Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm giàu nhờ khác biệt

Nhờ sáng tạo trong trồng nấm và mộc nhĩ, cơ sở sản xuất của Nguyễn Đức Tình đã thu lãi 200-300 triệu đồng/năm, tạo thêm việc làm cho gần 30 lao động.

Năm 2013, Nguyễn Đức Tình được T.Ư Đoàn và Tỉnh Đoàn Hưng Yên tặng bằng khen bởi những thành tích đạt được trong công tác Đoàn và phát triển kinh tế.

Lặn lội học nghề

Đức Tình (sinh năm 1988) hiện là Bí thư Chi đoàn 8, phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). 

Cách đây 4 năm, người đoàn viên trẻ này đã có ý tưởng làm giàu bằng việc gây dựng một cơ sở trồng nấm sạch tại địa phương. Tình đã đến một cơ sở tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) và làm việc như một lao động thực thụ để học cách trồng nấm.

Nguyễn Đức Tình tại nơi sản xuất mộc nhĩ.
Nguyễn Đức Tình tại nơi sản xuất mộc nhĩ.

 

Nhờ học đi đôi với hành một cách nghiêm túc, Tình đã tích luỹ được kinh nghiệm trồng nấm và mộc nhĩ. Ngoài sự hỗ trợ của gia đình, anh còn kết hợp với một người bác họ để có thêm điều kiện đầu tư mua các loại máy (gồm máy tời mùn, sàng trộn, chứa mùn, đóng bịch) nhằm xây dựng một quy trình khép kín trong sản xuất nấm và mộc nhĩ. 

Tình cho biết: “Quy trình sản xuất làm bằng tay cũng được, nhưng không tạo ra năng suất cao. Muốn có thu nhập tốt phải dựa vào khối lượng, vì thế cần có máy móc để tạo năng suất”.

Ngay năm đầu, cơ sở sản xuất đã thu lãi đáng kể. Nhờ vậy, anh đã hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho người bác để tự mình làm chủ cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, để làm chủ thực sự, anh thấy mình vẫn cần tìm hiểu thêm nghề nên đến một cơ sở khác tại huyện Xuân Trường (Nam Định) để học. 

Sau đó, Tình quyết định trồng hai loại nấm sò và mộc nhĩ, còn tạm dừng sản phẩm nấm linh chi vì nhận thấy sản xuất chưa có đầu ra đảm bảo. Trồng mộc nhĩ chủ yếu bằng mùn cưa nên anh Tình đã đến một số xưởng làm mộc lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang để mua mùn cưa. 

Mùn cưa sau đó được ủ, đóng thành các bịch bằng túi ni lông chuyên dụng rồi cấy giống để nuôi trồng. Khi thu hoạch, Tình cho lấy cả rễ mộc nhĩ để tránh bị mốc trong quá trình phơi khô. Mộc nhĩ được phơi khô tự nhiên nên đảm bảo chất lượng sạch và bớt chi phí hơn nếu đưa vào lò sấy.

Nấm sò trồng chủ yếu bằng rơm. Tình thấy hiện nay sau mỗi vụ mùa người dân thường chất rơm thành từng đống rồi đem đốt, thậm chí có người còn vứt rơm ra đường gây ảnh hưởng đến giao thông. 

Anh bèn tổ chức đi thu lượm rơm ở các nơi rồi dự trữ để dùng dần. Qua nuôi trồng, Tình thử thí nghiệm trồng nấm sò bằng rơm kết hợp với lượng mùn thải có từ trồng mộc nhĩ. Kết quả cho thấy trồng nấm sò bằng phương pháp này tạo năng suất cao hơn.

Lãi 200-300 triệu đồng/năm

Hiện nay, xưởng sản xuất nấm sò và mộc nhĩ (rộng 4.000 m2) của Tình được đặt tại thị trấn Vương (Tiên Lữ, Hưng Yên). 

Còn cơ sở nuôi trồng các sản phẩm này cũng rộng hơn 3.000 m2 được đặt tại xã Đình Cao (Phù Cừ, Hưng Yên). Do sản phẩm có địa chỉ sản xuất rõ ràng, nên hai mặt hàng này được nhiều thương nhân trong và ngoài tỉnh đến đặt mua.

Đặc biệt gần đây, việc có nhiều sản phẩm nấm không an toàn và không rõ nguồn gốc bị xử lý nên sản phẩm tại cơ sở của Nguyễn Đức Tình càng thêm đắt khách. Tại cơ sở này thường có 30 lao động, thời điểm thu hoạch lên tới 50 người, trong đó lực lượng trẻ chủ yếu đảm nhiệm việc điều khiển máy móc. 

Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở này giúp anh thu khoản lãi từ 200-300 triệu đồng. Trong năm 2013, anh bắt đầu mở rộng cơ sở khi thuê thêm một số ruộng tại huyện Tiên Lữ để nuôi trồng mộc nhĩ.

Bên cạnh đó, anh còn giúp người dân địa phương ở những nơi mình có cơ sở sản xuất trồng nấm và mộc nhĩ. Thực tế việc làm này không khó, người dân có thể tận dụng các khoảng trống ở ruộng vườn để nuôi trồng nhằm tăng thêm thu nhập “Khi đó, cơ sở sẽ ươm sẵn nấm và mộc nhĩ trong các bịch, sau đó người dân được hướng dẫn kỹ thuật để trồng và thu hoạch. Sản phẩm sau đó sẽ được cơ sở giúp tiêu thụ”- Tình cho biết.

Ngoài việc sáng tạo trong làm kinh tế, Nguyễn Đức Tình còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, luôn đóng góp hết mình trong việc tổ chức các đợt sinh hoạt hè, hội trại, thắp nến tri ân 27/7... tại địa phương cũng như của Thành Đoàn Hưng Yên. Trong năm 2013, Nguyễn Đức Tình được nhận Bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm Đồng bằng sông Hồng của T.Ư Đoàn... 

Tại cơ sở này thường có 30 lao động, thời điểm thu hoạch lên tới 50 người, trong đó lực lượng trẻ chủ yếu đảm nhiệm việc điều khiển máy móc. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở này giúp Tình thu khoản lãi từ 200-300 triệu đồng.

 

Từ chàng trai nghèo bỏ học thành ông chủ kiếm 500 triệu/năm

Bỏ học đi phụ hồ từ năm lớp 9 nhưng khi thấy cơ hội làm ăn, Nguyễn Linh Duy (26 tuổi) bán cả nhẫn cưới để có vốn nuôi rắn mối. Nhờ đó anh thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/lam-giau-nho-khac-biet-694723.tpo

Theo Tiền phong

Bạn có thể quan tâm