Hàng xóm xung quanh tôi nuôi nhiều chó nên cũng lo ngại trường hợp vô tình bị cắn và mắc bệnh dại. Xin hỏi liệu bệnh này nguy hiểm và có vaccine không?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)
Dại là một bệnh do virus có thể phòng ngừa được, thường lây truyền qua vết cắn của động vật bị dại. Virus dại lây nhiễm vào hệ thần kinh trung ương của con người, gây bệnh ở não và tử vong.
Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Một số trường hợp có thể lây nhiễm qua vết thương hở hay vết trầy xước.
Người tiếp xúc với bệnh dại sẽ trải qua thời gian ủ bệnh trước khi xuất hiện triệu chứng. Thời gian ủ bệnh có thể vài tuần hoặc vài tháng, tùy theo vị trí trên cơ thể bị phơi nhiễm, chủng virus gây bệnh và khả năng miễn dịch.
Triệu chứng ban đầu có thể giống cúm, bao gồm mệnh mỏi, sốt, đau đầu, cũng có thể khó chịu hoặc ngứa ở vết cắn.
Các triệu chứng sau đó phát triển thành rối loạn chức năng não, lo lắng, lú lẫn và kích động.
Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể bị mê sảng, hành vi bất thường, ảo giác, sợ nước và mất ngủ.
Thời gian xuất hiện triệu chứng kéo dài 2-10 ngày. Khả năng sống sót của người gần như bằng không khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng đầu tiên, ngay cả khi được chăm sóc đặc biệt. Không quá 20 trường hợp sống sót khi xuất hiện triệu chứng bệnh dại từng được ghi nhận.
Ngay sau khi bị cắn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn hướng giải quyết. Tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị cắn là cách tốt nhất, bên cạnh các bước làm sạch vết thương.
Nếu chưa từng tiêm phòng, người bệnh cần tiêm 4 liều trong vòng 2 tuần. Nếu đã tiêm trước đây thì chỉ cần 2 liều sau khi bị cắn. Vaccine phòng dại có thể được tiêm cùng thời gian với các loại vaccine khác và có hiệu lực trong vòng 1-2 năm.
Vaccine sẽ không còn hiệu quả khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh.