Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm gì để hạn chế mặt trái của kháng sinh?

Kháng sinh có thể gây ra 3 dạng tác dụng phụ theo nhiều cấp độ khác nhau: dị ứng, nhiễm độc các cơ quan, loạn khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy.

Hiện nay, kháng sinh là loại thuốc được bán phổ biến, thậm chí không cần đơn thuốc cũng có thể mua được kháng sinh. Chính sự dễ dãi này dẫn đến có rất nhiều trường hợp dùng không đúng chỉ định, không đúng cách. Hậu quả là làm phát sinh và gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, làm cho một số bệnh nhiễm khuẩn phải điều trị bằng loại thuốc kháng sinh mới rất tốn kém.

Những tác dụng phụ không ngờ

Kháng sinh có thể gây ra 3 dạng tác dụng phụ theo nhiều cấp độ khác nhau: dị ứng, nhiễm độc các cơ quan, loạn khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy. Dị ứng do kháng sinh có thể được biểu hiện nhẹ dưới dạng nổi mẩn, ngứa, phát ban. Nếu bị dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ có thể dẫn tới tử vong. Khi dùng kháng sinh không đúng cách cũng có thể gây nhiễm độc các cơ quan, bao gồm nhiễm độc gan, thận, tế bào máu, thần kinh thính giác và xương, răng.

Sử dụng kháng sinh sai còn dẫn tới hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (cơ chế kháng kháng sinh của vi khuẩn).

Ngoài các tác dụng phụ kể trên, nếu sử dụng kháng sinh khi không cần thiết có thể khiến các vi khuẩn bị nhờn thuốc và phải dùng liều cao. Nếu bệnh tái phát, bệnh nhân sẽ phải sử dụng một loại kháng sinh mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong cộng đồng có thể khiến cho các loại vi khuẩn phát triển thành các chủng vi khuẩn mới mạnh hơn, độc tính cao hơn. Do vậy, nếu lần sau bị bệnh, lại cần phải dùng một loại kháng sinh mới mạnh hơn.

Cách dùng kháng sinh hữu hiệu

Muốn dùng kháng sinh cho đúng, cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau: chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn: Các tác nhân gây bệnh không phải chỉ có vi khuẩn mà còn có thể là virut, nấm, ký sinh trùng…

Các kháng sinh thông dụng chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn, hầu như không có tác dụng đối với virut, nấm và ký sinh trùng. Hơn nữa, mỗi loại kháng sinh lại chỉ có tác dụng đối với những chủng loại vi khuẩn nhất định chứ không phải với tất cả các loại vi khuẩn. Đối với bệnh ở đường hô hấp, nguyên nhân rất phổ biến là do các loại virut. Trong những trường hợp này, việc dùng kháng sinh sẽ không có tác dụng diệt được virut mà làm cho bệnh nhân mệt mỏi và tốn kém hơn.

Đối với môi trường bệnh viện, việc dùng kháng sinh hợp lý nhất là theo kháng sinh đồ, nghĩa là phải tiến hành cấy để tìm loại vi khuẩn gây bệnh, sau đó thử xem loại kháng sinh nào có tác dụng tốt nhất để diệt vi khuẩn. Trên cơ sở đó sẽ chọn được loại kháng sinh phù hợp nhất.

Phải lựa chọn kháng sinh hợp lý, việc lựa chọn này phải căn cứ vào một số yếu tố như độ nhạy của vi khuẩn đối với kháng sinh và vị trí của ổ nhiễm khuẩn. Căn cứ tốt nhất là làm kháng sinh đồ hoặc bác sĩ sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình đối với từng loại nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác nhau để cho bệnh nhân dùng loại kháng sinh phù hợp nhất.

Lựa chọn kháng sinh theo cơ địa bệnh nhân cần phải xem xét cơ địa của bệnh nhân để chọn lựa loại kháng sinh thích hợp, tránh một số loại mà cơ thể có phản ứng.

Phối hợp thuốc: nếu phối hợp đúng sẽ làm tăng cường tác dụng của thuốc; nếu phối hợp sai sẽ dẫn đến giảm mất tác dụng hoặc gây độc hại cho cơ thể. Dùng thuốc kháng sinh phải đủ thời gian.

Như vậy, với các nguyên tắc sử dụng kháng sinh đã nêu, cách tốt và an toàn nhất là bệnh nhân cần phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc tránh gây hại cho bản thân và cho cộng đồng.

http://suckhoedoisong.vn/duoc-si-tu-van/lam-gi-de-han-che-mat-trai-cua-khang-sinh-20141017010713487.htm

Theo TS.Hải Anh/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm