Một chàng trai gọi đến Đường dây nóng Ngày mai với giọng bình tĩnh và có chút ngại ngần. Cậu nói rằng mình không trầm cảm cũng không gặp vấn đề tâm lý. Nhưng anh trai trầm cảm và cậu rất muốn giúp.
Những cuộc gọi từ người thân của người trầm cảm đến Ngày Mai không phải hiếm. Họ muốn có thể giúp đỡ người thân yêu của mình được sống bình an và hạnh phúc.
Tuy nhiên, sự đồng hành này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Cảm xúc nào cũng đáng được quan tâm
Chàng trai trong câu chuyện kể trên rất bất lực khi anh trai đập đồ đạc, tự làm đau mình hay có những lúc bỏ ăn, chẳng hé răng nói một lời. Mỗi khi đi làm, cậu luôn phải kiểm tra camera để an tâm rằng anh vẫn đang ổn.
Cậu cũng thừa nhận việc này kéo dài làm bản thân căng thẳng và mệt mỏi. Anh trai của cậu cũng biết đến Ngày Mai nhưng ngại ngần vì nghĩ “mình vẫn chưa quá nặng, vẫn còn chịu được thì nên dành thời lượng gọi điện cho người khác”.
Lời nhắn nhủ được đưa ra là: “Hãy chia sẻ câu chuyện của mình, giải tỏa và xoa dịu cảm xúc kịp thời bởi bất cứ cảm xúc nào cũng đáng được quan tâm, chăm sóc như nhau. Đừng để nỗi đau lớn đến mức ‘không thể chịu được nữa’ thì mới nhờ trợ giúp”.
Những lúc cảm thấy tuyệt vọng hay khủng hoảng, nam giới thường chối bỏ hoặc cố gắng che giấu cảm xúc thật. Ảnh: GQ. |
Chàng trai thở phào nhẹ nhõm rồi nói sẽ chuyển lời tới anh trai để anh trực tiếp tìm đến, giãi bày. Cậu nói rằng hôm nay sẽ về sớm, cùng anh đi dạo một chút.
Thông thường, người thân hay bạn bè sẽ nhận ra các biểu hiện của trầm cảm ở một người nam giới. Kể cả khi nghi ngờ bản thân bị trầm cảm, họ có thể xấu hổ rằng mình không tự cân bằng được và sẽ chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ khi có sự thúc giục của người thân thiết.
Giúp đỡ nam giới trầm cảm
Nói chuyện về trầm cảm với nam giới. Nam giới không thường thể hiện những triệu chứng phổ biến của trầm cảm như tâm trạng lo âu, trầm buồn. Bạn có thể tiếp cận trước bằng cách miêu tả rằng gần đây họ “căng thẳng” hoặc “mệt mỏi” để khuyến khích bạn nam chia sẻ.
Đường dây nóng Ngày mai (hotline: 0963061414) là sáng kiến cộng đồng, phi lợi nhuận, với mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội về sức khỏe tâm thần, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ.
Chỉ ra những thay đổi trong hành vi của họ một cách không phán xét. “Dạo này hình như anh mất ngủ nhiều, tâm trạng không tốt” hay “Gần đây không thấy ông đi tennis với cả hội nữa”.
Gợi ý họ đến kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ có thể chuyển tiếp tới bác sĩ tâm lý sau khi xác định rằng không có lý do khác ngoài trầm cảm gây nên các triệu chứng vật lý.
Đi cùng họ tới khám với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý. Khuyến khích họ lên danh sách các triệu chứng hiện tại. Hãy giúp họ tập trung vào những cảm xúc, cũng như các biểu hiện cơ thể khác của chính mình. Đặc biệt, họ cần thẳng thắn về tần suất sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác.
Người thân có thể tiếp cận nam giới trầm cảm bằng cách miêu tả rằng gần đây họ “căng thẳng” hoặc “mệt mỏi” để khuyến khích sự chia sẻ. Ảnh: LoveDevani. |
Cách hỗ trợ người trầm cảm
Khuyến khích họ chia sẻ, rồi lắng nghe không phán xét. Đừng coi nhẹ cảm xúc của họ và thay vào đó, hãy bình tĩnh, tập trung lắng nghe rồi đưa ra những lời động viên chân thành.
Đối diện với những lời nói liên quan tới tự tử một cách nghiêm túc. Cùng bàn luận về những vấn đề của họ một cách cẩn thận và liên lạc ngay tới các nguồn lực khác (như Ngày Mai, bệnh viện, cấp cứu…) khi cần thiết.
Rủ họ đi chơi, dù chỉ là đi dạo, đi tập hay đi ăn với bạn bè. Nếu họ từ chối, đừng ngại mà hãy tiếp tục ngỏ lời vào những dịp khác.
Khuyến khích họ tiếp tục các hoạt động họ từng thích như thể thao, sở thích riêng biệt hoặc các hoạt động tình nguyện/văn hóa. Không cần thiết phải làm tất cả cùng một lúc.
Đừng bảo họ “Đừng buồn nữa, vui vẻ lên”. Hãy mở lòng và khẳng định rằng với thời gian và sự hỗ trợ, họ sẽ dần cảm thấy khá hơn.
Theo dõi xem họ có uống thuốc hay đi tham vấn đều không.
Cuối cùng, hãy nhớ bạn không thể “chữa” cho họ khỏi bệnh. Bệnh trầm cảm của người thân, người yêu hay bạn bè không phải là lỗi của bạn. Hạnh phúc của họ không phải là trách nhiệm của bạn. Sự hỗ trợ của bạn có thể có sức ảnh hưởng rất lớn tới việc chữa lành cho họ, nhưng dù gì đi chăng nữa, họ cần làm chủ tình trạng cũng như cuộc sống của chính mình.