Loài chó dễ cắn người khi đang bị thương, sợ hãi hoặc phấn khích quá mức. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Ngay cả con chó hiền lành nhất cũng có thể cắn người nếu nó đang bị thương, thấy sợ hãi hoặc phấn khích quá mức. Và tất cả giống chó đều có khả năng cắn người. Phần lớn trường hợp một người bị chó mà họ quen biết cắn. Trẻ em có nhiều khả năng bị chó cắn hơn người lớn.
Vì vậy, vào ngày Tết, khi bạn đi chúc Tết họ hàng, làng xóm, nguy cơ bị chó nhà cắn càng tăng cao. Khi đó, việc nắm rõ cách sơ cứu kịp thời vết chó cắn và cách phòng ngừa nhiễm trùng, uốn ván và bệnh dại là điều rất cần thiết cho mỗi người.
Cách xử lý vết chó cắn
Khi bị chó và các động vật khác như mèo cắn, mọi người có nguy cơ bị bệnh dại. Kể cả chó mèo nhà hay chó mèo đã được tiêm vaccine phòng dại, tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh dại qua vết cắn, cào hoặc liếm của động vật là làm sạch vết thương, sau đó đến cơ sở y tế để được điều trị và tiêm phòng dại ngay lập tức.
Vết cắn của chó thường là vết thương thủng sâu và hẹp; lởm chởm hoặc xước trên da, theo Baby Center. Hầu hết người lớn thường bị chó cắn ở tay, cánh tay, chân hoặc bàn chân, trẻ nhỏ lại dễ bị cắn vào môi, mũi hoặc má hơn.
Các bước xử lý vết thương do chó cắn:
- Xối rửa vết thương trong ít nhất 15 phút bằng nước hoặc xà phòng
- Sát khuẩn bằng dung dịch cồn (cồn 45-70 độ, cồn i-ốt) và các chất khử trùng thông thường khác
- Tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, theo hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Lưu ý, không nên băng kín và tránh làm loét vết thương bị chó cắn.
Các triệu chứng nhiễm trùng do chó cắn
Theo Healthline, nếu không rửa vết bị chó cắn kỹ lưỡng và ngay khi bị cắn, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao. Ngoài ra, vết thương sâu, gây ra gãy xương hoặc tổn thương khác, người bị cắn có hệ miễn dịch yếu cũng là những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng vết cắn dễ thành nhiễm trùng.
Các triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng do động vật cắn là đỏ, đau, sưng và viêm ở vị trí vết cắn. Bạn nên tìm cách điều trị y tế ngay lập tức nếu bất kỳ triệu chứng nào trong số này tiếp tục kéo dài hơn 24 giờ. Các triệu chứng nhiễm trùng khác bao gồm:
- Sưng mủ hoặc chất lỏng chảy ra từ vết thương
- Đau ở vùng gần vết cắn
- Mất cảm giác xung quanh vết cắn
- Khó sử dụng ngón tay hoặc bàn tay nếu bị cắn ở tay
- Vệt đỏ gần vết cắn
- Sưng hạch bạch huyết
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Đổ mồ hôi đêm
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Yếu cơ hoặc run.
Biến chứng khi bị chó cắn
Các biến chứng tiềm ẩn của nhiễm trùng do động vật cắn bao gồm uốn ván và bệnh dại.
Uốn ván
Các triệu chứng của bệnh uốn ván do vi khuẩn bao gồm: khó nuốt, cứng cơ hàm/bụng/cổ, co thắt cơ thể đau đớn.
Bệnh uốn ván có thể được phòng ngừa bởi vaccine uốn ván. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trẻ em nên tiêm đủ 5 mũi uốn ván trước 6 tuổi. Thanh thiếu niên và người lớn nên tiêm vaccine này 10 năm một lần. Nếu bạn không chắc chắn đã bao lâu kể từ lần tiêm cuối cùng, bạn nên tiêm liều vaccine khác. Thông thường, không có cách chữa trị bệnh uốn ván.
Bệnh dại
Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh cho biết các dấu hiệu có thể cảnh báo bệnh dại thường xuất hiện từ 3 đến 12 tuần, nhưng cũng có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc đến tận nhiều tháng, năm sau đó. Các triệu chứng bao gồm:
- Tê hoặc ngứa ran ở nơi bị cắn hoặc trầy xước
- Nhìn thấy những thứ không có tại đó (ảo giác)
- Cảm thấy lo lắng hoặc quá nhiều năng lượng
- Khó nuốt hoặc thở
- Không thể di chuyển (tê liệt).
Một khi các triệu chứng xuất hiện, bệnh dại hầu như luôn gây tử vong.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Zing giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.