Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Làm gì khi trẻ uống nước ngọt như món chính trong dịp Tết

Không quá hào hứng với những mâm cỗ tràn ngập đồ ăn, trong mắt nhiều trẻ, nước ngọt mới là “món chính” của dịp Tết.

Tết là dịp trẻ có cơ hội uống nước ngọt nhiều hơn, thậm chí hàng ngày. Ảnh: Shutterstock.

“Mẹ ơi cho con Coca”, bé Lê Bảo Thanh (6 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) bám vào tay mẹ trong bữa ăn tất niên của khu chung cư.

Tuy nhiên, tin không vui là bữa ăn hôm nay không chuẩn bị các loại nước ngọt. Do số lượng người tham gia lớn, việc sơ chế, nấu các món ăn đã tốn gần như cả buổi sáng của các gia đình tại đây. Tuyệt nhiên, không ai còn nhớ đến các loại nước ngọt cho lũ trẻ.

“Thôi, nay không uống nước ngọt một hôm. Mai rồi uống”, anh Lê Mạnh Hiếu, bố bé Thanh nói để tránh ảnh hưởng đến bữa ăn của những người trong khu chung cư đã yên vị chuẩn bị nhập tiệc.

Một số người cũng đồng tình, cho rằng nước ngọt không tốt cho sức khỏe. Nhiều người nhẹ nhàng hơn, dỗ dành, nhắn nhủ cho bé Thanh thứ khác… Tuy nhiên, điều này không thay đổi sắc mặt của bé gái khi đó. Thanh tỏ rõ sự khó chịu, buồn bã, quay mặt đi và không ngồi ăn cùng gia đình.

Trên thực tế, nước ngọt thường được nhiều gia đình chuẩn bị sẵn trong dịp Tết. Bên cạnh các món ăn vặt, bia rượu, thực phẩm… nước ngọt thường được mua thành từng thùng, lốc 6 lon để tích trữ trong thời gian này.

Nguy cơ ngay trước mắt

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định các loại nước ngọt hay đồ uống có đường được coi là nguồn tiêu thụ chủ yếu đường tự do (free sugar).

“Nghiên cứu cho thấy đây là nguồn đóng góp đường tự do lớn nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Anh và lớn thứ 2 ở người lớn. Một nửa lượng đường tự do trong các sản phẩm siêu chế biến là từ nước ngọt có ga. Gần 1/5 đến từ các loại nước trái cây và đồ uống có đường khác”, vị chuyên gia thông tin.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do (loại đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có trong mật ong, siro, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc…).

uong nuoc ngot dip tet anh 1

Các loại đồ uống có đường chứa nhiều đường tự do mang đến những nguy cơ lớn cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Đồ uống có đường bao gồm nước ngọt không chứa cồn, có ga hoặc không ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và sữa có pha chế hương liệu.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tiêu thụ nước ngọt với tần suất một lon/ngày có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan hệ xương răng (sâu răng, gãy xương), béo phì, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa…

Một lon đồ uống có đường 330 ml thường có thể chứa tới 35 g đường. Trẻ uống hết một lon đã vượt quá giới hạn khuyến nghị một ngày về lượng đường tự do.

Sâu răng

Một nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hồng Minh và Trịnh Đình Hải về "Tình trạng sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em Việt Nam năm 2019" được đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam năm 2021 cho thấy tỷ lệ trẻ bị sâu răng vĩnh viễn tăng lên theo tuổi, cao nhất là lứa tuổi 12-14 tuổi.

Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu răng cao ở trẻ gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có thói quen ăn nhiều thức ăn chứa đường như sữa, bánh kẹo, nước ngọt... và các biện pháp vệ sinh răng miệng, dự phòng sâu răng chưa hợp lý, nồng độ fluor trong nguồn nước sinh hoạt không đủ.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chứng minh được mối quan hệ tuyến tính giữa việc sử dụng đường và sâu răng. Lượng đường tiêu thụ chiếm 10% năng lượng ăn vào gây ra gánh nặng chi phí cho chăm sóc răng miệng điều trị sâu răng.

Tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh không lây nhiễm, rối loạn chuyển hóa

Về mặt lý thuyết, hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh về tim nguy hiểm nhất bao gồm đái tháo đường, tiền đái tháo đường, béo bụng, cholesterol cao và huyết áp cao.

uong nuoc ngot dip tet anh 2

Trẻ đứng trước nguy cơ rối loạn chuyển hóa khi tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Tiêu thụ đồ uống có đường chứa nhiều fructose liên quan đến nồng độ kháng Insulin tăng cao ở thanh thiếu niên. Mối quan hệ này có thể thông qua con đường trung gian là mỡ trung tâm và axit uric huyết thanh tăng.

Mặt khác, tiêu thụ đồ uống có đường khi còn nhỏ cũng liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân cao hơn lúc lên 5 tuổi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi 100 ml tăng thêm trong tiêu thụ đồ uống có đường mỗi ngày sẽ dẫn đến chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở nhóm 6 tuổi.

BS Phương nói: “Cần lưu ý rằng chất lỏng không mang lại cảm giác no như thức ăn rắn vì cơ thể không “ghi nhận” lượng calo lỏng giống với calo từ thức ăn rắn. Điều này có thể khiến trẻ tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống một loại đồ uống có hàm lượng calo cao, kết quả là lượng lớn năng lượng tiếp tục được tiêu thụ cùng lượng đường tự do. Trong thực tế, thường chúng ta hạn chế ăn (bánh, kẹo ngọt…) nhưng lại ít khi hạn chế uống (đồ uống có đường)”.

Phân tích dữ liệu từ Điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe 2010-2011 ở Đài Loan trên 1.920 thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi cho thấy trẻ trai uống ≥ 7 lon nước ngọt/tuần và trẻ gái uống ≥ 7 phần trà/tuần có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa lần lượt cao gấp 4,6 lần và 5,2 lần.

Điều đáng chú ý là nguy cơ này giảm từ 0,4 đến 0,5 lần ở những thanh thiếu niên tiêu thụ ≥ 1 khẩu phần/tuần các sản phẩm sữa và trái cây tươi.

Lo ngại tác động tới sức khỏe tâm thần, tâm lý, hành vi

Các nghiên cứu trước đây từng cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nước ngọt và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, hướng tác động này vẫn chưa được biết rõ.

Trong một nghiên cứu dọc theo dõi mối liên quan giữa tiêu thụ nước ngọt và sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên năm 2020, các cuộc phỏng vấn được thực hiện với 5.147 trẻ em và người chăm sóc trẻ ở các thời điểm trẻ 11, 13 và 16 tuổi.

Kết quả cho thấy uống nước ngọt thường xuyên được xác định liên quan đến hành vi hung hăng hơn tại mỗi thời điểm và các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi 11 và 13. Mức tiêu thụ nước ngọt ở lứa tuổi 11 và 13 có thể dự đoán hành vi hung hăng hơn ở các thời điểm tiếp theo. Hành vi hung hăng ở tuổi 13 cũng dự đoán được mức tiêu thụ nước ngọt nhiều hơn ở tuổi 16.

Mặt khác, lượng nước ngọt được trẻ uống ở tuổi 13 không liên quan nhiều tới các triệu chứng trầm cảm.

Thay đổi thói quen

WHO khuyến cáo trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên có lượng đường tự do không quá 10% và có thể giảm xuống dưới 5% năng lượng hàng ngày để đảm bảo các lợi ích về sức khỏe. Số lượng này tương đương khoảng dưới 25-50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25 g đường/ngày với trẻ em.

Dù vậy, việc kiểm soát số lượng nước ngọt nạp vào không dễ, nhất là dịp lễ, Tết sắp tới với liên tiếp các buổi gặp mặt, tiệc mừng cùng tinh thần muốn chiều chuộng con cái, bản thân hơn. Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia đưa ra một số gợi ý:

Đọc nhãn thực phẩm

Theo BS Phương, điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm để đảm bảo con ăn uống lành mạnh là đọc nhãn thực phẩm. Kiểm tra nhãn cho biết lượng đường trong mỗi khẩu phần, từ đó tính toán kỹ xem chính xác có bao nhiêu khẩu phần trong một sản phẩm thực phẩm chúng ta tiêu thụ.

uong nuoc ngot dip tet anh 3

Đọc nhãn thực phẩm là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo tính khoa học trong dinh dưỡng. Ảnh minh họa: CDC.

“Thông thường, trên các thực phẩm đóng gói và đồ uống, thông tin dinh dưỡng sẽ được liệt kê trên 100 g hoặc 100 ml của sản phẩm. Trong khi đó, một sản phẩm có trọng lượng và dung tích lớn hơn. Ví dụ, một lon nước ngọt có dung tích là 330 ml nhưng thông tin trên nhãn là tính trên 100 ml. Theo thói quen, chúng ta sẽ uống hết cả lon. Lúc này, lượng đường sẽ lớn hơn so với lượng đường đã được ghi trên nhãn”, vị chuyên gia lưu ý.

Sử dụng công thức 5-2-1-0

Đây được xem như hướng dẫn chung cho sức khỏe hàng ngày:

  • 5 phần trái cây và rau (hoặc nhiều hơn) mỗi ngày (tương đương ít nhất 400 g rau và trái cây mỗi ngày)
  • 2 giờ hoặc ít hơn thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử
  • 1 giờ hoạt động thể chất: Chú trọng các hoạt động ngoài trời
  • 0 đồ uống có đường: Nói không với các đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt có ga, không ga, nước ép trái cây, đồ uống thể thao hoặc soda, trà uống liền…)

Ăn nhiều trái cây và rau hơn trong ngày là cách để hạn chế việc ăn vặt hay các thực phẩm nhiều đường. Trái cây và rau quả sẽ tạo cảm giác no lâu hơn, giúp cắt giảm lượng đường ăn vào cũng cũng như calo tiêu thụ.

Kiên nhẫn

BS Phương rằng các bố mẹ cần kiên nhẫn trong việc thay đổi hành vi ăn uống của con. Quá trình này thường mất thời gian và đòi hỏi sự kiên trì của bố mẹ và cả các bé. Tuy nhiên, việc này sẽ mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe sau này.

Nhằm hướng tới những thói quen lành mạnh hơn, Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn ở mọi phương pháp tập luyện, dinh dưỡng. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Thực phẩm nên ăn khi hạ đường huyết

Theo Eat This Not That, bạn nên chuẩn bị những món đồ ăn, uống nhẹ như kẹo dẻo, siro, nước ngọt trong trường hợp khẩn cấp.

Thức uống khiến bạn già đi nhanh chóng

Những người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên có thể bị lão hóa sớm, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm