có 10 cơ sở, số còn lại là tầng 1.
Hiện tại, hơn 4.500 F0 đang điều trị, trong đó 1.852 người điều trị tại các tầng (riêng bệnh nhân ở tầng 3 chiếm 8,7%); số còn lại điều trị tại nhà.
An Giang đã ghi nhận tổng số ca tử vong cộng dồn là 674 ca, đa số là nữ, khoảng 90% số tử vong có bệnh nền. Trên 86% là người từ 50 tuổi trở lên; 83% số ca tử vong là chưa tiêm vaccine.
Ngành y tế Đồng Nai cũng thông tin thời gian gần đây số F0 của địa phương không giảm, hiện tỉnh ghi nhận hơn 93.300 bệnh nhân; có 1.079 ca tử vong.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết số ca tử vong do Covid-19 trong tuần qua là 139 ca, tăng 76 ca so với tuần trước đó. Lũy kế đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 1,09% tổng số ca nhiễm bệnh trong tỉnh.
Để giảm số ca tử vong, lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị các huyện, thành phố phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để rà soát, tiêm vaccine cho những người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm y tế lưu động; nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 của các cơ sở y tế, tiến hành phân tuyến điều trị phù hợp, giảm quá tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, các địa phương cần củng cố những đội điều trị cơ động phản ứng nhanh; tăng cường nhân lực cho tầng 2, tầng 3 của tháp điều trị.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết hiện tỉnh điều trị hơn 6.500 bệnh nhân. 694 ca tử vong cộng dồn đến nay chủ yếu do bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường; khoảng 65% tử vong chưa tiêm vacccine.
Làm gì để giảm số ca tử vong?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chia sẻ mối lo ngại nhất là các địa phương chuẩn bị theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, Bộ Y tế chưa đến nơi, đến chốn.
Trước hết là vấn đề tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi, có bệnh nền. PGS Nhung cho rằng tỷ lệ này chưa đạt được 100% ở nhiều địa phương vì số người trong độ tuổi này tử vong nhiều.
“Lúc trước, khi số F0 trong cộng đồng chưa nhiều thì chúng ta tiêm cho người trẻ trong gia đình, chúng ta làm tốt, họ không đem dịch về nhà, bảo vệ được người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay số ca mắc trong cộng đồng nhiều dẫn đến lây các đối tượng này, nguy cơ tử vong rất cao, nhất là khi chưa được tiêm vaccine. Do đó việc tiêm triệt để cho người trên 50 tuổi, có bệnh nền rất quan trọng”, ông Nhung bày tỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng trước số lượng ca tử vong do Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, các địa phương cần quản lý chặt chẽ F0, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực của các trung tâm hồi sức điều trị người bệnh Covid-19.
Các tỉnh, thành phố phía Nam cần tăng cường quản lý người trên 50 tuổi có bệnh nền để chủ động giám sát, tiêm vaccine, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đi lại.
Trước thực trạng F0 gia tăng, lực lượng chuyên môn y tế thiếu, Bộ Y tế đã điều động nhân lực tại 16 bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ TP.HCM và 11 tỉnh, thành phía Nam trong công tác điều trị.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở y tế các địa phương đề xuất với lãnh đạo ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố chỉ sử dụng lực lượng y tế cho công việc chuyên môn, lực lượng khác như đoàn thanh niên,... hỗ trợ làm việc hành chính. "Có như thế mới tạo nên sự phân bố nhân lực hợp lý", ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Trong công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý tại tầng điều trị 3 phải tiến hành giám sát các trường hợp tử vong, đánh giá nguyên nhân để có khuyến cáo phù hợp với các bệnh viện.
Đặc biệt, các cơ sở chủ động thực hiện mô hình "bệnh viện chị em", giữa bệnh viện tầng 3 với các tầng dưới để tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt trong hội chẩn, chuyển tuyến bệnh nhân nặng phù hợp, kịp thời.
Địa phương và các bệnh viện Trung ương đang hỗ trợ tại các cơ sở điều trị "phải quan tâm đến công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện kỹ lưỡng, đặc biệt tại các trung tâm ICU. Phải thiết lập những nhóm điều trị người mắc bệnh lý nền không chỉ về hồi sức mà còn có chuyên gia về tim mạch, đái tháo đường...
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin truyền thông cho đối tượng nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, có bệnh nền cùng với quản lý tốt bệnh nền cần tiêm chủng vaccine đủ liều...
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay cơ quan này sẽ tiếp tục phân bổ cho các địa phương. Tuy nhiên, các tỉnh, thành khi nhận được thuốc phải sử dụng hiệu quả, hợp lý và có phương án cụ thể để sẵn sàng chuyển đến cho F0 điều trị tại nhà.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.